Phú Yên: Kiên trì vươn khơi bám biển

11:09 | 12/07/2022

|
Mặc dù giá xăng dầu liên tục tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản, nhưng ngư dân vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, kiên trì vươn khơi bám biển.
Phú Yên: Kiên trì vươn khơi bám biển
Ngư dân ở cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) chuyển đá cây xuống tàu chuẩn bị cho chuyến biển mới. Ảnh: XUÂN HIẾU

Chúng tôi có mặt tại cảng cá Đông Tác vào thời điểm giữa mùa đánh bắt vụ cá nam năm 2022. Nhiều ngư dân đang vận chuyển đá lạnh xuống tàu, chuẩn bị phí tổn cho chuyến biển tiếp theo. “Tại cảng hiện có 206 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, trong đó của ngư dân phường Phú Đông 113 chiếc, còn lại là của ngư dân phường 6”, thiếu tá Nguyễn Ngọc Ry, nhân viên Trạm Kiểm soát biên phòng (KSBP) Đà Rằng, Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết.

Hết chuyến này đến chuyến khác

Vừa trở về từ biển sau chuyến đánh bắt thứ tư kể từ đầu vụ kéo gần 1 tháng, anh Nguyễn Văn Tiến (50 tuổi, ở phường Phú Đông), thuyền trưởng tàu cá PY-91071TS đến Trạm KSBP Đà Rằng để trao đổi cùng cán bộ chiến sĩ của trạm.

Theo anh Tiến, vụ cá nam năm nay, ngư dân thua nhiều hơn thắng. Anh nhẩm tính: Mỗi chuyến đi câu cá ngừ đại dương, chủ tàu phải lo tổn, chi phí ban đầu không dưới 200 triệu đồng. Trong đó, tiền dầu 500 lít, tương đương 150 triệu đồng, chưa kể tiền nhớt; đá lạnh mang theo để ướp cá và lương thực, thực phẩm khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, chủ tàu còn phải ứng trước cho bạn, mỗi người 5 triệu đồng.

Ngoài trao đổi chuyện làm ăn, anh Tiến cũng thông tin, báo cáo tình hình trên biển cho Trạm KSBP Đà Rằng.

Trung úy Lương Tấn Phong, Trưởng trạm KSBP Đà Rằng cho biết: Sau mỗi chuyến biển trở về, các chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá các tổ tàu thuyền an toàn đánh bắt xa bờ đều đến trạm KSBP báo cáo tình hình trên biển. Điều này đã thành thói quen và hoàn toàn tự nguyện đối với bà con. Việc báo tin tức kịp thời như thế không chỉ giúp BĐBP nắm chắc tình hình trên biển để quản lý, xử lý tốt những vấn đề phát sinh mà còn hỗ trợ, giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn, từ đó yên tâm hơn khi vươn khơi bám biển.

Cũng theo anh Tiến, ngư trường Trường Sa và thềm lục địa phía nam của nước ta, thời gian gần đây cá ngừ đại dương xuất hiện ít hơn trước. Luồng cá chủ yếu ở khu vực ngoài vùng giáp ranh. Đối với những tàu trang bị hai, ba nghề, không có cá này, họ sẽ chủ động chuyển sang đánh bắt loại cá khác để lấy lại tổn. Còn đối với tàu cá chỉ có duy nhất giàn câu cá ngừ, vì tuân thủ quy định IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), nên mỗi chuyến biển gần đây thường bị lỗ tổn. “Ngoài sản lượng sụt giảm còn có một yếu tố khác đó là giá xăng dầu liên tục tăng, có thời điểm đến 30.000 đồng/lít dầu”, anh Tiến cho biết thêm.

Mặc dù 4 chuyến ra khơi chỉ có thua và đủ tổn, trong khi giá xăng dầu chưa có chiều hướng giảm nhưng anh Tiến vẫn quyết định xuất hành chuyến thứ năm. “Chúng tôi luôn xác định nồi gạo của mình từ bao đời nay là ngư trường trên biển Đông, vừa tổ chức đánh bắt vừa tham gia bảo vệ biển đảo để bảo đảm lâu dài, bền vững. Vì vậy dù bất cứ khó khăn nào, kể cả việc Trung Quốc đưa ra quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông phi lý thì chúng tôi vẫn kiên trì vươn khơi bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống của mình”, anh Tiến quả quyết.

Còn anh Nguyễn Thanh Toàn (40 tuổi), thuyền trưởng tàu cá PY-90163TS chia sẻ: “Nhờ kiên trì vươn khơi bám biển, sau nhiều chuyến lỗ tổn hoặc huề vốn, chúng tôi cũng đã có một chuyến biển thắng lợi bởi câu được gần 20 con cá ngừ đại dương, trong đó có 2 con cá vây xanh với tổng trọng lượng 450kg”.

Sẵn sàng hỗ trợ ngư dân

Những năm qua, khí hậu, thời tiết trên biển diễn biến bất thường, cộng với rủi ro, bất cẩn trong quá trình lao động trên biển khiến nhiều tàu cá hỏng máy, trôi dạt, nhiều ngư dân gặp nạn trên biển. Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Nhằm giảm tối đa tai nạn, thiệt hại cho ngư dân và kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra trên biển, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị kịp thời bổ sung kế hoạch phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tổ chức rà soát, thống kê, nắm chắc các tần số thông tin liên lạc, số điện thoại của các chủ tàu, thuyền trưởng để chủ động thông báo khi có tin áp thấp nhiệt đới, bão trên biển và có nguy cơ đổ bộ vào đất liền. Khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, các đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi tàu thuyền khẩn trương tìm nơi trú ẩn kịp thời; đưa người và tài sản, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em vào doanh trại các đồn biên phòng hoặc trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đảm bảo an toàn.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo Hải đội 2 tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ luyện tập các phương án, xử lý các tình huống xảy ra trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; tổ chức tập luyện kỹ thuật bơi, phương pháp tiếp cận người, phương tiện gặp nạn trên biển và lai kéo tàu bị tai nạn đảm bảo an toàn; sẵn sàng hỗ trợ ngư dân khi xảy ra sự cố.

Trung tá Trần Quốc Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết: Cùng với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phương tiện, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho ngư dân về những nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam và một số văn bản pháp luật có liên quan đến chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời nhắc nhở thuyền trưởng, chủ tàu và các thuyền viên ra vào làm ăn trên biển nâng cao kiến thức và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về đảm bảo thủ tục giấy tờ, khai thác đánh bắt đúng ngành nghề, đúng vùng tuyến được phép hoạt động; không vi phạm vùng biển nước ngoài; tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc...

So với mọi năm, năm nay mỗi chuyến biển sản lượng đánh bắt không bằng. Nhưng vì miếng cơm cho gia đình và cho bạn tàu, chúng tôi vẫn kiên trì bám biển, lấy công làm lời, vừa để có thu nhập vừa tham gia bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ông Võ Xuân Tâm, chủ tàu cá PY-94579TS, phường Xuân Thành, TX Sông Cầu

Nguồn: Kiên trì vươn khơi bám biển

Lạc Hồng

baophuyen.vn