Những “bóng hồng” trong đại án Vạn Thịnh Phát
Trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị liên quan, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã truy tố chủ tịch tập đoàn Trương Mỹ Lan và 85 bị can với các tội danh khác nhau. Trong số này có sự góp mặt của không ít những "bóng hồng".
Trương Huệ Vân, cháu ruột của Trương Mỹ Lan
Bị can Trương Huệ Vân (bên phải) |
Nhắc đến hoạt động showbiz, truyền thông thì danh tiếng của doanh nhân Trương Huệ Vân, cháu ruột của Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chẳng còn lạ lẫm đối với khán giả.
Người đẹp này cũng gây sốt khi thành lập hơn 50 công ty "ma" để hỗ trợ cô ruột trong quá trình gây án. Qua điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, do có mối quan hệ thân tín nên bị can Vân được Trương Mỹ Lan tin tưởng, giao quản lý điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trước khi bị bắt, bà Vân đứng tên cho 35 doanh nghiệp, với tổng quy mô vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, từ năm 2020, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo Vân cho thành lập các công ty "ma", thông đồng với Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB lập phương án kinh doanh khống là mua bán nông sản với Công ty Cổ phần Lavifood. Các bị can tạo lập được hồ sơ vay vốn khống, rút tiền từ Ngân hàng SCB để sử dụng cho các mục đích của Trương Mỹ Lan và Vân. Do đó, Vân đã chỉ đạo Long và Nguyên thành lập, sử dụng 52 công ty "ma", phối hợp với Dung và nhân viên SCB để lập hồ sơ vay vốn trái quy định.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đánh giá, Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập 4 công ty có hoạt động thật và 52 công ty "ma", tạo lập 155 khoản vay khống để Lan và Vân rút tiền từ Ngân hàng SCB. Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.834 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các khoản vay này có tài sản đảm bảo nên xác định bị can Vân đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25,2 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Thu Sương, Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SCB
Bị can Nguyễn Thị Thu Sương, Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SCB. |
Đại án Vạn Thịnh Phát còn có sự góp sức của bà Nguyễn Thị Thu Sương, Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SCB.
Từ ngày 25/7/2012 đến ngày 30/7/2013, Nguyễn Thị Thu Sương với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SCB đã ký 79 khoản vay tại ngân hàng SCB, có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 55.814 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay mà bị can ký các thủ tục hợp thức (theo kết quả định giá của Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân và đánh giá đủ pháp lý của Ngân hàng SCB) là 48.824 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả xác minh tại ngân hàng SCB; cơ quan điều tra xác định hành vi của Nguyễn Thị Thu Sương đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", liên đới gây thiệt hại cho SCB số tiền 6.989 tỷ đồng, với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan.
Trước khi khởi tố vụ án, Nguyễn Thị Thu Sương đã xuất cảnh ra nước ngoài, hiện không xác định được Nguyễn Thị Thu Sương đang ở đâu. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Quyết định truy nã đối với bị can Nguyễn Thị Thu Sương, đề nghị xét xử vắng mặt.
Trần Thị Mỹ Dung, Cựu Phó Tổng Giám đốc ngân hàng SCB
Bị can Trần Thị Mỹ Dung, Cựu Phó Tổng Giám đốc ngân hàng SCB bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Tham ô tài sản".
Theo cáo trạng, bị can Trần Mỹ Dung là một trong những "cánh tay" thân tín tại Ngân hàng SCB của bà Trương Mỹ Lan, người dù không nắm chức vụ tại SCB nhưng thực tế có “quyền lực” chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối khi luôn nắm giữ cổ phần chi phối (từ 85% đến 91,5% tổng số cổ phần SCB).
Cáo trạng vụ án thể hiện, bị can Trần Thị Mỹ Dung làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 5/2010 đến tháng 9/2022, trải qua các vị trí, chức vụ như: Phó Giám đốc Khối Tái thẩm định, quyền Giám đốc Khối Tái thẩm định, Phó Tổng Giám đốc.
Từ ngày 7/1/2021 đến 4/3/2022, bà Dung là Phó Tổng giám đốc được Tổng giám đốc ủy quyền bằng thẩm Quyền Tổng giám đốc, có nhiệm vụ/quyền hạn trong việc phê duyệt cấp tín dụng đối với khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền, ký tờ trình đề xuất cấp tín dụng trình cấp có thẩm quyền cao hơn (khoản vay trên 150 tỷ đồng).
