Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Dự án nhà ở xã hội chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Dự án nhà ở xã hội chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Mới đây, cử tri TP Hải Phòng kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh các quy định của pháp luật về nhà ở nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể về việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49 ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, ngày 16/8/2021 Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư số 09 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49 ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Trong đó, Thông tư đã dành 01 Chương quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp). Các quy định này đã góp phần minh bạch hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thực hiện.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích gần 7,8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2, giúp cho hàng trăm nghìn người thu nhập thấp, công nhân có chỗ ở.
"Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng như nêu trên, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi, lợi nhuận...chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội", Bộ Xây dựng thông tin.
Năm 2022, duy nhất một hồ sơ xin chuyển nhượng dự án tại TP HCM
Tại hội nghị tổng kết công tác Đảng mới đây, Sở Xây dựng TP HCM thông tin về diễn biến thị trường nhà ở tại TP HCM năm 2022, và phương hướng năm 2023.
Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 25 dự án, tổng số hơn 12.000 căn nhà với tổng diện tích hơn 1,3 triệu m2.
Trong đó, căn hộ chung cư là 10.632 căn, nhà thấp tầng hơn 1.500 căn với tổng giá trị huy động vốn là hơn 252 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ áp đảo với 9.510 căn (78,3%), phân khúc trung cấp chỉ 2.637 căn (21,7%).
So với năm 2021, phân khúc căn hộ cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) năm 2022 có giảm từ 10.245 xuống còn 9.510 căn nhưng xét về tỷ lệ chung trong tổng thể nhà ở thì tỷ lệ này vẫn cao (năm 2021 là gần 74%).
Phân khúc căn hộ trung cấp (giá bán từ 20-40 triệu đồng) cũng giảm gần 27% so với năm ngoái (từ hơn 3.600 căn xuống còn 2.637 căn). Riêng căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) thì hoàn toàn “biến mất” trong mấy năm qua.
Đáng chú ý, luỹ kế từ đầu năm 2022 đến nay, toàn TP HCM chỉ có duy nhất một hồ sơ xin chuyển nhượng dự án. Sở Xây dựng đã trình UBND TP về việc chuyển nhượng này.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, năm 2022 thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do chính sách thắt chặt lãi suất cho vay của các ngân hàng. Các doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong triển khai dự án. Trong năm qua, việc tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản còn chậm, chưa kịp thời giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Trong năm 2023, Sở Xây dựng cần tập trung tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản.
UBND TP HCM cũng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được trong năm qua của Sở Xây dựng. Trong đó, điểm nổi bật là kiểm soát được tình trạng xây dựng sai phép, không phép và dẫn chứng rõ nhất là tại huyện Bình Chánh. Vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Bình Chánh đã giảm 72% so với năm 2021.
Tuy nhiên, năm qua còn một số vướng mắc. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội khởi công khí thế nhưng kết quả năm 2022 lại không tốt vì vướng rất nhiều. Ngoài ra, các dự án cải tạo chung cư cũ cấp D, nhà ở xã hội, di dời nhà ven kênh rạch kết quả khiêm tốn. Sở Xây dựng cần nhìn nhận và đánh giá lại những hạn chế để đeo bám, giải quyết dứt điểm.
Chủ đầu tư dự án công viên Phù Đổng sẽ trả lại hơn 21.722m2 đất cho Khánh Hòa
Vừa qua, ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Công ty TNHH Invest Park Nha Trang đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc sẽ thực hiện việc bàn giao hơn 21.722m2 đất tại dự án công viên Phù Đổng.
Dự án công viên Phù Đổng tại Nha Trang, Khánh Hòa |
Theo ông Hà, ngay khi doanh nghiệp trả diện tích đất trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo TP Nha Trang tiếp nhận, thực hiện trang trí các hoạt động nơi đây nhằm phục vụ người dân, nhất là dịp Tết.
Công viên Phù Đổng, nằm phía đông đường Trần Phú, tiếp giáp biển thuộc khu vực trung tâm TP Nha Trang.
Năm 2012, Dự án Công viên Phù Đổng được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty TNHH Invest Park Nha Trang với diện tích khoảng 24.600 m2.
Trong đó, gần 22.000 m2 chính quyền không thu tiền sử dụng đất để chủ đầu tư xây công viên cây xanh, nhà vệ sinh công cộng. Phần còn lại tỉnh cho doanh nghiệp thuê, trả tiền từng năm, để làm nhà hàng, hồ bơi phục vụ kinh doanh du lịch… Thời hạn thuê đến năm 2042.
Sau khi được giao dự án, chủ đầu tư đã xây dựng hạng mục nhà hàng, hồ bơi để phục vụ khách. Còn phần xây dựng công viên (gần 22.000 m2) chưa được chủ đầu tư làm hoàn thiện như thiết kế đã phê duyệt.
Qua 10 năm, những hạng mục thuộc công viên chưa được chủ đầu tư bàn giao cho TP Nha Trang quản lý. Đến nay, công viên Phù Đổng gần như không hoạt động, cảnh quan xung quanh nhếch nhác, cỏ hoang mọc um tùm…
Đáng chú ý, Phía Công ty TNHH Invest Park Nha Trang còn thế chấp cả một phần Công viên Phù Đổng cho ngân hàng để đảm bảo khoản vay.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở TN&MT, UBND TP Nha Trang và Công ty TNHH Invest Park Nha Trang về việc khẩn trương bàn giao phần diện tích đất công cộng hơn 21.722m2 tại dự án Công viên Phù Đổng.
