Hãi hùng với những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội

10:31 | 06/04/2022

|
Trên mạng hiện nay đang tồn tại nhiều hội nhóm tiêu cực với số lượng thành viên tham gia rất đông, tên nhóm thường được viết theo chiều hướng xấu và trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục. Việc này đã đánh vào tâm lý hiếu kỳ của người sử dụng mạng xã hội.

Đơn cử như: “Hội những người từng đi tù”, “Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc...”, “Hội những người muốn tự tử”, “Hội những người ghét cha mẹ”, “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử”, “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”... Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, ai cũng có thể gia nhập những hội nhóm như vậy...

Nhan nhản hội nhóm “rác”

Tham ra vào group “Hội những người muốn tự tử”, phóng viên khá bất ngờ khi hầu hết các bài viết được đăng trên nhóm đều thể hiện một sự chán nản cuộc sống đến đỉnh điểm.Có người vì áp lực công việc, người lại áp lực chuyện học hành hay gia đình. Đồng nghĩa với nó là rất nhiều người có mong muốn “được chết” kiểu như: “Ai có thuốc gì để đi nhẹ nhàng không..., thực sự rất cần”.

Hãi hùng với những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội
Hai đối tượng Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Thanh Tùng khai quen nhau trên nhóm “Hội những người vỡ nợ thích làm liều”.

Một số thành viên khác thì lại chia sẻ những câu chuyện cá nhân, bày tỏ những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Tài khoản D.N. chia sẻ: “Ban đêm, lúc người khác đang ngủ ngon thì bán mạng kiếm tiền cho gia đình. Lúc bị tai nạn thì bị chửi là ăn hại. Hy sinh con đường đại học vì mẹ muốn dành hết tiền để đứa em sau này đi du học. Ý kiến thì bị chửi là thằng khốn nạn, ganh tị từng tí với em mình.Chẳng hiểu cuộc sống có ý nghĩa gì nữa”. Các trạng thái này nhận được không ít bình luận của các thành viên, bên cạnh những lời động viên, đồng cảm thì có không ít ý kiến rất tiêu cực như: “Đừng hi vọng thay đổi phụ huynh, họ chỉ quan tâm sĩ diện của bản thân mình”, “thích chết thì thiếu gì cách, sống mà như chết thì chết quách cho xong”...

Tương tự, nhóm riêng tư “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử” có tới hơn 20.000 thành viên tham gia.Hầu hết các bài đăng trong nhóm đều thể hiện sự bế tắc và chán chường đến tận cùng. Tài khoản có tên T.N.M viết: “Đã pha xong ly sữa với xyanua để sẵn đầu giường ngay lúc này rồi nhưng chưa uống. Lòng buồn quá, suy nghĩ cuộc đời còn gì đâu ngoài gia đình. Cảm thấy thương họ vô cùng nhưng mình ko còn lối thoát nữa. Mình thấy chết ngay lúc này đơn giản thật, chỉ cần cầm ly sữa lên và uống. Có thể đau hoặc ko đau nếu mất ý thức... Mình cảm thấy buồn, chán nản và khao khát chết, sống tiếp thì không có lối thoát”.

Tài khoản khác tên M.B viết: “Hiện tại em đang học cấp 3 nhưng giờ em áp lực về học tập, gia đình thì nên làm sao đây? Lúc nào em cũng có ý định tự tử, trong đầu luôn tiêu cực, em nên giải quyết như thế nào bây giờ... nhiều lần tìm đến cái chết nhưng nghĩ đến ba mẹ và gia đình, em lại thôi. Em phải làm sao đây?”.

Hãi hùng với những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội
Hội “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử” có đến hơn 20 nghìn thành viên.

Điều đáng nói là, dưới những dòng trạng thái tuyệt vọng, bế tắc ấy, nhiều thành viên khi comment không những không động viên mà còn hướng dẫn cách để chết như: “Nếu muốn tự tử mà không đau đớn thì kiếm một cái phòng kín xong đóng hết cửa sổ, cửa chính, đốt 2 bếp than tổ ong sưởi ấm là xong...”.

Nhóm ảo, tác hại thật

Gần đây, nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” là một trong những nhóm rác đang “làm mưa làm gió” với vụ việc một vài thành viên nhóm rủ nhau đi cướp ngân hàng. Từ một nhóm tưởng chừng chỉ để giải trí, đăng tải những hình ảnh, trạng thái vui vẻ thì nay lại thành một điểm tập kết online cho những người xấu muốn làm liều. Đến thời điểm hiện tại, nhóm này đã thu hút hơn 4.000 thành viên, chủ yếu là các thành phần ăn chơi lêu lổng, không có công việc cụ thể, nợ nần do cờ bạc, cá độ. Theo quan sát của phóng viên, trên nhóm này thường xuyên đăng những bài viết với nội dung trốn nợ, tụ tập đánh nhau, hay rủ nhau đi trộm, cướp. Cứ sau mỗi trạng thái về nợ nần được đăng tải sẽ có những bình luận theo chiều hướng xấu như đánh bạc để gỡ, hay rủ nhau đi tự tử để trốn nợ, thậm chí đi cướp để lấy tiền trả nợ...

Từ những lời khuyên, rủ rê qua nhóm, một số thành viên đã móc nối với nhau để thực hiện những hành vi phạm pháp ngoài đời thật. Mới đây, Công an Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng dùng dao và súng giả xông vào một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận bắc Từ Liêm để cướp 500 triệu đồng. Hai đối tượng gây ra vụ cướp táo tợn này là Trần Văn Hiếu (SN 1991, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chủ mưu và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Tại Cơ quan công an, hai đối tượng khai nhận, khoảng giữa tháng 2, thông qua nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội Facebook, Hiếu và Tùng quen biết nhau. Cả hai đều không có nghề nghiệp ổn định và đang nợ tiền của nhiều người nhưng không có khả năng trả nên nảy sinh ý định cướp tài sản để trả nợ.Mục tiêu chúng nhắm đến là ngân hàng. Do trước đó, Hiếu từng đến phòng giao dịch Ngân hàng Vietinbank nằm trên địa bàn phường Xuân Tảo để hỏi thủ tục vay tiền, thấy có ít nhân viên và người đến giao dịch, Hiếu quyết định chọn địa điểm giao dịch này và rủ Tùng đi cướp.

