Tương lai đô thị thông minh Cần Thơ…

14:36 | 05/02/2022

|
Tại lễ khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP Cần Thơ (IOC) hồi cuối tháng 4-2021, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh: “Với vị trí trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực ÐBSCL, TP Cần Thơ đã có nhiều chủ trương, chính sách quyết liệt trong xây dựng, phát triển thành phố thành đô thị thông minh. Sự ra đời của IOC là bước ngoặt quan trọng, làm cơ sở để TP Cần Thơ thực hiện thành công mục tiêu trở thành đô thị thông minh”.
Tương lai đô thị thông minh Cần Thơ…
Đô thị Cần Thơ ngày càng phát triển.

Bước ngoặt quan trọng

Với sự hỗ trợ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viettel, IOC có chức năng tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu thành phố trên các lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các dịch vụ thông minh, giúp lãnh đạo thành phố giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do thành phố cung cấp một cách tổng thể, hiệu quả, mang đến cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội.

IOC còn tạo phương tiện để người dân được cung cấp và phục vụ các dịch vụ đô thị thông minh tiện ích nhất, được tham gia giám sát hoạt động của chính quyền. Ðặc biệt, tăng cường phục vụ người dân thành phố với các phương tiện, các kênh tương tác như “Tổng đài dịch vụ công 1022”, ứng dụng thiết bị di động và mạng xã hội nhằm huy động mọi nguồn lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

IOC gồm trung tâm chỉ huy thông minh đặt tại Văn phòng UBND TP Cần Thơ và triển khai thí điểm 8 lĩnh vực: giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; giám sát điều hành du lịch; giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường; giám sát an toàn thông tin mạng.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ, IOC đã phát huy hiệu quả, giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố. Việc triển khai ứng dụng App Can tho SC, Hệ thống Tổng đài Dịch vụ công 1022 bước đầu đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Hệ thống giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội với các chỉ số được biểu diễn theo dạng biểu đồ giúp lãnh đạo thành phố có được bức tranh tổng thể về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để có những quyết định chỉ đạo kịp thời, đặc biệt là trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp..

Thêm nhiều tín hiệu tích cực

Theo Ðề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh đã được UBND thành phố phê duyệt, kinh phí thực hiện hơn 1.011 tỉ đồng. Ðề án tập trung triển khai trên 10 lĩnh vực trọng điểm như: hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (Information & Communication Technology - ICT) và nền tảng dữ liệu trong đô thị thông minh; chính quyền số trong đô thị thông minh; an ninh an toàn trong đô thị thông minh; quy hoạch đô thị thông minh; du lịch thông minh; y tế thông minh; giáo dục thông minh; nông nghiệp thông minh; quản lý môi trường thông minh và giao thông thông minh.

Lộ trình tổng thể xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị thông minh theo 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 (2021-2022) xây dựng IOC và triển khai một số lĩnh vực ưu tiên như: giao thông thông minh, giám sát môi trường, an ninh trật tự, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh... Giai đoạn 2 (2023-2025) mở rộng triển khai đô thị thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị thông minh. Giai đoạn 3 với tầm nhìn đến năm 2030, TP Cần Thơ trở thành thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng ÐBSCL trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc qua, khu vực và quốc tế. Ðồng thời khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đồng bộ (đặc biệt là dữ liệu người dân, dữ liệu hạ tầng không gian), phân tích dữ liệu lớn, dự báo hỗ trợ ra quyết định để hướng đến phục vụ người dân, du khách tốt hơn. Các dịch vụ công được cung cấp dưới dạng cá nhân hóa theo nhu cầu, phát huy nguyên tắc người dân làm trung tâm của đô thị thông minh.

Ngoài IOC đã vận hành, thành phố còn xây dựng khung kiến trúc ICT cho đô thị thông minh phù hợp với hướng dẫn của Bộ TT&TT (phiên bản 1.0); hoàn thiện triển khai các nền tảng phát triển chính quyền điện tử, trong đó trọng tâm là xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung; tích hợp các cơ sở dữ liệu dùng chung; phát triển nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông làm cơ sở để phát triển đô thị thông minh; triển khai cổng thông tin du lịch và ứng dụng di động du lịch thông minh; triển khai xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian đô thị thành phố; xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho TP Cần Thơ.

Tương lai đô thị thông minh Cần Thơ…
Lãnh đạo TP Cần Thơ thực hiện nghi thức khai trương IOC.

Một số ngành cũng thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư như xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh của Sở Giao thông vận tải, dự án y tế thông minh của Sở Y tế, trang bị hệ thống phần mềm ứng dụng du lịch thông minh của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xây dựng nền tảng và hạ tầng cho trung tâm điều hành đô thị thông minh của Sở TT&TT. Một số địa phương như Thốt Nốt, Bình Thủy, Cái Răng, Ninh Kiều, Vĩnh Thạnh đã và đang xúc tiến triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và triển khai trung tâm điều hành thông minh.

Theo Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ Huỳnh Hoàng Mến, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển đô thị thông minh đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Các cơ quan nhà nước tiếp tục thực hiện nguyên tắc phát triển đô thị thông minh lấy người dân làm trung tâm, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đẩy mạnh triển khai các nền tảng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, triển khai nền tảng quản lý doanh nghiệp xanh; phát triển các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân giúp công tác quản lý điều hành hiệu quả dựa trên dữ liệu số, công nghệ số, phát triển đô thị thông minh gắn liền với chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp và xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở cho tổ chức, cá nhân, phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ số vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Nguồn: Tương lai đô thị thông minh Cần Thơ…

Anh Khoa

baocantho.com.vn