UBND tỉnh ra tối hậu thư cho Công ty TNHH Invest Park Nha Trang, nhanh chóng bàn giao cho UBND TP Nha Trang quản lý phần diện tích đất công cộng hơn 21.722m2 theo quy định của pháp luật, hoàn thành trước ngày 10/1. Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng giao Sở TN&MT theo dõi, đôn đốc Công ty TNHH Invest Park Nha Trang khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bình Định quy hoạch mới xã đảo Nhơn Châu thành 3 vùng phát triển
Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, các mặt tiếp giáp biển Đông, tổng quy mô diện tích quy hoạch khoảng 352ha.
Quy hoạch vừa được phê duyệt chia không gian toàn xã đảo Nhơn Châu thành 3 vùng phát triển.
Trong đó, vùng 1 là khu trung tâm xã hiện hữu, diện tích khoảng 24,3ha.
Tại khu vực này quy hoạch xây dựng các hạng mục chính như, không gian ven biển (bãi Trước, dài khoảng 985m), chỉnh trang các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; xây dựng 1 công trình biểu tượng Nhơn Châu; quy hoạch mới 1 khu thương mại, dịch vụ phục vụ du lịch tại phía Đông Bắc trụ sở văn hóa thôn Đông; quy hoạch cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu; bố trí quỹ đất dự trữ phát triển tại khu vực phía Tây Bắc khu tái định cư của xã (ưu tiên phát triển mô hình nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu về nhà ở tại địa phương).
Vùng 2 là vùng du lịch sinh thái kết hợp với an ninh quốc phòng gắn với tôn tạo đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, diện tích khoảng 327,7 ha.
Tại vùng 2, phát triển các điểm du lịch dã ngoại sinh thái gắn kết trong chuỗi du lịch vòng quanh đảo gồm, điểm du lịch dã ngoại bãi Nhỏ, bãi Bồn, bãi Gala, bãi Nam, bãi Đông, bãi đá Thảo Nguyên và 2 điểm dừng chân ngắm cảnh tại Vũng Tròn và mũi hòn Két.
Tại cụm du lịch phía Đông, quy hoạch đường giao thông bộ phục vụ du lịch kết nối các điểm du lịch hiện hữu (ngọn Hải đăng, cột cờ Thanh niên, Bàn cờ Tiên, giếng Tiên, điểm ngắm bình minh), quy hoạch 1 điểm ngắm bình minh phía Đông Bắc Hải đăng theo mô hình công trình kiến trúc biểu tượng đặc biệt phục vụ du lịch.
Cuối cùng là vùng 3, mặt nước ven đảo gắn bảo tồn, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên.
Vùng 3 gồm các hạng mục chính như quy hoạch âu tàu bãi Trước phục vụ neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền; xác định vùng mặt nước bảo tồn nghiêm ngặt, cải tạo hệ sinh thái tự nhiên; quy hoạch khu vực bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy hải sản theo Đề án bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản xã Nhơn Châu; khu nghiên cứu, du lịch lặn ngắm san hô tại phía Tây Nam đảo; xác định vùng mặt nước di chuyển luồng tàu, nghiêm cấm sử dụng các phương tiện sử dụng nhiên liệu có tác động xấu đến môi trường.
Đồng Nai bổ sung hàng trăm dự án sử dụng đất
Ngày 12/1, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 trên địa bàn; trong đó, bổ sung nhiều dự án trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Đây là cơ sở, tiền đề để các bên triển khai dự án.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, năm 2023, toàn tỉnh có hơn 1.500 dự án được đưa vào kế hoạch sử dụng đất với diện tích trên 22.000 ha. Trong đó có 250 dự án bổ sung mới với diện tích hơn 2.000 ha; còn lại là dự án từ những năm trước chuyển sang.
Các dự án bổ sung hầu hết thuộc lĩnh vực giao thông, trường học, trạm y tế và các công trình công cộng khác tập trung ở TP Biên Hòa, huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu.
Các dự án năm 2023 ở Đồng Nai đều phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng là những dự án còn nằm trong danh mục thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và còn hiệu lực. Điều này giúp chủ đầu tư thuận lợi về thủ tục trong quá trình triển khai dự án.
Trước đó, tỉnh đã tiến hành rà soát, lấy ý kiến các sở, ngành, loại bỏ hàng trăm dự án không đảm bảo các quy định để tránh tình trạng dự án không thực hiện theo đúng lộ trình. Đồng thời, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phối hợp cùng địa phương trong công tác giải phóng thu hồi đất, tái định cư cho người dân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, đến cuối năm 2022, địa phương chỉ có khoảng 1.100 dự án đang triển khai trong tổng số hơn 1.500 dự án được phê duyệt. Số dự án đã hoàn thành thủ tục về đất đai là 70 dự án và 370 dự án chưa được thực hiện.
Nguồn:Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Dự án nhà ở xã hội chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Huy Tùng
kinhtexaydung.petrotimes.vn
- Hành vi của người tiêu dùng thay đổi thế nào trong năm 2025?
- Giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm
- Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
- Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025
- Các nhà bán lẻ tăng tốc chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Ấn Tỵ
- Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế phí trong năm 2025
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
Các nhà bán lẻ tăng tốc chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Ấn Tỵ
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN