Những chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1: Khơi dậy lòng tự hào, trách nhiệm của kiều bào với Tổ quốc

11:10 | 24/11/2021

|
Đây là nội dung của Tọa đàm “Kiều bào với biển đảo Việt Nam” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức cuối tuần qua, cũng là dịp để bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới giao lưu với các cán bộ và chiến sỹ hải quân, ôn lại kỷ niệm về những chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Những chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1: Khơi dậy lòng tự hào, trách nhiệm của kiều bào với Tổ quốc
Các đại biểu dự tọa đàm.

Phản bác luận điệu thiếuchính xác về tình hình biển đảo

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) cho biết, liên tục từ năm 2012 đến năm 2019, Ủy ban đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 8 đoàn kiều bào với gần 600 lượt đại biểu ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Việc này không chỉ góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa… mà còn giúp bà con được tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các “đảo nổi, đảo chìm” và cảm nhận ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, nâng cao rõ rệt sự gắn bó, tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau mỗi chuyến đi, đồng bào ta đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như thành lập các Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức, Ba Lan, Séc..; Quỹ vì chủ quyền biển, đảo tại Hàn Quốc, Singapore...; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về Biển Đông, xuất bản sách, ảnh về Trường Sa... Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2012 đến nay, kiều bào đã đóng góp cho quần đảo Trường Sa hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 1 xuồng chủ quyền (trị giá hơn 3 tỷ), hơn 3 tỷ đồng vào “Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam” và nhiều hiện vật trị giá hàng tỷ đồng.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng, tối thượng đối với mỗi quốc gia. Nhân dân trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài luôn quan tâm và thể hiện tình cảm sâu nặng đối với các lực lượng đang ngày đêm canh giữ biển trời, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tại Tọa đàm, Thượng tá Vũ Hữu Kiêm, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân đã báo cáo một số kết quả, thành tích nổi bật của Quân chủng Hải quân Việt Nam đạt được thời gian qua; đồng thời khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.

Thượng tá Vũ Hữu Kiêm khẳng định, đóng góp của bà con kiều bào tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn, góp phần phản bác những luận điệu thiếu chính xác về tình hình biển đảo quê hương.

Chất kết dính cộng đồng kiều bào với nhân dân trong nước

Chương trình Tọa đàm xoay quanh hai chủ đề chính là “Câu chuyện Trường Sa” và “Hiệu ứng lan tỏa”. Trong phiên đầu tiên, các đại biểu là cán bộ, chiến sỹ và kiều bào xúc động ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ trong những chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Với góc nhìn của một nhà báo, ông Etcetera Nguyễn, kiều bào tại Mỹ cho rằng các chuyến đi thăm Trường Sa có ý nghĩa vô cùng lớn đối với công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc vì không có biện pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng mắt thấy, tai nghe trực tiếp. Sau chuyến đi, ông và những đồng nghiệp của mình thực hiện một loạt bài báo, ảnh triển lãm về Trường Sa, góp phần khiến cộng đồng người Việt tại hải ngoại thay đổi cái nhìn về tình hình biển đảo Tổ quốc.

Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân nhân dân Việt Nam khẳng định chủ quyền biển đảo là chất kết dính cộng đồng NVNONN với nhân dân trong nước, tạo nên sự đoàn kết toàn dân tộc chung sức, chung lòng hướng về biển đảo Tổ quốc. Trước khi bước chân lên tàu, bà con ta còn có nhiều điều lăn tăn, nhưng trong nhiều ngày cùng sống, cùng trải nghiệm với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo, bà con đều cảm nhận được sự ấm lòng, yên lòng và an lòng. Ấm lòng vì đời sống cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo dần được cải thiện. Yên lòng với thế trận phòng thủ trên đảo, nhà giàn, biển được cải thiện rõ rệt. An lòng với chính sách hậu phương vững chắc.

Ông David Nguyễn, kiều bào tại Mỹ chia sẻ, nhờ chuyến đi năm 2014, ông được trải nghiệm và lưu trữ được nhiều tài liệu, ảnh chụp quý giá. Từ một người chống đối, bản thân ông đã thay đổi hoàn toàn, tham dự nhiều cuộc tranh luận, phản bác lập luận xuyên tạc liên quan đến chủ quyền biển đảo dựa trên sự thật mắt thấy, tai nghe.

Tọa đàm “Kiều bào với biển đảo Việt Nam” là hoạt động hết sức có ý nghĩa, tiếp nối chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển”; đồng thời cũng là một trong những hoạt động cụ thể nhằm triển khai Kết luận 12 ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào VNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra buổi trưng bày ảnh về Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Nguồn: Những chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1: Khơi dậy lòng tự hào, trách nhiệm của kiều bào với Tổ quốc

Minh Ngọc

baophapluat.vn