Taliban thắng như chẻ tre, chính phủ Afghanistan có nguy cơ thất thủ

01:01 | 16/08/2021

|
Trước những diễn biến ngày càng xấu tại Afghanistan do các cuộc tấn công dồn dập của lực lượng Taliban, chính phủ nước này, cho biết Kabul đã đề xuất 1 thỏa thuận chia sẻ quyền lực với nhóm này.

Dư luận về đề xuất của chính phủ Afghanistan

Trong bối cảnh làn sóng tấn công của Taliban đang lan tràn khắp lãnh thổ Afghanistan, một giải pháp chính trị cho xung đột là điều cần thiết lúc này. Ngày 12/8, Chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã đưa ra bản đề xuất về một thỏa thuận “chia sẻ quyền lực” với lực lượng Taliban để đổi lại việc dừng các hành động bạo lực leo thang.

Taliban thắng như chẻ tre, chính phủ Afghanistan có nguy cơ thất thủ
Trong vòng chưa đầy một tuần trở lại đây, Taliban đã chiếm hơn 10 thủ phủ ở các tỉnh. Ảnh: AP

Đề xuất này được đưa ra khi mà nhóm Hồi giáo vũ trang đã chiếm được 10 tỉnh lỵ trên cả nước trong vòng chưa đầy 1 tuần. Cụ thể, đề xuất này được đoàn đàm phán của chính quyền trao cho Taliban tại cuộc họp nhóm bộ Tam mở rộng (Troika) về Afghanistan được tổ chức tại Doha, Qatar. Trong đó, chính phủ cũng yêu cầu Taliban dừng tấn công vào dân thường. Bộ Ngoại giao Afghanistan cho biết, tại cuộc đối thoại này, Chính phủ Afghanistan đã nêu lên những quan ngại về các cuộc tấn công tàn bạo của Taliban vào các thành phố, dẫn đến tội ác chiến tranh, vi phạm nhân quyền và thảm họa nhân đạo. Cuộc họp nhóm Troika mở rộng, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pakistan, nhằm mục đích nối lại các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan.

Đề xuất hòa bình này được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng chính phủ Afghanistan đang thất thế nghiêm trọng trên chiến trường trước khí thế của Taliban. Liên tiếp chỉ trong vòng 8 ngày qua, lực lượng Hồi giáo vũ trang này đã giành được toàn bộ các đô thị lớn ở Afghanistan, ngoài trừ thủ đô Kabul còn nằm trong tay chính phủ.

Taliban đã gần như bao vây Kabul từ tất cả các hướng và nắm toàn bộ lợi thế. Họ đang có quyền quyết định số phận chiến trường Afghanistan, chứ không phải lực lượng chính phủ. Bởi vậy đề xuất chia sẻ quyền lực này đã được dư luận cho là không có nhiều giá trị. Thứ nhất, chính quyền Afghanistan không có đòn bẩy nào trong tay để buộc Taliban cân nhắc thỏa thuận. Trước bối cảnh ‘"đánh đâu thua đó’" của các lực lượng chính phủ, Taliban sẽ chọn sử dụng bạo lực hơn là tự ràng buộc mình vào các thỏa thuận chính trị không chắc chắn.

Thứ hai, sức ép quốc tế với Taliban khá yếu ớt, cụ thể là trên bàn đàm phán tại Doha. Mỹ và NATO sắp chấm dứt hiện diện quân sự ở Afghanistan và sẽ không quay lại. Cộng đồng quốc tế cũng chỉ có thể gây sức ép bằng việc dọa không công nhận một chính quyền do Taliban thành lập thông qua con đường bạo lực mà thôi. Mà điều này cũng chưa rõ ràng khi mà cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đều đã và đang có các liên hệ với Taliban để tranh thủ các lợi ích cho mình. Dư luận cho rằng đề xuất này chỉ có tác dụng làm chậm quá trình sụp đổ của chính quyền dân sự hiện nay mà thôi.

Afghanistan đang thực sự bị bỏ rơi?

Đây không hẳn là việc phương Tây bỏ rơi Afghanistan để mặc cho Taliban xâu xé. Lộ trình rút quân và chấm dứt vai trò của Mỹ và NATO đã được lên từ khá xa, khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận hòa bình với Taliban ở Doha tháng 2/2020 mở đường cho Mỹ rút quân khỏi chiến trường Nam Á này.

