Hà Giang: Bảo tồn văn hóa gắn với đẩy lùi hủ tục

15:00 | 05/06/2024

|
Với đặc thù tỉnh miền núi biên giới, đa sắc màu văn hóa dân tộc nên việc bảo tồn văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, khơi dậy giá trị văn hóa để phát triển KT – XH, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ trọng yếu được tỉnh đặc biệt quan tâm để tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân.

Đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương và ngành Văn hóa TT&DL tỉnh tập trung triển khai Nghị quyết 33, ngày 9.6.2014 của BCH T.Ư Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của T.Ư, của tỉnh về văn hóa. Với việc đẩy mạnh quản lý nhà nước về văn hóa; chủ động xây dựng các kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhân dân trong tỉnh đã giúp các chỉ tiêu phát triển văn hóa đạt nhiều kết quả cả về quy mô, số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL Nguyễn Hồng Hải cho biết: Ngành thường xuyên chỉ đạo, định hướng tuyên truyền về phát triển văn hóa bằng nhiều hình thức như cổ động trực quan, qua hệ thống truyền thanh cơ sở, các trang website, cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội; tập huấn truyền dạy về DSVH phi vật thể cho các đối tượng là cán bộ làm công tác quản lý về văn hóa, nghệ nhân, cộng tác viên và nhân dân tại các địa phương trong tỉnh. Qua đó, nâng cao ý thức người dân địa phương trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; giới thiệu, quảng bá DSVH; đẩy lùi hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu để xây dựng nếp sống văn minh.

Trình diễn múa khèn Mông.
Trình diễn múa khèn Mông.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH được giữ gìn và phát huy. Qua kiểm kê nhận diện, đến nay toàn tỉnh có trên 130 di tích lịch sử, danh thắng và gần 450 DSVH phi vật thể; hơn 60 di sản vật thể, gần 30 DSVH phi vật thể cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hàng năm, tổ chức phục dựng từ 3 - 5 lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc; đặc biệt, năm 2022, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn xuất sắc vượt qua kỳ tái đánh giá lần thứ III của tổ chức GGN. Một số di tích, danh thắng trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, như: Di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà Vương, Cột cờ quốc gia Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng… Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được quan tâm; đến nay, có 30 di tích, danh thắng được tu bổ, tôn tạo, tập trung chủ yếu vào các di tích quốc gia, di tích lịch sử cách mạng, các di tích lịch sử - văn hóa đã và đang xuống cấp. Ngoài việc tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngành Văn hóa phối hợp với các cấp, ngành kêu gọi, vận động xã hội hóa việc đầu tư, trùng tu, bảo quản và phát huy giá trị các di tích.

Phát triển toàn diện văn hóa, con người Hà Giang, thực hiện Nghị quyết 27, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc, ngành Văn hóa triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng ngày càng sôi nổi và rộng khắp, thu hút đông đảo người dân tham gia. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Các vấn đề về gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được tăng cường tuyên truyền, tập trung giải quyết. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp ngày càng hoàn thiện. Đến nay, có 164 xã và 1.715 thôn có nhà văn hóa. Các lễ hội truyền thống, các loại hình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc tiếp tục được sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị, phục vụ phát triển bền vững…

Đặc biệt, sự hình thành và phát triển mô hình hoạt động Hội nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh thời gian qua khẳng định đây là cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 188 hội với 8.812 hội viên tham gia; các hội viên là những thầy mo, thầy cúng, người có uy tín; tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: Tín ngưỡng dân gian; phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian; truyền dạy và làm nghề truyền thống.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc nhận định: Các Hội nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện thời gian qua góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, như: Làm ma dài ngày, thách cưới cao, hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn, sinh con thứ ba… Đặc biệt, các hội viên vận động người dân thực hiện tốt các hương ước, quy ước của thôn bản; phát huy, gìn giữ các văn hóa dân gian của từng dân tộc, địa phương, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Tỉnh ta xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII xác định phát triển du lịch là một trong ba đột phá chiến lược; do đó, các cấp, ngành, địa phương coi trọng bảo tồn DSVH, từng bước thu hút cộng đồng tham gia quản lý; vừa khai thác các lợi ích kinh tế do du lịch mang lại, vừa bảo tồn văn hóa địa phương. Chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; chọn lọc một số lễ hội tiêu biểu của địa phương, xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của vùng để thu hút khách du lịch theo Đề án “Nâng cao chất lượng và phát triển các lễ hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt.

“Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch xanh, bản sắc, bền vững, tỉnh chú trọng phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi; phát huy vai trò người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian để làm cho đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh; vừa bảo tồn DSVH truyền thống, vừa góp phần giảm nghèo; xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo cho du khách các chương trình du lịch đa trải nghiệm. Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các cấp học để giáo dục thế hệ trẻ hiểu và tôn trọng giá trị DSVH; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phát huy di sản, trở thành những người quản lý và bảo vệ, đảm bảo cho các DSVH tồn tại bền vững” – Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL Nguyễn Hồng Hải cho biết thêm.

Nguồn: Bảo tồn văn hóa gắn với đẩy lùi hủ tục

Kim Tiến

baohagiang.vn