Tin ngân hàng ngày 2/1: Gỡ vướng, thúc đẩy gói hỗ trợ lãi suất 2%

11:30 | 02/01/2023

|
SeABank giảm lãi suất cho vay tới 2%/năm; Xử lý nghiêm ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm; Vietcombank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 31/12: Giá USD trên thị trường tự do giảm mạnhTin ngân hàng ngày 31/12: Giá USD trên thị trường tự do giảm mạnh
Tin ngân hàng ngày 30/12: Huy động vốn vào ngân hàng tiếp tục tăngTin ngân hàng ngày 30/12: Huy động vốn vào ngân hàng tiếp tục tăng

Gỡ vướng, thúc đẩy gói hỗ trợ lãi suất 2%

Để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt khi một số doanh nghiệp ngần ngại không muốn nhận vì e ngại thủ tục thanh kiểm tra sau này.

Tin ngân hàng ngày 2/1: Gỡ vướng, thúc đẩy gói hỗ trợ lãi suất 2%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đã tăng bình quân khoảng 0,8%/năm so với năm trước. Nếu được hỗ trợ giảm thêm 2% lãi suất lúc này sẽ vô cùng ý nghĩa, giúp tiết giảm chi phí nhưng để dễ dàng tiếp cận, nhiều doanh nghiệp mong muốn được đơn giản thủ tục.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn có sự điều chỉnh các tiêu chí để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% này. Đặc biệt là các tiêu chí liên quan đến "khả năng phục hồi".

"Tôi đề nghị tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp rõ ràng. Ngân hàng rất khó đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp mà việc đó dành cho doanh nghiệp. Đã có chính sách phải chấp nhận rủi ro", ông Trần Thành Trọng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nói.

Trên thực tế, giải ngân của năm nay mới được hơn 0,5% kế hoạch. Trong đó, tâm lý e ngại của doanh nghiệp chiếm tới 67% nguyên nhân ngại tiếp cận chính sách này.

Ghi nhận từ thực tế triển khai, Ngân hàng Nhà nước cũng đang kiến nghị sửa đổi Nghị định 31 để tăng khả năng hấp thụ gói hỗ trợ lãi suất.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực - Ngân hàng Nhà nước cho hay: "Ngành ngân hàng sẽ quyết liệt và đặt ra các giải pháp như tuyên truyền vướng mắc, giám sát, kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành để giải quyết khó khăn về mặt thủ tục, cách thức triển khai… Về việc mở rộng đối tượng, tăng cường thêm lĩnh vực mà có thể hỗ trợ được cũng là điều cần thiết".

Theo kế hoạch, gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 sẽ triển khai trong 2 năm. Năm 2022, kế hoạch giải ngân 16.000 tỷ đồng, còn 2023 là 24.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện, trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong việc hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

SeABank giảm lãi suất cho vay tới 2%/năm

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm đối với cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân nhằm hỗ trợ mọi khách hàng được tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất cho vay phù hợp.

Theo đó, ngoài chương trình hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Ngân hàng Nhà nước, SeABank đã chủ động xây dựng các chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp lên tới 2%/năm.

Chương trình giảm lãi suất sẽ áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng tại nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh trong đó ưu tiên đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng xanh. Đối với các khách hàng cá nhân, mức giảm lãi suất SeABank dự kiến áp dụng cũng lên tới 1% cho các nhu cầu vốn.

Thời gian qua, nhằm nâng cao tiềm lực, SeABank không ngừng triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động ngân hàng, tiêu biểu là triển khai áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel III, áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS)... Bên cạnh đó, SeABank cũng được Moody’s xếp hạng Ba3 cho nhiều danh mục, đồng thời đánh giá cao chất lượng tài sản, khả năng sinh lời và nguồn vốn phù hợp để duy trì sự phát triển ổn định, bền vững của Ngân hàng.