Ngay sau khi hai đối tượng cướp ngân hàng này bị sa lưới, trên nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” có luôn dòng trạng thái đầy cảm thán: "Và, thế là có hai anh em của hội chúng ta thất bại rồi anh em à".

Tài khoản có tên A.M “trải lòng” về “sự nghiệp” lừa đảo của mình rằng: “Không biết có bác nào trong nhóm như em không. Em làm lừa đảo trên mạng xã hội từ năm 2019 đến cuối 2021, cũng lừa được vài tỉ.Đừng hỏi vì sao không bị bắt nhé vì có bài bản hết rồi, em có kinh nghiệm nên trường hợp xấu rất ít xảy ra.Nhưng, đến năm 2022, vì ham mê cờ bạc nên mất hết, mất cả danh dự và tiếng nói.Giờ em nản quá, chắc vài năm mới trở lại như cũ".

Chưa dừng lại, có những trạng thái đăng tải khiến không ít người phải cười ra nước mắt như: Tìm người đi trộm chó cùng, đi “nhảy” xe khu trọ... Sau khi trở thành thành viên của nhóm, phóng viên thử đăng trạng thái thể hiện sự chán nản thì nhanh chóng có nhiều thành viên khác vào bình luận rủ đi trộm, cướp... thậm chí có thành viên gửi tin nhắn tâm sự và muốn kết hợp đi... cướp giật trên địa bàn Hà Nội.

Trong khi đó, tại “Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc” thì chủ yếu là các bài viết quảng cáo bán thuốc kích dục, bán đồ chơi tình dục.Bên cạnh đó còn có những tài khoản nhận “đi khách”.Nhiều nhất là số lượng bài viết rủ nhau “tình một đêm”, “cùng nhau ngoại tình để tìm cảm giác lạ”.

Hãi hùng với những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội
“Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc...” chủ yếu là nơi bán thuốc kích dục hoặc gái bán dâm chào hàng.

Một thành viên nhóm này chia sẻ: “Ban đầu thấy tò mò nên tham gia. Thực chất đây là nhóm rất vớ vẩn, người ta lập ra mục đích là để bán hàng, chủ yếu bán thuốc kích dục và đồ chơi tình dục. Tôi theo dõi thì thấy đây lại là môi trường thuận lợi cho gái bán hoa vào “chào hàng”. Có lần, tôi thấy họ đăng trạng thái nhận đi khách, thử vào nhắn tin hỏi thì biết đây là một người bán dâm chuyên nghiệp, hoạt động ở khu vực quận Cầu Giấy. Theo tôi, cơ quan quản lý cần có những biện pháp ngăn chặn mấy nhóm rác như vậy để cho môi trường mạng được sạch hơn, văn minh hơn”.

Với các thành viên của “Hội những người từng đi cai nghiện ma túy”, họ không xa lạ gì với những bài viết rủ nhau... tái nghiện.Còn nhiều thành viên của “Hội những người đã từng đi tù” lại xúi giục nhau “nên làm gì đó để được... trở lại tù” vì ở ngoài xã hội giờ chết đói.Hay trong “Hội những người ghét cha mẹ” là đa số những bài viết kể tội bố mẹ mình.

Hãi hùng với những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội
Status tìm bạn tình được đăng trong "Hội ngoại tình và giao lưu vụng trộm kết bạn toàn quốc”.

Làm gì để dẹp “hội rác”?

Nói về giải pháp để người có tâm lý tiêu cực tránh xa các hội nhóm nguy hại trên, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội cho biết: “Đối với những người trầm cảm, chúng ta phải tôn trọng họ, nên coi đó là vấn đề sức khỏe của họ chứ không đánh giá đấy là đạo đức hay nhân cách của họ. Đừng nghĩ họ lười, họ vô kỷ luật hay ích kỷ mà đó là vấn đề sức khỏe.Với những gia đình có người thân mắc bệnh trầm cảm thì nên đọc những thông tin, tìm hiểu những kiến thức về dấu hiệu của những người trầm cảm.Từ đó có cách xử lý đúng đắn như đưa người bệnh đến các chuyên gia chuyên môn để đánh giá về mức độ nặng nhẹ rồi đưa ra cách trị liệu phù hợp. Người thân nên luôn ở bên cạnh động viên để họ không cảm thấy cô đơn và cũng là cách để họ được an toàn”.

Hãi hùng với những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội
Những dòng trạng thái tiêu cực liên tục được đăng trong các hội nhóm muốn tự tử.

Còn luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch thì cho rằng, những hội nhóm này chỉ cần khi nghe tên đã thấy không phù hợp với thuần phong mỹ tục, quy định của pháp luật. Những người lập, quản lý những nhóm này có thể bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng. Các chủ hội nhóm này lại có hành vi kích động, giúp sức về mặt ý chí được coi là hành vi đồng phạm. Trong trường hợp, anh biết rõ những người này đang bàn nhau để đi thực hiện hành vi tội phạm mà không phản đối, không báo cơ quan chính quyền thì có khả năng bị xem xét với hành vi không tố giác tội phạm hoặc che giấu tội phạm./.

Nguồn: Hãi hùng với những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội

Phong Anh

An ninh Thế giới