Gỡ vướng pháp lý, tạo nguồn cung cho thị trường bất động sản
Trước thực trạng triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn còn chậm, thậm chí gần như không có dự án mới được phê duyệt trong khi thị trường đang phát triển thiếu lành mạnh do khan hiếm nguồn cung, các địa phương đang xác định rõ các vướng mắc để xóa bỏ tình trạng này.
Nhiều khó khăn cần giải quyết dứt điểm
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội có tổng số 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, trong đó đã có 705 dự án với tổng diện tích 11.345ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 410 dự án được tháo gỡ, đưa ra khỏi danh sách cùng với các giải pháp tăng kiểm tra định kỳ, giám sát thực hiện.
Các chuyên gia bất động sản chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai, trong đó chủ yếu do vướng mắc liên quan đến những quy định pháp luật, thủ tục pháp lý thiếu rõ ràng, có sự thay đổi hoặc chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, dù với nguyên nhân chủ quan hay khách quan, thành phố nhìn nhận dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng sẽ lãng phí. Do đó, các cấp lãnh đạo thành phố đã có những giải pháp quyết liệt và cụ thể đối với từng dự án, nhất là các dự án nhà ở tại khu trung tâm để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân, đồng thời tránh lãng phí các nguồn lực...
“Sau gần 3 năm giá chung cư và nhà đất Hà Nội đã tăng 40-50%. Tình trạng nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc pháp lý đã dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, đẩy giá bất động sản tăng cao. Dự kiến, mức tăng này sẽ không dừng lại nếu nút thắt pháp lý của các dự án không được tháo gỡ”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định.
Đón đầu giai đoạn thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt khi chuẩn bị bước vào năm 2025, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã sẵn sàng chiến lược kinh doanh cũng như kế hoạch tài chính. Nhiều doanh nghiệp chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển sản phẩm để phù hợp hơn với xu hướng thị trường đặc biệt là các sản phẩm thuộc phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu bộ phận lớn khách hàng.
Động thái này cùng với các chỉ đạo, giải pháp kịp thời được thành phố Hà Nội ban hành để tháo gỡ nút thắt về pháp lý sẽ là hai thành tố cần và đủ để các dự án tìm được “lối ra”. Thời điểm này, thành phố khẳng định sẽ tiếp tục nhận diện, rà soát, lập danh mục cụ thể để chỉ đạo các sở, ngành đánh giá tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ để giải quyết dứt điểm.
Nhiều địa phương đang vào cuộc triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư xây dựng kéo dài, chậm đưa vào sử dụng. |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trình tự, thủ tục triển khai các dự án hiện nay còn phức tạp, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước quy trình theo quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu liên thông, một số quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai dự án.
Hơn nữa, công tác cải cách hành chính còn nhiều bất cập; việc giải quyết hồ sơ còn chậm, thời gian thường dài hơn so với thời hạn pháp luật quy định; nhiều thủ tục không xác định được thời hạn. Việc thẩm định dự án, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế xây dựng trên cơ sở quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt cũng còn phức tạp.
"Việc chậm tiến độ dự án trở thành tình trạng phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến phương án kinh doanh của chủ đầu tư và những khách hàng đã nộp tiền", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Diễn biến tích cực từ việc gỡ vướng mắc dự án
Những chuyển biến rõ rệt trong việc gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản cùng với việc 3 luật liên quan có hiệu lực tháng 8 chính là cú huých về pháp lý cho thị trường bất động sản phía Nam có những tín hiệu phục hồi tích cực trong thời gian qua về niềm tin của nhà đầu tư lẫn giao dịch trên thị trường.
Trước bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều biến động, Chính phủ cùng các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường. Một trong những bước đi quan trọng là việc thành lập Tổ công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản. Nhiều văn bản kiến nghị đã được xử lý kịp thời, giúp giải quyết các "nút thắt" tồn đọng suốt hàng chục năm qua.
Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã có cuộc họp khẩn để nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện, những nội dung tồn tại, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư chậm triển khai trên địa bàn.
Cụ thể, một số dự án được xem xét là dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai; dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ, quận Ba Đình; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất...