Với uy tín tăng cao, SeABank liên tiếp được các tổ chức tài chính quốc tế tin tưởng và tài trợ các khoản vay quốc với tổng giá trị lên tới 495 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các quỹ đầu tư để nâng cao năng lực tài chính, gia tăng nguồn vốn hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Xử lý nghiêm ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh về tình trạng nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm, đặc biệt là khi vay vốn, chỉ giải ngân nếu khách mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như yêu cầu các tổ chức tín dụng tuyệt đối không để tình trạng nhân viên yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm mới được giải ngân vốn vay. Trên thực tế, bảo hiểm nhân thọ là 1 sản phẩm phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Thế nhưng, nếu đặt trong tình thế “ép” mua khi khách không có nhu cầu thì là bất cập.

Lý giải về việc tại sao một số cán bộ ngân hàng lại chào mời khách hàng mua bảo hiểm, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Rất nhiều ngân hàng giao chỉ tiêu kinh doanh cho cán bộ của họ, đi kèm với các hợp đồng bảo hiểm, tức là một năm cán bộ phải mang về bao nhiêu tài khoản, bao nhiêu sổ tiết kiệm cộng với bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm… vì vậy, tạo ra áp lức cho nhân viên ngân hàng, và khi bị áp lực như thế, nhân viên ngân hàng sẽ tìm mọi cách để bán bảo hiểm cho ngân hàng”.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc Ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ bán bảo hiểm hoặc làm đại lý bán bảo hiểm là hợp pháp, NHNN cũng ban hành bộ chuẩn về đạo đức kinh doanh của ngân hàng, tuy nhiên, việc mua bảo hiểm hay không là tự nguyện của khách hàng.

“Việc mua bảo hiểm là tự nguyện của khách hàng, không được ép buộc, không được đặt điều kiện muốn giải ngân cho vay thì phải mua bảo hiểm, NHNN đã có văn bản chỉ đạo nghiêm cấm việc này. Chúng tôi cũng rất muốn khách hàng cũng như cơ quan truyền thông, báo chí phát hiện cá nhân, ngân hàng nào thực hiện việc ép khách hàng mua bảo hiểm mới cho vay thì phải xử lý kỷ luật”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Nghị định 98/2013 (bổ sung khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP) quy định: Nếu ngân hàng có hành vi ép khách hàng đến vay mua bảo hiểm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng. Hơn nữa có thể bị đình chỉ hoạt động từ 2 - 3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động.

Vietcombank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023.

Tin ngân hàng ngày 2/1: Gỡ vướng, thúc đẩy gói hỗ trợ lãi suất 2%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank cho biết, kể từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 30/4/2023, Vietcombank sẽ tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Với các đối tượng khách hàng thuộc diện được hỗ trợ, Vietcombank sẽ chủ động giảm lãi suất mà khách hàng không cần phải đề nghị, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại cho khách hàng, đồng thời tạo sự minh bạch trong việc áp dụng chính sách lãi suất đồng đều đến tất cả các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Trước đó, trong năm 2022, Vietcombank là một trong những ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay khách hàng với mức giảm đồng loạt 1%/năm với hầu hết khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu từ ngày 1/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Đợt giảm lãi suất này có tác động đến khoảng 175.000 khách hàng với quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm một nửa danh mục tín dụng của Vietcombank.

Năm 2023, ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định Vietcombank sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất thị trường nhằm hỗ trợ tối đa khách hàng trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn.

Về kết quả kinh doanh năm 2022, lãnh đạo Vietcombank cho biết, tổng tài sản của ngân hàng chính thức vượt mốc 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2021. Về huy động vốn, dù luôn giữ mặt bằng lãi suất huy động ở mức hợp lý để góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhưng tăng trưởng huy động của Vietcombank vẫn đạt mức 9%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn hệ thống (khoảng 6%).

Về tín dụng, tính đến hết năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 19,05% tương đương mức tăng ròng gần 200.000 tỷ đồng.

"Toàn bộ dư nợ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán... chỉ chiếm chưa tới 1% dư nợ và đều là khách hàng tốt, trả nợ đúng hạn", ông Tùng cho hay.

Nguồn:Tin ngân hàng ngày 2/1: Gỡ vướng, thúc đẩy gói hỗ trợ lãi suất 2%

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn