Ngăn chặn lợi dụng tiền ảo như công cụ rửa tiền, phạm pháp

10:08 | 09/05/2022

|
Cần ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến tiền ảo và lợi dụng tiền ảo như một công cụ để rửa tiền, thực hiện các hành vi trái qui định của pháp luật. Xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tiền ảo là không dễ

Mới đây, Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Tuấn Anh và 12 bị can tham gia đường dây cá cược tỷ giá Bitcoin tới 2.000 tỷ đồng.

Ngăn chặn lợi dụng tiền ảo như công cụ rửa tiền, phạm pháp
Đối tượng Nguyễn Tuấn Anh làm việc với cơ qua điều tra.

Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Tuấn Anh (SN 1990, trú tại Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) mua mã code của sàn giao dịch quyền chọn nhị phân trên mạng Internet, đặt tên là sàn Vitsa, sau đó lôi kéo nhiều đối tượng tham gia làm cấp dưới cho mình.

Các đối tượng đã phát triển hệ thống đa cấp tại địa bàn tỉnh Hải Dương, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành khác để trực tiếp đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá cược trên sàn Vitsa tại địa chỉ website: http://vista2.trade/.

Người tham gia đánh bạc trên sàn Vitsa thông qua đặt cược thắng, thua dựa theo biểu đồ lên, xuống của tỷ giá đồng tiền ảo Bitcoin; mức đặt cược thấp nhất là 1 USDT/ 1 lần (1 USDT có giá trị tương đương 1 đô la Mỹ).

Tính từ 29/12/2021 - 8/4/2022, tổng số tiền giao dịch đặt cược của người tham gia đánh bạc trên sàn Vitsa do đường dây của Tuấn Anh tổ chức lên tới gần 2.000 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc nêu trên, luật sư Lê Hằng- Công ty Luật TAT Law firm cho biết: “Hiện nay, về pháp lý liên quan đến tiền ảo pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng, đầy đủ điều chỉnh đối với tiền ảo còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra vẫn chưa thể giải quyết.

Ngăn chặn lợi dụng tiền ảo như công cụ rửa tiền, phạm pháp
Luật sư Lê Hằng trao đổi với PV về vụ việc.

Tiền ảo đang nằm trong “lổ hổng” khi không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận, do đó người chơi, nhà đầu tư rất dễ gặp rủi ro khi không được pháp luật bảo vệ. Về pháp lý tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.Theo qui định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định về tài sản như sau: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

Do đó, tiền ảo không thuộc 1 trong 4 loại nêu trên nên tiền ảo không được coi là tài sản. Vì vậy, việc sở hữu, sử dụng, mua bán, giao dịch tiền ảo như một loại tài sản sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho người sở hữu, người tham gia giao dịch tiền ảo và không được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, vì chưa có quy định pháp luật rõ ràng về tiền ảo nên gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp về tiền ảo”.

“Pháp luật hiện hành không có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến tiền ảo. Trong danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo.

Theo nguyên tắc “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm” tại Điều 33 Hiến pháp thì các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn bằng tiền ảo. Lợi dụng kẽ hở này, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân lập ra các sàn đầu tư, sàn giao dịch về tiền ảo theo mô hình đa cấp, các sàn giao dịch “ma” để huy động tiền từ những nhà “đầu tư”.

Trong khi đó, các nhà “đầu tư” thì ồ ạt đổ tiền vào các sàn này khi không tìm hiểu kỹ về các rủi ro, cái hại trong giao dịch tiền ảo, mà chỉ thấy cái lợi trước mắt là sinh lợi nhanh, tỷ suất lợi nhuận cao, hưởng lợi từ mô hình tháp đa cấp.

Do đó, giải pháp đặt ra là cần ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến tiền ảo và lợi dụng tiền ảo như một công cụ để rửa tiền, thực hiện các hành vi trái qui định của pháp luật.

Do “tiền ảo” những năm qua là lĩnh vực rất mới và phức tạp nên việc đánh giá đầy đủ và xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tiền ảo là thách thức không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới”.

Theo luật sư Lê Hằng, hiện tại, tiền ảo đã bắt đầu xâm nhập vào các hoạt động đầu tư, quan hệ dân sự, nhiều đối tượng sử dụng để trục lợi, tác động xấu đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân nên đòi hỏi cần nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật và có những biện pháp quản lý phù hợp để điều chỉnh các quan hệ pháp sinh liên quan đến tiền ảo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, người dân và hạn chế các tội phạm liên quan đến tiền ảo.

Thực tế đã có nhiều vụ việc lừa đảo từ những sàn giao dịch tiền ảo và hệ lụy to lớn gây ra cho nhà “đầu tư”. Để góp phần hạn chế những hệ lụy về tiền ảo và thông qua đầu tư tiền ảo để rửa tiền phi pháp, cần áp dụng các biện pháp sau: Thứ nhất, nên xây dựng khung pháp lý về đồng tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam.

Trong đó cần quy định rõ việc trao đổi, mua bán, giao dịch đồng tiền ảo giữa cá nhân với cá nhân; cá nhân và tổ chức; tổ chức với tổ chức nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc cho các cá nhân, tổ chức khi giao dịch tiền ảo.

Thứ hai, nên đưa ngành nghề kinh doanh tiền ảo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (như có vốn pháp định, ký quỹ, tiền bảo đảm tại ngân hàng tương đương hạn mức tiền ảo được phát hành, giao dịch…) và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy hoạt động ngành nghề kinh doanh tiền ảo để tránh trường hợp kinh doanh ồ ạt, bừa bãi, lợi dụng kinh doanh tiền ảo để lừa đảo, rửa tiền hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Đồng thời, cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và thu thuế liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo.

Thứ ba, có nhiều đối tượng sẽ lợi dụng đồng tiền ảo để tiến hành rửa tiền, lừa đảo nên các cơ quan chức năng cần nâng cao nghiệp vụ trong việc phòng chống tội phạm trên không gian mạng trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Pháp luật hình sự cần đề cập rõ hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo là một tội danh cụ thể trong luật.

Hiện nay luật hiện hành mới tập trung việc phòng chống rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng nhưng thực tế hoạt động này còn phổ biến qua các kênh khác như kinh doanh, bất động sản..và đặc biệt là tiền ảo. Hiện tại, việc rửa tiền sử dụng công nghệ cao mới chỉ xem là tình tiết tăng nặng chưa được xem xét là một tội danh độc lập.

Do đó, để có tính răn đe, phòng chống các hành vi bất hợp pháp, rửa tiền tinh vi qua tiền ảo cần được qui định cụ thể về tiền ảo và đưa vào Bộ luật hình sự hiện hành. Có như vậy mới ngăn chặn được hệ lụy của tiền ảo và các đồng tiền điện tử bất hợp pháp khác đang gây bất ổn trong xã hội hiện nay./.

Nguồn: Ngăn chặn lợi dụng tiền ảo như công cụ rửa tiền, phạm pháp

Tiến Anh

Infonet