Bà Dung trực tiếp nhận chỉ đạo, thường xuyên trao đổi, bàn bạc với bà Trương Mỹ Lan để truyền đạt/chỉ đạo các đối tượng tại Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ khống, giải ngân để rút tiền cho Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng.
Theo cáo trạng xác định, bị can Trần Thị Mỹ Dung với các vai trò quản lý tại SCB đã giúp sức tích cực để bà Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Trong thời gian từ 11/9/2019 - 15/8/2022, bị can Trần Thị Mỹ dung đã ký hợp thức cho 617 khoản vay trái quy định pháp luật để bà Lan chiếm đoạt số tiền hơn 200.690 tỷ đồng của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng SCB số tiền lãi phát sinh hơn 69.023 tỷ đồng.
Trần Thị Mỹ Dung đã tự nguyện nộp lại 300.000 cổ phần tại Ngân hàng SCB để khắc phục hậu quả và là một trong số các bị can có tình tiết giảm nhẹ như thể hiện ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phối hợp, tích cực hợp tác giúp cơ quan tố tụng điều tra làm rõ bản chất vụ án.
Đỗ Thị Nhàn, Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước
Bị can Đỗ Thị Nhàn, Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước (bên phải) |
Trong quá trình điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã truy tố bị can Đỗ Thị Nhàn, Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước về tội "Nhận hối lộ".
Theo cáo trạng, quá trình thanh tra tại SCB, để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm, để ngân hàng không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn - Trưởng đoàn thanh tra.
Trong cuộc gặp này, Trương Mỹ Lan nhờ bà Đỗ Thị Nhàn cố gắng sớm kết luận thanh tra để các đối tác nước ngoài vào đầu tư và được nữ Trưởng đoàn thanh tra đồng ý.
Thực hiện theo chỉ đạo của nữ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, Võ Tấn Hoàng Văn cùng lái xe riêng của mình nhiều lần dùng ô tô chở tiền đến hối lộ bà Nhàn tại phòng làm việc trong trụ sở Ngân hàng Nhà nước và nhà riêng. Tiền được chuyển từ SCB Sài Gòn ra SCB Cầu Giấy (Hà Nội).
Theo đó, sau khi được nhờ, nhận tiền, tại lần thanh tra đợt 1, Đỗ Thị Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu hơn 37.953 tỷ đồng làm thay đổi toàn bộ chi tiêu tài chính của SCB (nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ luỹ kế…) theo hướng có lợi cho SCB để hợp thức, đưa vào báo cáo đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo Chính phủ.
Đồng thời, Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo cấp dưới xây dựng báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tại cuộc họp vào các ngày 24/1/2018 và 8/6/2018 nội dung không trung thực, không đúng về sai phạm, vi phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho ngân hàng này được tái cơ cấu.
Lần thanh tra đợt 2, bà Đỗ Thị Nhàn là người chủ động đề xuất lãnh đạo thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với 71 khách hàng có địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai để không phải thanh tra các khoản vay của nhóm này phát sinh sau ngày 30/6/2017 còn dư nợ đến 31/3/2018; không thanh tra với 13 khách hàng mới có cùng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai phát sinh dư nợ sau ngày 30/6/2017.
Bên cạnh đó, một loạt nữ bị can khác cũng bị cáo buộc về tội nhận hối lộ như: Bà Nguyễn Thị Phụng, Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II nhận hối lộ 20.000 USD và 210 triệu đồng cùng một đồng hồ, một túi xách, một chiếc khăn; Bà Nguyễn Thị Phi Loan, Cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhận hối lộ 470 triệu đồng; Bà Vũ Khánh Linh, Phó trưởng phòng Thanh tra ngân hàng thương mại cổ phần nhận hối lộ100 triệu đồng...
Nguồn: Những “bóng hồng” trong đại án Vạn Thịnh Phát
Thanh Sơn
thuonggiaonline.vn
- Hành vi của người tiêu dùng thay đổi thế nào trong năm 2025?
- Giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm
- Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
- Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025
- Các nhà bán lẻ tăng tốc chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Ấn Tỵ
- Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế phí trong năm 2025
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi "nóng" trở lại
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026
-
Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững