Hà Giang: Yên Minh giữ gìn văn hóa dân tộc Pu Péo

10:00 | 01/06/2024

|
Dân tộc Pu Péo là một trong những cư dân định cư lâu đời nhất ở vùng cao Hà Giang. Trải qua thời gian, những nét đẹp, truyền thống văn hóa của người Pu Péo tại huyện Yên Minh đang được gìn giữ, bảo tồn từ đời này qua đời khác.

Người Pu Péo trên địa bàn tỉnh sinh sống chủ yếu tại các huyện Đồng Văn, Bắc Mê và Yên Minh. Trong đó, huyện Yên Minh có số lượng tương đối lớn với 255 người, định cư tại các xã Sủng Cháng, Đông Minh, Mậu Duệ… Cùng với các dân tộc trên địa bàn, người Pu Péo có những nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán độc đáo, đóng góp nhiều di sản văn hóa quý báu. Thời gian qua, huyện Yên Minh tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách của tỉnh, chính sách đặc thù của T.Ư để đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH và bảo tồn, gìn giữ văn hóa người Pu Péo. Nổi bật là triển khai tích cực Đề án “Hỗ trợ phát triển KT – XH các dân tộc thiểu số rất ít người, giai đoạn 2016 - 2025” theo Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ. Qua các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã cơ bản giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trong đời sống đồng bào dân tộc Pu Péo hiện nay.

Lễ cúng thần Rừng của người Pu Péo tại xã Sủng Cháng (Yên Minh).

Lễ cúng thần Rừng của người Pu Péo tại xã Sủng Cháng (Yên Minh).

Sủng Cháng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Pu Péo sinh sống nhất huyện với 103 người, chiếm 2,6% nhân khẩu toàn xã. Cùng với 8 dân tộc trên địa bàn, người Pu Péo ở đây còn giữ được gần như nguyên vẹn các phong tục, tín ngưỡng, văn hóa truyền thống. Ông Cháng Mìn Diu, thôn Cháng Lộ được xem như người chủ làng, có uy tín và nhiều kinh nghiệm trong ứng xử, ông cũng là thầy cúng chủ trì các nghi lễ của bản. Ông Diu cho biết: Đời nối đời, những “sợi chỉ” văn hóa vẫn được chúng tôi trao truyền để các thế hệ tiếp nối lưu giữ, bảo tồn. Với quan niệm rừng là điều vô cùng thiêng liêng, nên các nghi lễ liên quan được tổ chức rất trang trọng. Còn trong mỗi ngôi nhà, gian bếp lại mang những ý nghĩa đặc biệt. Bếp được chia làm hai phần, một bếp thờ Tổ tiên gọi là “bếp thiêng”, bếp còn lại để nấu ăn hàng ngày. “Bếp thiêng” có một ấm đồng đun nước dùng riêng trên bàn thờ, mỗi ngày nổi lửa một lần và được bố trí phía Đông căn nhà.

Người phụ nữ Pu Péo rất khéo léo, không chỉ chu toàn công việc gia đình, tháo vát làm nương rẫy, họ còn may trang phục truyền thống riêng có của dân tộc mình. Phụ nữ Pu Péo thường mặc áo dài đen, bên ngoài có yếm, trang trí hoa văn tỉ mỉ, nhất là ở phần ống tay. Tóc được vấn bằng chiếc lược gỗ, bên ngoài phủ tấm khăn vuông nhiều màu sặc sỡ. Còn quần áo người đàn ông được nhuộm màu chàm hoặc áo xanh, quần đen. Trong đời sống, người Pu Péo ở Yên Minh còn lưu giữ được kho tàng văn nghệ dân gian phong phú. Những bài cúng là những áng cổ văn, kể về nguồn gốc loài người, về nạn Đại hồng thủy và lịch sử du cư. Ngoài ra, nhiều thành ngữ, tục ngữ, được sử dụng khá nhuần nhuyễn trong giao tiếp hàng ngày. Người Pu Péo ở Yên Minh nói riêng và tại Hà Giang nói chung có đời sống văn hóa tâm linh vô cùng phong phú. Một số nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng được bảo tồn, tổ chức hàng năm. Trong đó, Lễ cúng thần rừng, Lễ xuống đồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản phi vật thể Quốc gia.

Phụ nữ Pu Péo giữ gìn trang phục truyền thống.
Phụ nữ Pu Péo giữ gìn trang phục truyền thống.

Ông Cháng Mìn Diu cho biết thêm: Lễ cúng rừng được tổ chức vào ngày 6.6 âm lịch hàng năm tại khu rừng cấm của thôn. Đàn cúng được dân làng cùng chuẩn bị không quá cầu kỳ, xung quanh trang trí bằng những cành cây nhỏ, để nguyên lá cắm xuống đất. Lễ cúng gồm 2 phần, dâng lễ và cúng chính, thầy cúng sẽ gửi lời cầu khẩn thành kính mong thần rừng phù hộ, cầu cho nhân dân mạnh khỏe, con cái học hành siêng năng, mùa màng bội thu. Sau khi lễ cúng kết thúc, dân làng mang lễ vật nấu chín rồi cùng nhau ăn uống, trò chuyện. Còn Lễ ra đồng, hay còn gọi là “Pặt Oong” tổ chức vào khoảng 5-12 tháng Giêng hàng năm. “Pặt Oong” có nghĩa là làm sạch nước, phát nước, phát lửa, đồng thời xua đuổi những tà ma, những điều không may mắn ra khỏi nhà, khỏi làng. Lễ cúng được tổ chức ở khu ruộng đầu thôn, tất cả dân bản tập trung tham gia với mong muốn 1 năm mới bình an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Bằng những thể hiện sinh động trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng truyền thống rất riêng, dân tộc Pu Péo ở Yên Minh đã góp phần tạo nên những sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú. Là dân tộc rất ít người, trong quá trình tiếp biến văn hóa, việc bảo vệ tính đa dạng, bản sắc văn hóa của dân tộc này đang là đòi hỏi cấp thiết đối với địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đời sống.

Nguồn: Yên Minh giữ gìn văn hóa dân tộc Pu Péo

Phạm Hoan

baohagiang.vn