Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Dốc Đá Trắng (Khánh Hòa)

16:37 | 08/01/2023

|
Lâm Đồng công bố hàng loạt dự án chậm tiến độ sử dụng đất tại huyện Đạ Huoai; Bình Định quy hoạch thêm hơn 1.700 ha đất ở cho thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Cát; Bình Dương dự kiến thu hồi hơn 164ha đất trong năm 2023; Đồng Tháp sắp có Khu đô thị mới trên 5.170 tỷ đồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Đà Nẵng rà soát các dự án nhà ở thương mại, bất động sảnTin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Đà Nẵng rà soát các dự án nhà ở thương mại, bất động sản
Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Khu công nghiệp Mỹ Trung (Nam Định) bỏ hoang cả thập kỷTin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Khu công nghiệp Mỹ Trung (Nam Định) bỏ hoang cả thập kỷ

Bộ KH&ĐT ý kiến về Khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Vân Phong

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Dốc Đá Trắng tại tỉnh Khánh Hòa.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Dốc Đá Trắng (Khánh Hòa)
Dự án KCN Dốc Đá Trắng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo thông tin đề xuất, dự án KCN Dốc Đá Trắng rộng 288ha thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh và xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là hơn 271 tỷ đồng. Nhà đầu tư được đề xuất là Công ty CP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ.

Theo Bộ KH&ĐT, dự án KCN Dốc Đá Trắng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, 4 quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa, quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong và quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Theo Công ty CP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ, dự án dự kiến tạo việc làm cho 26.000 lao động và có hiệu quả về mặt tài chính. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai dự án có thể tạo ra một số áp lực về vấn đề xã hội (di dân, tái định cư), môi trường trong khu vực (liên quan đến các hoạt động xả thải, xử lý chất thải), tạo ra những thay đổi về mặt xã hội do tập trung số lượng lớn người lao động.

Do đó, Bộ KĐ&ĐT đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cần lưu ý chỉ đạo các cơ quan liên quan và nhà đầu tư thực hiện các giải pháp để bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động trong KCN; phương án xử lý đối với tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất.

Qua nghiên cứu hồ sơ dự án, Bộ KH&ĐT thấy rằng việc thực hiện dự án có khả năng ảnh hưởng đến môi trường xung quanh do tiếp giáp khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa và khu đất nông nghiệp.

Do đó, Bộ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về môi trường theo đúng quy định, giám sát chặt chẽ nhà đầu tư trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trương trong qua trình triển khai dự án. Đặc biệt, ưu tiên thu hút các dự án dầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, số vốn chủ sở hữu hiện tại của Công ty CP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ chưa đủ khả năng đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thực hiện dự án KCN Dốc Đá Trắng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan có liên quan yêu cầu nhà đầu tư bổ sung vốn chủ sở hữu theo quy định, tránh để tình trạng cả dự án bị góp vốn dở dang.

Lâm Đồng công bố hàng loạt dự án chậm tiến độ sử dụng đất tại huyện Đạ Huoai

Mới đây, UBND huyện Đạ Huoai cho biết, tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn huyện Đạ Huoai có 32 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đã được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Trong đó có 18 dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 06 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, chế biến, khai khoáng và 08 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Qua rà soát 32 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, có 22 dự án đã triển khai cơ bản hoàn thành các hạng mục, đã đưa đất vào sử dụng; có 9 dự án chậm tiến độ sử dụng đất; có 1 dự án chưa triển khai thực hiện, không đưa đất vào sử dụng.

Cụ thể, 9 dự án chậm tiến độ sử dụng đất gồm: Dự án của Công ty cổ phần Trúc Phương; Dự án của Công ty Cổ phần Kim Minh Đạt; Dự án trồng cao su của Công ty Nguyên Chân; Dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen; Dự án nhà máy xử lý rác thải rắn của Công ty TNHH Môi trường An Vương Đạ Huoai; Dự án sân golf Hồng Lam.

Bên cạnh đó còn có, dự án trung tâm huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai của Công ty TNHH Hồng Lam - Madagui; Dự án trường đua ngựa Thiên Mã - Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn.

Riêng dự án khai thác đá của Công ty TNHH Đá Hóa An 1, Công ty đã có văn bản đề nghị trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản.

Bình Định quy hoạch thêm hơn 1.700 ha đất ở cho thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Cát

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, diện tích đất ở tại huyện Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn sẽ tăng thêm hơn 1.700 ha so với hiện trạng.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Dốc Đá Trắng (Khánh Hòa)
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, thị xã Hoài Nhơn có 42.087 ha đất tự nhiên. Trong đó có 31.764 ha đất nông nghiệp, 10.089 ha đất phi nông nghiệp và 233 ha đất chưa sử dụng.

Cụ thể, diện tích đất phi nông nghiệp được điều chỉnh tăng mạnh từ 6.881 ha (năm 2020) lên 10.089 ha (năm 2030).

Trong đó, diện tích đất ở nông thôn tại thị xã Hoài Nhơn được điều chỉnh tăng từ 464 ha (năm 2020) lên 734 ha (năm 2030) và diện tích đất ở đô thị được điều chỉnh tăng mạnh từ 1.269 ha (năm 2020) lên 1.750 ha (năm 2030).

