Hà Nội muốn thu hồi 29 dự án 'treo' với tổng diện tích hơn 1.800ha

16:17 | 08/04/2022

|
Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với 29 dự án, với tổng diện tích 1.844,3ha đất.
Hà Nội muốn thu hồi 29 dự án 'treo' với tổng diện tích hơn 1.800ha
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày tờ trình tại kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Sáng 8.4, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường đã thay mặt UBND thành phố Hà Nội trình bày tờ trình HĐND thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô.

Kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất 29 dự án

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường, thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị tại Báo cáo số 57/BC-HĐND ngày 17.7.2018 của HĐND thành phố kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố; Kết luận của Thường trực HĐND thành phố tại Thông báo số 18/TB-HĐND ngày 16.8.2018 về phiên giải trình tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố; Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 6.12.2018 của HĐND thành phố; Thông báo số 27/TB-HĐND ngày 23.7.2019 của Thường trực HĐND thành phố về kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ chín HĐND thành phố; UBND thành phố đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 5.9.2018 để giao nhiệm vụ cho các sở, ngành thành phố và UBND các cấp triển khai thực hiện.

Theo báo cáo của UBND thành phố, đến nay, đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có 135 dự án. Cụ thể, 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND thành phố; 38 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; 74 dự án được UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.

Đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra với 404 dự án. Trong đó, 96 dự án với diện tích 290,9ha đất, sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3ha đất, kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.

Đến nay, UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất 10 dự án với tổng diện tích 177,7ha. Có 60 dự án với tổng diện tích 9ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng. Có 63 dự án với tổng diện tích 1.426,1ha đất chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 20 dự án với tổng diện tích 92,1ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, có 136 dự án có các vi phạm khác, đã kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể tại kết luận thanh tra đối với từng dự án.

Đối với các dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính về đất, UBND thành phố giao Cục Thuế thành phố tiếp tục đôn đốc, thu nghĩa vụ tài chính theo quy định. Tính đến ngày 31.3.2022, UBND thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế thành phố kiểm tra, rà soát đối với 170 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính (136 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, tổng số tiền 22.247 tỷ đồng; 34 dự án còn nợ 3.330 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là 1.590 tỷ đồng; nợ tiền chậm nộp là 1.758 tỷ đồng).

Đề xuất 14 giải pháp xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai

Tại kỳ họp, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố 14 giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong đó, giải pháp quan trọng được đề xuất là phân loại, rà soát các dự án đã có quyết định chủ trương (chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư) đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết thu hồi dự án đối với nhà đầu tư không còn phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai dự án. Tăng cường quản lý, giám sát, hậu kiểm tiến độ đầu tư, định kỳ đánh giá đầu tư bảo đảm quản lý chặt chẽ từ khi nghiên cứu lập dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đến khi thực hiện xong dự án đầu tư theo quy định; kết nối liên thông, cập nhật, quản lý và khai thác dữ liệu về các dự án đầu tư của các cấp, các ngành thành phố.

UBND thành phố cũng đề xuất thực hiện kiểm tra, phân loại, xử lý đối với từng dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa giải phóng mặt bằng (để kéo dài nhiều năm hoặc chủ đầu tư không liên hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng) để thu hồi, hủy bỏ các quyết định và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan phải dừng thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó là rà soát, đôn đốc các dự án đã giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Kiên quyết lập hồ sơ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp do bất khả kháng theo quy định của pháp luật) các trường hợp chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng có nguyên nhân chủ quan, đã được gia hạn theo quy định nhưng không đưa đất vào sử dụng, không chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

UBND thành phố cũng tiếp tục đôn đốc, giám sát đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, cam kết thực hiện để sớm đưa dự án vào sử dụng theo tiến độ và quy định của pháp luật đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng xong, đang xây dựng công trình hoặc đã xây dựng một phần dự án nhưng đến nay đang ngừng thực hiện.

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với từng dự án theo quy định của pháp luật; xử phạt, ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất đã giao theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp chây ì, tiếp tục vi phạm. Trường hợp chủ đầu tư chậm, không phối hợp thực hiện thì tổ chức kiểm tra, xử phạt, ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án…

Thẩm tra về tờ trình, các ban HĐND thành phố khẳng định, việc UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, ban hành Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội là phù hợp.

Qua các đợt giám sát, tái giám sát, các cuộc chất vấn, phiên giải trình của HĐND và Thường trực HĐND khóa XV cho thấy, trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều dự án chậm triển khai, nhiều dự án chậm kéo dài nhiều năm, đã được kiểm tra, thanh tra, giám sát nhưng vẫn chậm chuyển biến. Việc tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai để sớm đưa đất đai và nguồn lực đầu tư xã hội vào phát triển kinh tế là rất cần thiết, góp phần đóng góp cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh mẽ hơn.

Cũng tại kỳ họp, UBND Hà Nội trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và tiếp theo.

Theo đề xuất ban đầu của 3 sở và UBND các quận, huyện, thị xã, tổng nhu cầu đầu tư ban đầu đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và di tích là 109.728 tỷ đồng với 3.303 dự án.

Trong đó, 233 dự án cấp thành phố với kinh phí 31.403 tỷ đồng, 3.070 dự án cấp huyện với kinh phí 78.324 tỷ đồng. Cấp huyện đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ 43.996 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi rà soát, thành phố xác định tổng nhu cầu 3 lĩnh vực xác định nguồn vốn theo nguyên tắc cân đối các cấp ngân sách là 97.495 tỷ đồng với 3.385 dự án.

Cụ thể, 236 dự án cấp thành phố với kinh phí 26.621 tỷ đồng. Các dự án cấp huyện là 3.149, kinh phí 70.874 tỷ đồng.

Mỹ Hà (Zing.vn)

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng:

Giải quyết dứt điểm những dự án sử dụng đất chậm triển khai

Trước đó, phát biểu kết luận Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát, hoàn thiện danh mục cụ thể các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai; công khai danh mục trên các phương tiện thông tin đại chúng và xuống tận cơ sở, đặc biệt là các dự án không đủ điều kiện thực hiện, để người dân giám sát.

Về “Biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, đây là vấn đề rất phức tạp của thành phố, tồn tại qua nhiều giai đoạn. Việc giải quyết, xử lý dứt điểm các dự án này không chỉ là sự quan tâm của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố trong nhiệm kỳ này, mà còn được các cơ quan của Trung ương, các tỉnh, thành phố và nhân dân trong cả nước quan tâm, theo dõi trong suốt thời gian qua.

“Vì vậy, chúng ta cần phải đổi mới tư duy, nhận thức, cần có sự vào cuộc quyết liệt, thực chất của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở và tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ban, ngành trung ương. Nếu không sớm có biện pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án này, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô, sự minh bạch của môi trường đầu tư và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự”, Bí thư Thành ủy chỉ rõ.

Bí thư Thành ủy yêu cầu, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các sở, ngành chuyên môn và UBND các quận, huyện, thị xã cần nhận thức rõ tầm quan trọng và phải quyết tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại của các dự án này. Sau hội nghị hôm nay, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổng hợp tiếp thu đầy đủ với tinh thần nghiêm túc các ý kiến góp ý; hoàn thiện và trình HĐND thành phố ban hành để triển khai thực hiện.

Trong đó, Bí thư Thành ủy lưu ý tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục cụ thể các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố; trên cơ sở đó, phân loại cụ thể từng nhóm dự án theo các tiêu chí như trong báo cáo đã nêu (bao gồm cả các dự án chưa được giao đất và các dự án đã được giao đất).

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất, đề nghị HĐND thành phố tổ chức họp, thảo luận một cách công khai, minh bạch, bàn kỹ, bàn sâu và định hướng các giải pháp xử lý, cách thức giải quyết để trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Nghị quyết của HĐND thành phố chỉ thể hiện nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo, giải pháp thực hiện, không là căn cứ thay thế các văn bản quy phạm pháp luật.

Căn cứ nghị quyết và kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, nghị quyết chuyên đề của HĐND thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố phải chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả và có tiến độ cụ thể đối với từng nội dung công việc. Trong quá trình triển khai thực hiện, căn cứ quy chế làm việc của Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy theo đúng quy định.

Cùng với việc công khai danh mục các dự án, định kỳ hằng quý, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố về kết quả thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, nghị quyết chuyên đề của HĐND thành phố và tình hình triển khai kế hoạch của UBND thành phố về vấn đề nêu trên.

“Thành ủy tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở sẽ tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, từng bước xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng đất có hiệu quả, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển ngang tầm nhiệm vụ, không những chỉ trong năm 2022, mà sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các năm tiếp theo; qua đó, góp phần quan trọng giúp thành phố đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Nguồn: Hà Nội muốn thu hồi 29 dự án 'treo' với tổng diện tích hơn 1.800ha

Vũ Thủy

Người Đô thị