Lai Châu: Duy trì và thực hiện hiệu quả chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn

12:42 | 23/10/2021

|
Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” (gọi tắt là chương trình) trên địa bàn tỉnh được triển khai tại 7 huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè. Qua đó đã góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Từ năm 2016 đến nay, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức 86 lớp tập huấn truyền thông về thay đổi hành vi vệ sinh và phát triển thị trường vệ sinh cho 2.795 người; thu hút 14.729 hộ dân tham gia, đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cho 65.375 lượt người. Chương trình được triển khai tại 17 xã, đã có 1.194 hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được nhận kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ, 100% các hộ dân tại các xã triển khai được cung cấp kiến thức về kỹ thuật xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, các trường học và trạm y tế cũng được xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp công trình vệ sinh đảm bảo các tiêu chí của chương trình. Đến năm 2020, có 17 xã được công nhận đạt chuẩn “Vệ sinh toàn xã” (VSTX); 8 xã đang xây dựng kế hoạch triển khai và phấn đấu đạt VSTX trong năm 2021.

Lai Châu: Duy trì và thực hiện hiệu quả chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn
Người dân xã Bản Bo (huyện Tam Đường) sử dụng nước sinh hoạt.

Khun Há là một trong 5 xã của huyện Tam Đường được chọn tham gia chương trình nhằm tăng tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh để cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn, giảm tỷ lệ mắc bệnh có liên quan đến vệ sinh trong cộng đồng. Đến nay, xã có trên 76% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh. Để đạt được tiêu chí trên, xã đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức (phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, tư vấn trực tiếp ở bản, hộ gia đình) nhằm thay đổi hành vi, tập quán sinh hoạt hàng ngày của người dân; khảo sát nhu cầu làm, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của Nhân dân để có biện pháp hỗ trợ. Qua đó, ý thức của người dân được nâng cao, nhiều hộ đã đăng ký xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Xã Khun Há đã được công nhận đạt chuẩn về VSTX.

Ông Giàng A Lừ (ở bản Lao Chải 2, xã Khun Há) cho biết: “Được hỗ trợ một phần kinh phí cũng như kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, gia đình tôi đã đầu tư kinh phí xây dựng công trình vệ sinh, mua bình đựng nước bằng I-nốc để chứa nước, lắp bồn rửa tay, bình nóng lạnh... Việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đã góp phần quan trọng trong cải thiện sức khỏe và vệ sinh môi trường. Tôi đã tuyên truyền cho nhiều hộ gia đình làm theo, đến nay, nhiều hộ trong bản cũng đã xây nhà tiêu hợp vệ sinh”.

Xã Mường Cang (huyện Than Uyên) có 13 bản với 45 hộ tham gia chương trình. Các hộ dân trong xã chủ động xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh. Hàng tuần, các bản tổ chức dọn vệ sinh, không vứt rác thải bừa bãi; giữ gìn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Hiện nay, toàn xã có 50 hộ tự đầu tư kinh phí và được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ để xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh; trên 5 hộ cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt. Anh Kháng A Tau (bản Huổi Hằm, xã Mường Cang) chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ 1 triệu đồng từ chương trình, cùng với số tiền tiết kiệm, đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh và có chỗ rửa tay. Từ khi đưa vào sử dụng, môi trường sạch sẽ, yên tâm hơn về sức khỏe của các thành viên trong gia đình”.

Để duy trì tính bền vững các công trình được đầu tư, mang lại hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống người dân, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện tốt hơn nữa chương trình. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các huyện cần tiếp tục chỉ đạo Trạm Y tế xã quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình vệ sinh trạm y tế; hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng và quản lý nhà vệ sinh đúng cách. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng và cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh tại các thôn, bản có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, phấn đấu tối thiểu cuối năm 2021, duy trì trên 70% hộ dân ở các xã thụ hưởng chương trình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư; thực hiện nếp sống văn minh, xoá bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.

Nguồn: Duy trì và thực hiện hiệu quả chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn

Hồng Thơm

baolaichau.vn