Xóa nút thắt để hàng Việt vươn xa

16:05 | 05/07/2025

|
Muốn hàng Việt tiêu thụ thuận lợi, bên cạnh năng lực sản xuất, doanh nghiệp cần được hỗ trợ tiếp cận thị trường, đặc biệt trong bán lẻ. Vì thế, điều cấp thiết lúc này là cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà như quy định khuyến mại hay thông báo với sàn TMĐT, những “rào cản mềm” đang cản trở doanh nghiệp ngay trên sân nhà.

Cần chính sách hỗ trợ thực chất cho bán lẻ nội địa

Để khu vực bán lẻ trong nước phát triển đúng tầm và đóng vai trò là “cánh tay nối dài” của sản xuất, bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một chính sách hỗ trợ cụ thể, thực chất và đồng bộ.

Theo bà Thanh, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động, cần nhanh chóng triển khai các gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, mắt xích quan trọng đảm bảo hàng hóa đến đúng nơi, đúng lúc, đúng giá.

Bên cạnh đó, bà Thanh kiến nghị cần có chương trình xúc tiến thương mại được thiết kế riêng để kết nối ba nhóm doanh nghiệp: sản xuất – logistics – bán lẻ, tạo thành một chuỗi cung ứng chủ động, liền mạch, giảm chi phí trung gian và đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hóa Việt.

Khi sản xuất được liên kết trực tiếp với phân phối và vận chuyển, lợi ích không chỉ thuộc về doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng sẽ được thụ hưởng mức giá hợp lý hơn.

Về chính sách thuế, Nghị định 174/2025/NĐ-CP mới được ban hành quy định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ được đánh giá là bước đi tích cực.

Bà Thanh cho biết, chính sách này đã góp phần rõ rệt trong việc giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sức mua và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý, đây cần là chính sách có tính dài hạn và ổn định, không nên chỉ mang tính thời vụ hoặc hỗ trợ ngắn hạn trong năm tài khóa.

Không chỉ cần giảm thuế, theo bà Thanh, doanh nghiệp bán lẻ nội địa còn rất cần các gói vay tín dụng với lãi suất ưu đãi kéo dài, cùng những chính sách đặc biệt về hỗ trợ tài chính, giảm chi phí vận hành trong thời kỳ khó khăn.

Ví dụ cụ thể, chi phí điện năng đang là một gánh nặng khổng lồ với nhiều chuỗi bán lẻ, riêng WinCommerce mỗi năm phải chi hơn 1.000 tỷ đồng cho điện. Do đó, các chính sách đặc thù như giảm giá điện cho hệ thống siêu thị, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, là hết sức cần thiết.

Bên cạnh những chính sách tài khóa, các chuyên gia khẳng định cần đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng thương mại, đặc biệt tại các địa phương mới sau sáp nhập. Việc phát triển hệ thống logistics hiện đại và mạng lưới trung tâm phân phối quy mô lớn sẽ giúp hàng hóa lưu thông hiệu quả, giảm chi phí trung gian và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội so với các “đại gia” ngoại đang bành trướng thị phần.

Tuy nhiên, để hàng hóa Việt thực sự “dễ ra – dễ vào”, không thể thiếu một điều kiện tiên quyết: gỡ bỏ những thủ tục hành chính gây cản trở cho doanh nghiệp.

Trong tháng 7/2025, khi góp ý cho Dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ rõ nhiều vướng mắc vẫn tồn tại, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và xúc tiến thương mại. Một ví dụ điển hình là các thủ tục liên quan đến hoạt động khuyến mại.

VCCI cho rằng, khuyến mại là một hoạt động phổ biến và cần thiết để doanh nghiệp kích cầu, giới thiệu sản phẩm. Việc bắt buộc doanh nghiệp phải thông báo hoặc đăng ký các chương trình khuyến mại dù là thủ tục đơn giản cũng khiến họ mất thời gian, nguồn lực và dễ bị xử phạt nếu sai sót. Do đó, đề xuất đáng chú ý là nên chuyển hoàn toàn sang cơ chế hậu kiểm, trao lại quyền chủ động cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo kiểm soát được tính minh bạch và tuân thủ.

Rõ ràng, muốn hàng hóa Việt Nam mở rộng đầu ra một cách hiệu quả, không chỉ cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ mà còn phải dọn sạch “rào cản mềm” ngay trong nội bộ chính sách những thủ tục tưởng nhỏ nhưng đang kìm chân doanh nghiệp trong cuộc đua cạnh tranh toàn cầu.

Xóa nút thắt để hàng Việt vươn xa
Muốn hàng Việt tiêu thụ thuận lợi, bên cạnh năng lực sản xuất, doanh nghiệp cần được hỗ trợ tiếp cận thị trường, đặc biệt trong bán lẻ.

Cần mạnh tay gỡ bỏ thủ tục rườm rà

Một trong những vấn đề lớn đang kìm hãm hoạt động thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực khuyến mại và thương mại điện tử (TMĐT), chính là hệ thống thủ tục hành chính rườm rà, thiếu rõ ràng, tạo gánh nặng pháp lý và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Theo nhận định của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ chế quản lý hiện nay đối với các chương trình khuyến mại còn thiếu minh bạch, khi không có tiêu chí rõ ràng để cơ quan nhà nước phê duyệt hoặc từ chối hồ sơ. Điều này khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động, dễ vướng vi phạm chỉ vì… “quên” thủ tục hoặc không hiểu quy định.

VCCI cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cần cân nhắc bãi bỏ hoàn toàn các giới hạn mang tính hành chính đối với hình thức khuyến mại, như quy định trần mức giảm giá, tỷ lệ giá trị khuyến mại tối đa. Những quy định này không chỉ can thiệp sâu vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp mà còn phi thị trường, đi ngược với tinh thần tự chủ kinh tế.

Nếu có lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh do giảm giá sâu, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể sử dụng công cụ pháp luật cạnh tranh để xử lý, thay vì áp đặt giới hạn cứng cho tất cả doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực TMĐT, mảnh đất quan trọng của kinh doanh hiện đại tình trạng này cũng không khá hơn. Cụ thể, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp lập website TMĐT bán hàng (dù chỉ là kênh bán riêng của mình) vẫn phải thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Công Thương. VCCI đánh giá đây là một thủ tục không cần thiết, nên được bãi bỏ hoàn toàn thay vì chỉ điều chỉnh phân cấp như dự thảo hiện nay.

Lý do rất rõ ràng: website bán hàng TMĐT không phải là một loại hình kinh doanh độc lập mà chỉ là phương thức bán hàng mới thay thế hoặc song song với cửa hàng vật lý truyền thống. Thương nhân đã được cấp phép kinh doanh, có đủ điều kiện về sản phẩm, chất lượng và pháp lý việc họ triển khai thêm một kênh bán hàng trực tuyến nên được xem là hoạt động kinh doanh bình thường, không cần thêm thủ tục hành chính rườm rà.

Chưa kể, việc áp đặt thủ tục thông báo chỉ càng làm gia tăng gánh nặng quản lý mà không mang lại giá trị quản lý rõ rệt. Theo khảo sát của Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, hiện có tới 44% doanh nghiệp đã sở hữu website, trong đó 42% tích hợp sẵn chức năng đặt hàng trực tuyến. Thực tiễn cũng chưa ghi nhận bất kỳ tác động tiêu cực nào đến xã hội hay nền kinh tế khi doanh nghiệp không thực hiện thông báo website TMĐT.

Từ thực tế đó, VCCI nhấn mạnh: các thủ tục hành chính trong TMĐT đang không giúp tăng cường hiệu quả quản lý, mà ngược lại, trở thành vật cản vô hình trong quá trình chuyển đổi số và hội nhập của doanh nghiệp nội địa.

Nguồn:Xóa nút thắt để hàng Việt vươn xa

Quang Anh

thuongtruong.com.vn