Từ vụ 3 đôi vớ bị hét giá 700.000 đồng, nghĩ về cách làm du lịch

11:17 | 25/08/2023

|
Sau gần 1 tuần du khách người Nhật bị một tiểu thương bán cho 3 đôi vớ với giá 700.000 đồng, vẫn còn tình trạng tiểu thương hét giá hoặc niêm yết giá trên trời.

Chuyện ồn ào trong mấy ngày qua về vụ một du khách người Nhật bị tiểu thương chợ Bến Thành hét giá 700.000 đồng cho 3 đôi tất đã tạm khép lại khi tiểu thương này bị đình chỉ kinh doanh. Tuy nhiên những hệ lụy phía sau hành vi này vẫn còn đó.

Chợ Bến Thành từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của du lịch TP. Hồ Chí Minh không chỉ bởi có kiến trúc độc đáo, khu chợ này thể hiện muôn mặt của đời sống văn hóa người Việt. Tuy nhiên, cách buôn bán của nhiều tiểu thương bên trong ngôi chợ này càng ngày càng không bền vững.

Trở lại chợ Bến Thành sau gần 1 tuần du khách người Nhật bị một tiểu thương bán cho 3 đôi vớ với giá 700.000 đồng, vẫn còn tình trạng tiểu thương hét giá hoặc niêm yết giá trên trời. Tại một quầy bán giỏ xách, tiểu thương niêm yết mức giá 1,3 triệu đồng, tuy nhiên khi được khách hàng trả giá, chủ sạp đồng ý bán với giá 600.000 đồng.

Hay tại một sạp khác bán đồ lưu niệm mây tre đan, một chiếc giỏ được tiểu thương niêm yết mức giá 940.000 đồng, song sau một hồi trả giá, chủ cửa hàng đồng ý bán với giá 240.000 đồng. Nhiều tiểu thương vẫn bán hàng cho du khách theo tư tưởng bến tàu, bến xe, nghĩa là có dịp là phải chặt chém cho thật đã, không cần biết người ta có quay lại hay không?

Việc hét giá quá cao, gấp 5 - 10 lần không còn đem lại cho du khách trải nghiệm nữa mà là sự sợ hãi. Tiếng xấu thường đồn xa và du khách sẽ sợ mua hàng trong chợ này, khiến cả điểm đến bị ảnh hưởng.

Từ vụ 3 đôi vớ bị hét giá 700.000 đồng, nghĩ về cách làm du lịch
Vẫn còn tình trạng hét giá, bán sai giá niêm yết trong chợ Bến Thành

Không chỉ chợ Bến Thành, thực tế thời gian qua, nhiều chợ du lịch khác trên cả nước cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tại Đà Nẵng có hai khu chợ đông người nước ngoài lui tới nhất là chợ Cồn và chợ Hàn. Tại hai nơi này, tiểu thương đều buộc phải niêm yết giá cho từng món hàng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà du khách không trả giá. Ở chợ Hàn, giá thường trả xuống thấp khoảng 30% còn chợ Cồn thường có khi lên đến 50%. Không riêng du khách quốc tế, khách trong nước và người địa phương cũng phải trả giá này khi mua. Chợ Đông Ba ở Huế cũng vậy, du khách vẫn phải trả giá để tránh bị 'hớ'.

Trước đó, nhiều điểm đến như Vũng Tàu, Hội An… cũng một thời bị du khách "bỏ qua" vì nạn "chặt chém".

Quan sát các chợ ở một số nước như Campuchia, Thái Lan…, có thể nhận thấy ít có chuyện tiểu thương chèo kéo khách, hét giá trên trời hay chửi khách, đốt phong long nếu khách xem mà không mua. Tiểu thương nào vi phạm sẽ bị đồng nghiệp tẩy chay, cơ quan quản lý xử phạt và đặc biệt là khách hàng quay lưng.

Ngoài ra, người Thái Lan cũng quan niệm du khách đến Thái Lan ăn ngủ, giải trí, mua sắm… ở đâu cũng làm giàu cho người Thái. Vì vậy dù khách không mua hàng hay sử dụng dịch vụ của mình hay không, họ cũng vô cùng niềm nở với khách.

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Campuchia trong việc xúc tiến các sản phẩm trọng tâm như du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch dựa vào nguồn lực tự nhiên... Tuy vậy việc chặt chém, chèo kéo du khách mua hàng vẫn còn hiện hữu khiến ngành du lịch ngày càng mất điểm trong mắt du khách.

Thiết nghĩ, vấn nạn "chặt chém" du khách tuy chỉ là hiện tượng đơn lẻ, xuất phát từ một số cá nhân vì ham mê lợi nhuận và bất chấp làm sai, nhưng nếu không khắc phục kịp thời, hành động này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, làm xấu đi bộ mặt văn minh của đất nước.

Bởi lẽ, dù trải nghiệm rất nhiều ưu điểm nhưng chỉ cần một điểm xấu còn tồn tại thì hình ảnh của địa phương ấy đã không còn đẹp trong mắt du khách, thậm chí có thể khiến họ tẩy chay, không có ý định quay lại vùng đất ấy một lần nữa.

Muốn xóa bỏ tình trạng "chặt chém", Nhà nước cần có chính sách quản lý bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa… một cách cụ thể trên trang web du lịch của tỉnh, thành phố.

Về phía Ban quản lý chợ nên lắp camera giám sát để kịp thời hỗ trợ tiểu thương, phát hiện gian lận và xử lý vi phạm. Đồng thời cần đưa ra cam kết như “Hàng mua ở chợ nếu bị lỗi được hoàn trả tiền theo quy định”. Quầy, sạp nào vi phạm thì rút giấy phép kinh doanh 3-6 tháng. Nếu tái phạm, cấm kinh doanh và truy tố theo luật định.

Đặc biệt, cần xây dựng văn hóa chợ du lịch theo hướng hàng chất lượng, giá hợp lý; thái độ, tinh thần phục vụ của tiểu thương phải tốt. Khi đó, khách vào chợ Bến Thành ai cũng được niềm nở chào đón, được tặng những nụ cười thân thiện, không lo bị hét “giá trên trời”. Nếu làm được như vậy thì chợ du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung mới phát triển bền vững, mới thu hút được khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

Nguồn:Từ vụ 3 đôi vớ bị hét giá 700.000 đồng, nghĩ về cách làm du lịch

Hà Linh

congthuong.vn