An Giang: Chắt chiu nguồn lực phát triển du lịch Châu Đốc

04:19 | 07/12/2022

|
Nhân chuyến tiếp xúc cử tri tại TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ vui mừng khi địa phương thu hút 4 triệu lượt khách, sau dịch bệnh COVID-19. Điều đó mở ra khả năng phát triển du lịch (DL) bền vững và chất lượng cao cho địa bàn. Nhưng, Phó Chủ tịch nước cũng “vừa mừng, vừa lo”. Nỗi lo lắng xoay quanh việc dịch vụ DL chưa nhiều, dân số chỉ hơn 100.000 dân. Nếu không có chiến lược tốt, đến lúc nào đó địa phương sẽ quá tải; lúc đó DL không còn là niềm vui, mà sẽ gặp khó khăn, thách thức.
An Giang: Nông dân tất bật vụ hoa TếtAn Giang: Nông dân tất bật vụ hoa Tết
An Giang: Tạo đòn bẩy để tỉnh phát triểnAn Giang: Tạo đòn bẩy để tỉnh phát triển

Mong mỏi của người dân xứ du lịch

Khu di tích, văn hóa, lịch sử và DL núi Sam được nhà nước công nhận cấp quốc gia năm 2018. Sau 5 năm, khu DL đã tạo tiền đề cho hoạt động DL, thương mại, dịch vụ của TP. Châu Đốc và phường Núi Sam. Số lượng du khách đến thành phố tăng từ 3 triệu lên gần 5 triệu lượt khách hàng năm.

Các hoạt động dịch vụ, thương mại trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Hàng hóa, đặc sản địa phương ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút sức mua của du khách. Các dịch vụ trên lĩnh vực DL như khách sạn, nhà nghỉ được người dân và doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Nhiều dự án đăng ký đầu tư trên lĩnh vực vui chơi, giải trí, phục vụ nghỉ dưỡng kết hợp thương mại, làm diện mạo và hoạt động khu DL thay đổi.

“Chúng tôi rất ghi nhận sự quan tâm và nỗ lực của thành phố, cùng sự hỗ trợ của tỉnh. Sự phát triển của DL giúp lượng du khách đến thành phố ngày càng đông. Điều đó dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông, an ninh trật tự, văn minh thương mại còn nhiều hạn chế... Nếu ngay từ bây giờ không tiến hành các dự án đầu tư, mở rộng đường trong nội ô; kêu gọi đầu tư điểm nghỉ dưỡng từ trung bình đến cao cấp, bãi đậu xe, điểm tổ chức lễ hội; mua sắm đặc sản và ẩm thực; điểm vui chơi, giải trí, nâng cấp một số danh lam thắng cảnh trên núi Sam… thì sẽ khó có được một TP. Châu Đốc DL trong tương lai” - một số cử tri phường Núi Sam bày tỏ.

Qua buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, bằng tiếng nói của mình tại nghị trường, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, chủ trương đầu tư cho Khu DL quốc gia núi Sam; đề nghị bộ, ngành Trung ương phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị kêu gọi xúc tiến đầu tư vào TP. Châu Đốc và khu DL này.

Cho một Châu Đốc khởi sắc

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi khẳng định, điểm sáng năm 2022 của địa phương là đón hơn 4 triệu lượt khách tham quan. Số lượng khách lưu trú chi tiêu trên địa bàn vượt kế hoạch năm. Khu DL quốc gia núi Sam là khu trọng điểm, là kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, địa phương hoàn thành hồ sơ đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để khu DL này được công nhận là quần thể di tích quốc gia đặc biệt; trình UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội văn hóa phi vật thể nhân loại đầu tiên của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL.

“Ý kiến của bà con đều đề nghị đầu tư tương xứng cho khu DL là rất xác đáng. Lãnh đạo thành phố đề ra 3 trụ cột cần quan tâm đối với DL, đó là: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho du khách. Đặc thù của Khu DL quốc gia núi Sam là nằm xen kẽ trong khu dân cư, còn nhiều bất cập. Do đó, chúng tôi đẩy mạnh đầu tư nhiều công trình để phát triển DL ngày càng hiệu quả” - ông Lâm Quang Thi bày tỏ.

Trong năm 2023, địa phương đầu tư xây dựng tuyến đường vòng công viên văn hóa núi Sam, từ đường Tân Lộ Kiều Lương, vòng sau cáp treo, nối vào khu Bến đá. Khi hoàn thành (năm 2025), công trình giúp giảm tải phương tiện giao thông vào nội ô (đường Châu Thị Tế), lập lại trật tự giao thông, lòng lề đường… những vấn đề bức xúc hiện nay của bà con.

Mặt khác, thực hiện đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (xuất phát điểm đầu ở TP. Châu Đốc), địa phương đã có quyết định, thông báo thu hồi đất, cắm mốc. Chỉ có 7 hộ nằm trong diện giải tỏa tái định cư, phần còn lại là đất nông nghiệp, địa phương quyết tâm bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, công trình khởi công vào giữa năm 2023 tại TP. Châu Đốc.

Hàng loạt công trình, dự án thu hút du khách vui chơi giải trí đang được lập quy hoạch, kêu gọi đầu tư, như: Dự án đường dẫn cầu Cồn Tiên; khu đô thị DL - thương mại 2 bên đường Tân Lộ Kiều Lương (hơn 840ha, tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng); khu đô thị trung tâm phường Châu Phú B (giải quyết vùng trũng, ngập úng).

Trong khả năng cân đối ngân sách, nguồn thu công đức miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, TP. Châu Đốc tiến hành chỉnh trang, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo, di dời chợ Châu Đốc, xây dựng các tuyến đường xung quanh chợ. Năm 2023, dự kiến khởi công xây dựng chợ Châu Đốc, sau thời gian dài hoạt động.

Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, cần nhìn một cách đầy đủ về tiềm năng, thế mạnh của TP. Châu Đốc trong vùng ĐBSCL và An Giang, để quy hoạch, phát triển đúng tầm. “Vùng đất này nhỏ nhất ở An Giang, nhưng có vị thế rất đặc biệt về văn hóa, di tích lịch sử riêng có. Một đô thị đẹp và năng động, thu hút khách DL đông, lại còn là đô thị biên giới, có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Ngoài ra, TP. Châu Đốc còn mang sứ mệnh cùng với TP. Long Xuyên trở thành vùng động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì thế, ngay từ bây giờ, địa phương cần xây dựng quy hoạch với sự xem xét tổng thể dài hơi, tầm nhìn xa, đúng vị thế hơn. Phải sử dụng hiệu quả, chắt chiu từng tấc đất, theo kế hoạch phát triển DL cụ thể” - bà Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ.

Cùng với đó, phải nâng tầm văn minh, văn hóa của người dân, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Phải làm sao để khi bước đến đây, du khách cảm nhận rõ nét văn minh, văn hóa của địa phương, song hành cùng văn hóa lịch sử truyền thống. Điều đó càng giúp quảng bá thương hiệu DL Châu Đốc đến bạn bè trong nước và quốc tế!

Nguồn: Chắt chiu nguồn lực phát triển du lịch Châu Đốc

Vạn Lộc

baoangiang.com.vn