Sắc màu chợ phiên A Lưới
![]() |
Chợ phiên A Lưới đã trở thành nét sinh hoạt độc đáo, đậm đà bản sắc các DTTS ở A Lưới và nhiều huyện phụ cận |
Chợ phiên A Lưới được tổ chức mỗi tháng 1 lần, vào ngày cuối tuần của tuần cuối hằng tháng. Không đơn thuần chỉ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, chợ phiên A lưới dường như còn chứa đựng cả một kho tàng văn hóa truyền thống của đồng bào Bru - Vân Kiều; Tà Ôi; Cơ Tu...ở miền Tây vùng đất Cố đô này
![]() |
Nhiều nông sản được bán tại chợ phiên A Lưới |
Vào ngày diễn ra chợ phiên, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy sang canh, cũng là lúc dòng người từ mọi ngả đường trên dãy Trường Sơn hướng về thung lũng A Lưới. Người gùi rau rừng, người gùi chiếu Âmber, hay những tấm dệt Zèng đủ màu sắc, và còn rất nhiều sản vật khác của bà con từ các bản làng xuống chợ.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ gian hàng nông sản an toàn, đến từ xã A Ngo cho hay: “Tất cả sản phẩm của gia đình chị bán được thu mua từ các cơ sở sản xuất rau an toàn ở thị trấn A Lưới và các xã Sơn Thủy, A Ngo, Hồng Thủy…"
![]() |
Đến chợ phiên A Lưới không đơn thuần chỉ là mua, bán mà còn là dịp để giao lưu văn hóa |
Gian hàng gạo nếp, các loại thịt đặc sản… là nơi thu hút khách hàng nhiều hơn cả. Nhiều du khách đến với chợ phiên A Lưới đặc biệt ưa thích hai sản phẩm đặc trưng, đó là thịt bò và gạo Ra dư do đồng bào DTTS sản xuất. Thịt bò được bà con bày bán phong phú, với các loại như thịt tươi, bò khô một nắng, thịt bò khô tẩm gia vị…
Anh Phạm Xuân Chung đến từ huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết, mỗi lần lên A Lưới anh đều tìm mua các sản phẩm đặc sản của đồng bào, trong đó có gạo Ra dư và thịt bò. Bởi theo anh Chung, gạo Ra dư có hương vị đặc trưng, thơm ngon, còn thịt bò ăn rất ngọt và mềm.
Ngoài ra, có những mặt hàng mà tin chắc chỉ có ở chợ phiên A Lưới mới có, đó là chiếu Âmber. Cái đặc biệt, còn được chứng kiến đồng bào Tà Ôi vừa đan chiếu và bán trực tiếp cho khách ở chợ.
![]() |
Gian hàng bày bán những tấm dệt Zèng cũng được nhiều khách hàng ghé thăm, mua sắm |
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, bà Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho biết: Chợ phiên A Lưới có từ lâu đời, đặc biệt từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 06/2021 của huyện ủy A Lưới về bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến 2030, chợ phiên nói chung và chợ phiên A Lưới nói riêng, là một trong những hạng mục được địa phương quan tâm bảo tồn và phát triển.
![]() |
Phụ nữ Tà Ôi đan chiếu Âmber và bán tại chỗ cho khách. Đây là nét độc đáo ở chợ phiên A Lưới |
Người đến chợ không chỉ vì nhu cầu mua bán, mà còn là dịp để gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu bởi tháng chợ chỉ họp một lần... Có thể nói chợ phiên A Lưới như là một tấm gương phản chiếu đầy đủ sắc màu văn hóa truyền thống của các DTTS ở A Lưới và vùng phụ cận.
Từ trang phục, món ăn, cách giao tiếp đến hàng hóa mang ra chợ – tất cả là một dòng chảy bất tận về văn hóa mà đồng bào các dân tộc nơi đây đã giữ gìn qua nhiều thế hệ.
Nguồn: Sắc màu chợ phiên A Lưới
Phạm Tiến
baodantoc.vn
-
Việt Nam vào Top 5 điểm lặn biển tuyệt vời nhất châu Á
-
Gợi ý 9 món ăn giải nhiệt nắng nóng Hà Nội
-
Gợi ý 5 cung trekking “tránh biển người” dịp 30/4
-
Hơn 390 học sinh xuất sắc sẽ bước vào Lễ Vinh danh Trạng Nguyên Tiếng Việt toàn quốc
-
Bức xúc, bất an... vì mua phải sữa giả
-
Manulife nâng cao trải nghiệm khách hàng với loạt giải pháp công nghệ mới
-
Khánh Hòa: Triển khai gói hỗ trợ người trẻ vay mua nhà
-
Rực rỡ chương trình nghệ thuật trong đêm sơ duyệt đại lễ 30/4
-
Đặc sản gỏi lá Kon Tum