Cũng theo quy hoạch vừa được duyệt, diện tích đất thương mại dịch vụ được điều chỉnh tăng từ 8 ha (năm 2020) lên 185 ha (năm 2030); diện tích đất cụm công nghiệp được điều chỉnh tăng từ 233 ha (năm 2020) lên 587 ha (2030).

Tương tự, UBND tỉnh Bình Định cũng vừa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất huyện Phù Cát thời kỳ 2021-2030.

Theo đó, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, huyện Phù Cát có 68.071 ha đất tự nhiên. Trong đó có 53.409 ha đất nông nghiệp, 12.959 ha đất phi nông nghiệp và 1.703 ha đất chưa sử dụng.

Cụ thể, diện tích đất phi nông nghiệp được điều chỉnh tăng mạnh từ 10.264 ha (hiện trạng) lên 12.959 ha (năm 2030), tăng khoảng 2.695 ha.

Trong 2.695 ha nêu trên, diện tích đất ở tại Bình Định đến năm 2030 tăng 968,53 ha so với hiện trạng. Trong đó diện tích đất ở nông thôn được điều chỉnh tăng mạnh từ 1.191 ha (hiện trạng) lên 2.057 ha (năm 2030).

Cũng theo quy hoạch vừa được duyệt, diện tích đất thương mại dịch vụ được điều chỉnh tăng mạnh từ 310 ha (hiện trạng) lên 1.023 ha (năm 2030).

Bình Dương dự kiến thu hồi hơn 164ha đất trong năm 2023

HĐND tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết số 41/NQ-HĐND về Danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, có 62 công trình, dự án với tổng diện tích 164.24 ha thực hiện thu hồi đất đăng ký mới trong năm 2023.

Đối với công trình, dự án được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 và Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về Danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, chuyển tiếp thực hiện trong năm 2023 đối với 304 công trình, dự án theo hình thức thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích gần 1,594 ha.

Trong đó, chuyển tiếp thực hiện trong năm 2023 đối với 263 công trình, dự án không phải điều chỉnh theo hình thức thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích hơn 1,442 ha.

Cụ thể: thực hiện theo hình thức thu hồi đất là 260 công trình, dự án với tổng diện tích 1,439 ha; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 3 công trình, dự án với tổng diện tích 3.2 ha; chuyển tiếp thực hiện trong năm 2023 đối với 41 công trình, dự án có điều chỉnh về tên gọi, diện tích, vị trí với diện tích điều chỉnh là 151.6 ha; không chuyển tiếp thực hiện trong năm 2023 và đưa ra khỏi danh mục 41 công trình, dự án với diện tích 129.7 ha.

UBND tỉnh tiếp tục xem xét giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp đối với 13 dự án có nguồn gốc đất do các tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và được thống kê là loại đất khác nhưng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thể hiện mục đích là đất trồng lúa với diện tích hơn 66.4 ha để thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Đồng Tháp sắp có Khu đô thị mới trên 5.170 tỷ đồng

Ngày 5/1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND.HC chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới An Lạc 1 tại huyện Cao Lãnh, theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Mục tiêu dự án nhằm hình thành khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, là một khu ở cao cấp, kết nối với các khu chức năng khác xung quanh tạo nên một tổng thể thống nhất, đóng góp vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng nhu cầu ở và môi trường sống chất lượng cao cho khu vực và các khu lân cận…

Dự án được thực hiện tại xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, có diện tích mặt đất sử dụng 56,22 ha, quy mô dân số khoảng 7.600 người.

Công suất thiết kế của dự án gồm: Nhà liền kề xây thô, đất ở liền kề phân lô bán nền, biệt thự xây thô, đất ở biệt thự phân lô bán nền, tái định cư, tổng diện tích đất 24,41 ha (tầng cao xây dựng tối đa 3 tầng); chung cư, tổng diện tích đất 9,08 ha (tầng cao xây dựng tối đa 7 tầng).

Công trình thương mại, dịch vụ, tổng diện tích xây dựng đất 8,27 ha; tầng cao xây dựng tối đa 10 tầng.

Công trình giáo dục, tổng diện tích xây dựng đất 1,48 ha; tầng cao xây dựng tối đa 3 tầng.

Bên cạnh đó là đất cây xanh công viên diện tích 3,32 ha; đất khu xử lý nước thải diện tích 0,43 ha; đất giao thông diện tích 9,24 ha.

Sản phẩm, dịch vụ cung cấp của Dự án gồm: Khu thương mại dịch vụ, nhà ở liền kề xây thô, đất ở liền kề phân lô bán nền, biệt thự xây thô, đất ở biệt thự phân lô bán nền, căn hộ chung cư và đất nền tái định cư, đồng bộ với hạ tầng hoàn chỉnh (Nội dung này sẽ được xác định rõ theo Quy hoạch chi tiết được phê duyệt sau khi lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định pháp luật).

Cùng với các sản phẩm bất động sản, dự án cung cấp các dịch vụ công cộng, thương mại dịch vụ, giáo dục và giải trí phục vụ cho dân cư khu vực xã An Bình, huyện Cao Lãnh nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Dự án có tổng vốn đầu tư 5.170.336.000.000 đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án theo quy định pháp luật về xây dựng (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) là: 4.875.063.120.000 đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (dự kiến) 295.272.880.000 đồng.

Nguồn:Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Dốc Đá Trắng (Khánh Hòa)

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn