Tục đốt vàng mã: Đừng để biến tướng, gây lãng phí, sa đà mê tín dị đoan

11:34 | 12/02/2024

|
Tính đơn giản, nếu mỗi gia đình bỏ ra 10 nghìn đồng để mua, đốt vàng mã thì nhân với 1 triệu hộ gia đình con số đã lên tới 10 tỷ đồng.
Hà Nội: Cảnh báo sự cố hoả hoạn từ thắp hương, đốt vàng mãHà Nội: Cảnh báo sự cố hoả hoạn từ thắp hương, đốt vàng mã

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhà nhà, người người đều háo hức sửa soạn, trang trí nhà cửa thật đẹp, thật chu đáo, đầy đủ mong cầu một năm mới bình an, sung túc, ấm no. Tết đến cũng là dịp để mỗi người, mỗi nhà hướng về tổ tiên, nguồn cội và đây là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ bao đời nay.

Không những thế, với người Việt, mùa xuân là mùa của lễ hội, theo truyền thống, cứ vào thời điểm đầu năm, Tết đến, xuân về các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo lại diễn ra sôi động trên khắp các vùng, miền trong cả nước.

Trong số các tục lệ thờ cúng tại Việt Nam, tục lệ đốt vàng mã có từ lâu đời, đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những chiều hướng, biểu hiện tích cực, thì đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay cũng có những mặt trái.

Tục đốt vàng mã: Đừng để biến tướng, gây lãng phí, sa đà mê tín dị đoan
Khi kinh tế khá giả, đi kèm quan niệm "phú quý sinh lễ nghĩa", nhiều người còn mua, đốt thêm các sản phẩm hàng mã hạng sang như nhà biệt phủ, xe sang... cho người thân quá cố. Ảnh: Báo điện tử Dân trí

Còn nhớ, ngày xưa, khi kinh tế còn khó khăn, mỗi gia đình chỉ mua sắm một ít vàng mã cho đầy đủ lễ vật cúng bái. Song, hiện nay, khi mà điều kiện kinh tế khá giả, đi kèm quan niệm "phú quý sinh lễ nghĩa", không chỉ dừng lại ở việc đốt tiền vàng, nhiều người còn "sính" các sản phẩm hàng mã hạng sang như nhà biệt phủ, xe sang... để “gửi” sang... “thế giới bên kia” cho thần linh, cho người thân quá cố.

Tính đơn giản, nếu mỗi gia đình chỉ cần bỏ ra 10 nghìn đồng để mua vàng mã thì nhân với 1 triệu hộ gia đình con số đã lên tới 10 tỷ đồng. Trong khi, hàng năm, ước tính nước ta sử dụng đến 40.000 - 50.000 tấn vàng mã đã cho thấy một sự lãng phí quá lớn.

Bà Thanh Hương (huyện Kim Bảng, Hà Nam) cho hay, do gia đình làm kinh doanh buôn bán, nên hàng năm, nhất là dịp Tết, lễ đầu năm, gia đình mua và đốt vàng mã khá nhiều. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, đốt nhiều vàng mã thì công việc làm ăn của gia đình mới phát đạt và yên ổn. Chưa kể, việc cúng bái còn giúp gia đình an tâm, yên lòng hơn trong cuộc sống. “Riêng đợt Tết vừa rồi, gia đình đã chi khoảng 3 triệu đồng cho việc mua sắm vàng mã. Đây chưa phải là số tiền lớn bởi nhiều gia đình kinh doanh khác còn chi nhiều hơn nữa” - bà Thanh Hương chia sẻ.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhiều cơ sở sản xuất đồ vàng mã mỗi năm lại cho “ra lò” những sản phẩm mới, hiện đại, phù hợp với xu thế. Không thể phủ nhận, việc sản xuất vàng mã tại nhiều làng nghề, điển hình như làng nghề chuyên làm vàng mã Song Hồ (Bắc Ninh), hay làng nghề vàng mã Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội)... đã giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm cho bà con địa phương, giúp người dân gia tăng thu nhập, song về mặt tổng thể, việc sử dụng các sản phẩm từ vàng mã không mang lại nhiều giá trị vật chất cho xã hội.

Tục đốt vàng mã: Đừng để biến tướng, gây lãng phí, sa đà mê tín dị đoan
Ảnh minh họa

Trước ý kiến cho rằng, đốt vàng mã sẽ rước nhiều lộc về nhà, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam từng nhận định, đây là một quan niệm sai lầm. Hòa thượng Thích Thiện Tâm lý giải, đạo Phật không có tập tục đốt vàng mã. Tập tục này ngày nay đang bị biến tướng thái quá, bật cập. Tư tưởng đốt vàng mã có nhiều lộc là mê tín, dị đoan. Xã hội ngày càng phát triển, việc đốt vàng mã lại càng trở nên phô trương và mang tính đổi chác, cầu mong tư lợi.

PGS. TS Dương Văn Sáu - nhà Nghiên cứu Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, việc đốt vàng mã phải diễn ra ở mức độ vừa phải, không lạm dụng đốt một cách quá nhiều gây lãng phí tiền bạc, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hỏa hoạn.

Tục đốt vàng mã: Đừng để biến tướng, gây lãng phí, sa đà mê tín dị đoan
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để mọi người hiểu rằng, đến với tôn giáo, tín ngưỡng là để tìm sự bình an, hướng thiện chứ không phải cầu xin danh lợi, tiền tài. Ảnh minh họa

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, để các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra văn minh, hướng đến một mùa lễ hội an toàn, đúng thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, các cấp chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc...

Cùng đó, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhất là các cơ sở thờ tự; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi, không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để mọi người, mọi nhà hiểu rằng, đến với tôn giáo, tín ngưỡng là để tìm sự bình an, thanh thản của tâm hồn, hướng thiện, làm lành, lánh dữ chứ không phải cầu xin danh lợi, tiền tài.

Nguồn:Tục đốt vàng mã: Đừng để biến tướng, gây lãng phí, sa đà mê tín dị đoan

Hoàng Giang

congthuong.vn