Kinh tế đêm - Hướng đi thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội

07:35 | 13/09/2024

|
Hà Nội có không gian cho phát triển kinh tế đêm, tập trung ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ. Tập trung phát triển kinh tế đêm sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện.
Kinh tế đêm - Hướng đi thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội
Hoàn Kiếm là quận đi đầu trong việc phát triển kinh tế đêm thông qua các sản phẩm du lịch. (Ảnh: Anh Tuấn)

Kinh tế đêm bao gồm những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: Mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Và Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến - đã và đang là địa phương xây dựng thành công các sản phẩm du lịch đêm.

Du lịch đêm - Nét riêng của Hà Nội

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa du lịch ban đêm như: Tổ chức các không gian phố đi bộ - chợ đêm dịp cuối tuần tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ; cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ mở cửa đến 2 giờ sáng...

Một số doanh nghiệp kết hợp với điểm đến tổ chức các tour du lịch đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội...

Đâu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã thông qua kế hoạch xây dựng, phát triển thêm một số sản phẩm du lịch đêm gắn với điểm đến như: Chợ hoa đêm Tây Hồ, làng hương Quảng Phú Cầu... Các sản phẩm tour đêm đã mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách, tạo được nét riêng của du lịch Hà Nội.

Hoàn Kiếm là quận đi đầu trong việc phát triển kinh tế đêm thông qua các sản phẩm du lịch.

Cụ thể:,thông qua việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát huy hiệu quả giá trị các di sản, không gian văn hóa, phát triển kinh tế đêm, phát triển du lịch trên địa bàn quận, số lượt khách lưu trú qua đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng nhanh. Năm 2021 là 625,6 nghìn lượt khách, năm 2022 trên 996 nghìn lượt và ước năm 2023 là 1,6 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.

Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống năm 2021 của Hoàn Kiếm là 1.571 tỷ đồng; năm 2022 là 3.122 tỷ đồng; ước năm 2023 khoảng 6.012 tỷ đồng. Doanh thu ngành du lịch tăng từ 189 tỷ đồng vào năm 2021 lên 896 tỷ đồng vào năm 2022 và năm 2023 ước đạt 3.975 tỷ đồng.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, phát triển kinh tế đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội.

"Các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn được tổ chức không chỉ mở ra hướng phát triển nền kinh tế ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Theo bà Giang, Hà Nội có không gian cho phát triển kinh tế đêm, tập trung ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch, đặc biệt là những điểm đến di tích, di sản đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống.

Các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm cũng được chú trọng phát triển như nhà hát chèo Hà Nội, nhà hát Cải lương Hà Nội; nhà hát Múa rối Thăng Long…

Không chỉ thế, Thủ đô của Việt Nam có thế mạnh về ẩm thực, có thể sánh ngang các thành phố lớn của Thái Lan. Đây cũng là một điểm cộng lớn để Hà Nội phát triển kinh tế đêm.

Kinh tế đêm - Hướng đi thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội
Phát triển kinh tế đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được Hà Nội đặc biệt quan tâm. (Nguồn: VGP)

Để kinh tế đêm Hà Nội "sáng đèn"

Ngày 24/5, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, yêu cầu Hà Nội “nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế”.

Một số chuyên gia văn hóa nhìn nhận, kết luận này thể hiện sự thống nhất về mặt chủ trương, là “kim chỉ nam” cho quá trình hoạch định chính sách, tiến tới các bước thực hiện cụ thể để phát triển kinh tế đêm phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nguồn lực riêng có của Thủ đô Hà Nội.

Không chỉ thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, với mục tiêu tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế; góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các tỉnh, thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phản phẩm du lịch đêm. Riêng Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt; tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện đề án ít nhất một năm.

Chuyên gia nhận định, đề án nói trên là cơ sở để Hà Nội xây dựng sản phẩm riêng đặc thù.

Trong tương lai, để kinh tế đêm Hà Nội "sáng đèn", Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn gợi ý, vấn đề quy hoạch cần được coi là một trong những điều kiện tiên quyết cùng đồng bộ với chính sách cho loại hình kinh tế này.

Ông Tuấn hiến kế: "Giải pháp quy hoạch ở đây, chính là xây dựng một mô hình kinh tế mới cho khu vực, đánh giá được tiềm năng của kinh tế du lịch đêm và xác định được nguồn lực đầu tư một cách bài bản nhất, hiệu quả nhất nhưng vẫn hài hòa với các loại hình kinh tế khác, giảm thiểu mọi tác động tới người dân trong khu vực.

Hà Nội có thể nghiên cứu mở rộng sản phẩm du lịch đêm như phát triển dịch vụ du lịch hai bên sông Hồng; Quy hoạch cho việc xây dựng trung tâm mua sắm hiện đại ở gần khu vực trung tâm, chẳng hạn xây dựng trung tâm mua sắm ngầm dưới đất tại Công viên Thống Nhất”.

Với những hoạt động tích cực nói trên, tin rằng, kinh tế đêm sẽ phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và ẩm thực Hà Nội với người dân cả nước và thế giới.

Nguồn:Kinh tế đêm - Hướng đi thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội

Gia Thành

baoquocte.vn