Cùng với đó, UBND TP. Hà Nội cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư xây dựng kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, thực hiện có hiệu quả công tác chống lãng phí; đồng thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Trong đó, Thành phố ra công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổng rà soát toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài thuộc nhiều lĩnh vực để tìm giải pháp hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, việc dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng cũng đã có dấu hiệu lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian. Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu sở, ban, ngành, địa phương phải có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm đưa những tài nguyên, tiềm năng của thành phố trở thành động lực và nguồn lực thúc đẩy phát triển Thủ đô, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội, cho nhân dân; không để xảy ra tình trạng chậm trễ, kéo dài, dù là dự án đầu tư công hay ngoài ngân sách.
Số liệu mới nhất tính đến tháng 10 từ DKRA cho thấy, thị trường phía Nam có 110 dự án sơ cấp triển khai bán hàng với gần 13.000 căn hộ, tập trung tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Đáng chú ý, sức mua thị trường ghi nhận tín hiệu phục hồi, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn vị nghiên cứu cho rằng, tác động của 3 luật mới và công tác tháo gỡ "điểm nghẽn" từ Chính phủ đã giúp thị trường bất động sản phục hồi rõ nét.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng Giám đốc DKRA Consulting đánh giá: "Tôi cho rằng đây là động thái khơi dậy niềm tin của người dân cũng nhà các nhà đầu tư, người mua bất động sản. Đồng thời nó cũng tháo gỡ những khó khăn của những nhà đầu tư, họ có thể tiếp cận được pháp lý hoàn toàn mới cũng như tiếp cận được vốn vay, có thể giải quyết các vấn đề tồn đọng. Từ đó thúc đẩy sự hồi phục cho thị trường trong thời gian tới, cũng như giúp thị trường chuyển tiếp qua chu kỳ mới bền vững, an toàn và công bằng cho tất cả các bên tham gia".
Hiện khó khăn của các dự án bất động sản còn tồn đọng tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: Thứ nhất là thủ tục phát triển dự án kéo dài; Thứ hai là khó khăn xác định tính tiền sử dụng đất, tiền chuyển mục đích sử dụng; Cuối cùng là dự án có dính đất xen cài, đất công.
Các chuyên gia cho rằng, việc phân nhóm vướng mắc theo tình trạng pháp lý là giải pháp khả thi để các địa phương nhanh chóng có phương án tháo gỡ cụ thể cho các dự án.
"Tổ công tác của Chính phủ đang phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố giải quyết theo hướng này tôi thấy rất hiệu quả. Cụ thể trên địa bàn TP Hồ Chí Minh theo thống kê có trên 220 dự án đang bị vướng mắc, từ chỗ có sự phối hợp giải quyết và phân nhóm như vậy đấy là một những thành tựu rất quan trọng trong việc thúc đẩy khó khăn, đặc biệt là pháp lý dự án bất động sản", ông Phan Công Chánh - Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Đầu tư Phú Vinh Group đánh giá.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy nhanh triển khai, áp dụng các văn bản hướng dẫn thi hành để các luật liên quan đến thị trường bất động sản đi vào đời sống và phát huy hiệu quả nhanh nhất.
Nguồn:Gỡ vướng pháp lý, tạo nguồn cung cho thị trường bất động sản
PV
thuongtruong.com.vn
- Giá chung cư liên tục lập đỉnh, phân khúc bất động sản nào tiềm năng?
- Cổ phiếu BSR của CTCP Lọc - Hóa dầu Bình Sơn ngược dòng tăng mạnh
- Hapro sẵn sàng 1.000 tỷ đồng giá trị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- ADB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,4% năm 2024 và 6,6% năm 2025
- Giảm giá cuối năm: Cảnh giác với ‘chiêu đẩy hàng’ của nhà bán lẻ
-
Khánh Hòa: Nỗ lực kết nối, lan tỏa tinh hoa những vùng cao
-
Cuộc thi ảnh và video “ Việt Nam Hạnh phúc - Happy Vietnam 2024”
-
Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 33 chính thức khai mạc
-
Ca khúc Việt Nam duy nhất lọt Top 100 video nhạc hàng đầu thế giới
-
Bản tin Năng lượng xanh: Đan Mạch không nắm bắt được thay đổi của thị trường khiến cuộc đấu giá điện gió ngoài khơi thất bại
-
Hoa hậu Khánh Vân lên tiếng xin lỗi sau hôn lễ cùng bạn trai nhiếp ảnh gia
-
Sắp diễn ra sự kiện biểu dương tài năng, kỹ năng CNTT dành cho sinh viên quy mô quốc tế
-
Sống "phông bạt" - một bộ phận người trẻ gồng mình với vỏ bọc ảo
-
PVCFC nhanh chóng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cùng các nhà phân phối