Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”

12:05 | 12/11/2021

|
Nhắc đến Tú Lệ của Yên Bái là nhắc tới một miền quê với phong cảnh hữu tình được vây quanh bởi ba ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt to tròn, trắng trong gọi là nếp Tú Lệ.
Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”

Khi mùa lúa bắt đầu chín, những bông lúa nếp được bà con trong vùng thu hoạch sớm để tạo ra món cốm. Cốm Tú Lệ nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn cả vùng Tây Bắc bởi vị dẻo thơm ngọt ngào đặc trưng không đâu có. Bởi thế mà không ít chuyên gia ẩm thực đã đặt tên cho cốm Tú Lệ là "đệ nhất tinh hoa ẩm thực”

Bây giờ là đầu tháng 9, lúa ở khắp các tràn ruộng bắt đầu ngả vàng ấy cũng là lúc làng trên bản dưới ở Tú Lệ rộn rã thập thình từ các cối giã.

Để làm ra những mẻ cốm dẻo, xanh, thơm ngọt, những cô gái Thái áo cỏm lưng thon ra đồng từ sớm tinh mơ lựa chọn những bông lúa to tròn, căng mẩy nhưng thân rơm vẫn còn xanh, gặt chúng về khi còn đẫm sương đêm rồi sau đó tuốt bằng tay một cách kỳ công và cẩn thận.

Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”
Những bông lúa nếp phải đủ tiêu chuẩn căng sữa, đủ độ chín mới được chọn làm cốm
Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”
Tuốt bỏ cọng rơm

Đồng bào Thái ở Yên Bái vẫn làm cốm theo cách truyền thống. Lúa được gặt vào sáng sớm, sau đó đem về ngâm trong nước lạnh để loại bỏ những hạt lép. Lúa làm cốm phải đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn chút sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt gạo chưa chín hết.

Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”
Giã cốm cũng là một nghệ thuật bởi nếu không nhanh, đều tay, cốm sẽ nát hoặc không đảm bảo độ mềm, dẻo

Hạt lúa non tuốt xong sẽ được đem đi rang ngay để đảm bảo cốm khi ra lò vẫn giữ độ xanh ngon. Bếp rang cũng được chuẩn bị công phu, chảo rang thường làm bằng gang đúc, khi rang để lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều, đợi nguội rồi mới đem đi giã. Có vậy, cốm mới giữ được độ mềm dẻo, thơm ngon mà không bị cháy.

Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”
Rang cốm là công đoạn quan trọng trong làm cốm

Tiếp đến là công đoạn giã cốm được thực hiện đồng thời bởi hai người. Một người nhịp chày, một người dùng đũa cả lớn đảo liên tiếp. Người giã phải nhịp đều chân, không được dùng lực quá mạnh hoặc quá nhẹ, người đảo phải phối hợp nhịp nhàng để cốm được giã đều. Khi trấu đã nứt vỏ khỏi lúa, cốm sẽ được múc ra khỏi cối để sảy vỏ. Công đoạn này được lặp đi lặp lại cho đến khi hạt cốm dẹt đều, tròn và không còn vỏ trấu.

Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”
Sau khi giã xong, cốm được mang sàng sẩy để tránh bị vón và hạt cốm rời ra, trở nên đẹp mắt hơn

Cốm Tú Lệ có màu xanh ngắt đặc trưng của lúa. Cốm ngon nhất lúc vừa làm xong. Hạt cốm dẻo quyện thơm và hậu vị có một chút đắng sau đó chuyển sang vị thanh và hơi ngọt. Du khách khó mà cưỡng lại mùi hương cốm xanh dẻo thơm, ngọt ngào như vẻ quyến rũ của người con gái Thái nước da trắng ngần, áo cỏm lưng thon nơi đây..

Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”
Cốm được đánh giá đạt chuẩn khi hạt cốm có màu xanh đặc trưng, thơm mát hương nếp non, vị ngọt thanh và độ dẻo quánh
Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”
Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”
Gói cốm trong những chiếc lá dong xanh để đảm bảo độ dẻo, thơm của cốm
Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”
Giá cốm dao động từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.

Mỗi độ thu về, đến thung lũng Tú Lệ, quý khách lại có dịp được thưởng thức món cốm nếp Tan mang hương vị tinh túy của núi rừngTây Bắc, gói ghém cẩn thận rồi mang làm quà khắp mọi miền gần xa, kết hợp nghỉ ngơi tại khu nghỉ dưỡng 4 sao có đẳng cấp hàng đầu Le Champ Tú Lệ Resort Hot Spring & Spa tọa lạc trên vùng đất Tú Lệ - Yên Bái. Đó ắt hẳn sẽ là lựa chọn hàng đầu khi bạn muốn tìm một địa điểm vừa thưởng thức tinh hoa ẩm thực vừa thư giãn, gần gũi với núi rừng thiên nhiên.

Nguồn: Yên Bái: Cốm Tú Lệ - xứng danh “tinh hoa ẩm thực”

Thanh Miền - Thanh Thủ

baoyenbai.com.vn