Trong hơn 1 năm qua, dù với chính quyền nào, Mỹ và các đồng minh nhiều lần khẳng định mục tiêu kết thúc vai trò ở Afghanistan. Đây là vấn đề về lợi ích và chi phí khi mà Mỹ phải cân nhắc vấn đề với Afghanistan sau 20 năm có mặt ở đây. Liệu đây có còn là nơi để Mỹ dành công sức và tiền bạc, thậm chí là sinh mạng binh lính nữa hay không. Mặt khác, chính quyền Afghanistan cũng cần xem lại mình. 2 thập kỷ nhận viện trợ của Mỹ và phương Tây, được Mỹ bảo hộ về an ninh và huấn luyện nhưng chính quyền ở Kabul vẫn không thể tự đảm bảo an ninh cho mình. Họ vật lộn trong tình trạng tham nhũng, đào ngũ, sa sút về tinh thần chiến đấu. Kinh tế yếu ớt, chính trị, hành chính bị chia rẽ và lộn xộn.

Không thể đòi hỏi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho bản thân mãi mãi nếu như chính quyền Afghanistan không cho thấy họ có đủ năng lực quản lý đất nước và xứng đáng với các khoản viện trợ và bảo vệ an ninh. Một bi kịch với Afghanistan gần như là tất yếu.

Kịch bản nào sẽ xảy ra với Afghanistan?

Afghanistan sẽ trở lại vòng xoáy bạo lực và bất ổn sau làn sóng tấn công của Taliban. Việc Taliban giành quyền kiểm soát toàn bộ các thành phố ở nước này cùng với trên 70% diện tích lãnh thổ, bao vây thủ đô Kabul từ các hướng cho phép lực lượng này khả năng định đoạt số phận chiến trường trong thời gian tới, có thể chỉ trong 24 tới 48 giờ tiếp theo. Đây là điều nằm ngoài các nhận định của tình báo Mỹ khi cho rằng Kabul chỉ có thể thất thủ trong vòng 30 đến 90 ngày sau khi quân đội Mỹ và NATO rút đi. Tuy nhiên, khi mà thời hạn cuối cùng 31/8 còn chưa tới, Taliban đã bao vây thủ đô của Afghanistan. Nó cho thấy Mỹ đã đánh giá sai năng lực và ý chí của chính quyền Afghanistan.

Với cục diện như thế này, khả năng cố thủ và kháng cự của các lực lượng an ninh Afghanistan tại thủ đô Kabul có thể xảy ra. Trận chiến cuối cùng này có thể sẽ là một kịch bản đẫm máu không tránh khỏi. Tròn 20 năm sau khi thất bại trước Mỹ và đồng minh, Taliban sẽ lên nắm quyền trong bạo lực đẫm máu.

Khả năng khác là Taliban sẽ siết chặt vòng vây xung quanh Kabul và đợi cho chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani tự xin hàng và ra đi trong hòa bình. Kịch bản này có thể xảy ra nếu có một bên trung gian đủ uy tín và đòn bẩy để khiến Taliban chấp nhận. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chưa thấy ai có đủ những điều kiện này để giúp cho Afghanistan tránh khỏi cảnh đổ máu.

Nếu Taliban lên nắm quyền, bạo lực sẽ vẫn tiếp tục tại quốc gia này chứ không thể chấm dứt. Các tàn dư của chính quyền cũ sẽ tiếp tục phản kháng và chống lại sự áp bức hà khắc của Taliban. Tình trạng chia rẽ nội bộ, vi phạm nhân quyền, thảm họa nhân đạo cũng là các khả năng xấu với quốc gia này.

Ảnh hưởng đến an ninh khu vực cũng như tính toán của các nước lớn

Với vị trí địa chiến lược của mình, nằm ở trung tâm châu Á, là cầu nối giữa Đông và Tây Á, giữa Nam và Trung Á, việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy khó lường với khu vực và thế giới. Việc 1 lực lượng Hồi giáo vũ trang lên nắm quyền tại quốc gia có lịch sử và cơ cấu xã hội phức tạp như Afghanistan khiến vùng đất này có khả năng trở lại với vai trò là ‘thiên đường cho khủng bố’, ‘mảnh đất của ma túy’ như cách đây hơn 20 năm. Ngoài ra, kinh tế kém phát triển, tình trạng chia rẽ nội bộ, Afghanistan sẽ là nơi để các cường quốc xâu xé, tranh thủ tận dụng các lợi ích cho mình.

Ví dụ như Pakistan sẽ tiếp tục dung dưỡng, tài trợ cho các tổ chức khủng bố can thiệp, khuấy đảo tình hình khu vực. Trung Quốc sẽ tranh thủ Taliban để có lời đảm bảo của lực lượng này không bao che cho các phần tử khủng bố Hồi giáo tại Tân Cương. Mỹ sẽ vẫn can thiệp ở Afghanistan để tình hình tại đây phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Tất cả sẽ phức tạp hơn nhiều trong thời gian tới, và không loại trừ khả năng Afghanistan sẽ lại trở thành ‘lò lửa’ của thế giới./.

Nguồn: Taliban thắng như chẻ tre, chính phủ Afghanistan có nguy cơ thất thủ

Phan Tùng

VOV