An Giang: Tạo đà tiến bước năm 2023

04:15 | 17/12/2022

|
Tóm gọn lại những điều đạt được trong năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhắc đến “5 điểm nổi bật, 3 điểm cần khắc phục”. Nhìn về tương lai, rất nhiều cơ chế chính sách mới, chủ trương đột phá mới sẽ tạo nguồn lực mới để tỉnh tăng tốc trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
An Giang: Xây dựng và làm mới sản phẩm du lịchAn Giang: Xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch
An Giang thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc giaAn Giang thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia

Mức tăng trưởng cao nhất trước nay

Giai đoạn 2020-2021, ảnh hưởng đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt rất thấp; một số chỉ tiêu không đạt theo nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Bước sang năm 2022, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, mọi ngành, mọi nhà, mọi người hăng hái trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế, đưa văn hóa - xã hội trở lại bình thường.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức thời kỳ hậu COVID-19 vẫn còn tiếp diễn. Tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước chịu áp lực lạm phát tăng cao; giá nhiên liệu, vật tư đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân. Với tinh thần phấn đấu cao, nỗ lực lớn, UBND tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt; thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu nghị quyết (6 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt); tăng trưởng GRDP ước đạt 6,87%.

Trong 5 điểm nổi bật, nông nghiệp - bệ đỡ của nền kinh tế - tiếp tục trụ vững, tốc độ tăng trưởng đạt 3,16%. Đây là một trong những mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, vượt ngưỡng 3%. Kết quả trên đến từ việc cơ cấu lại nội ngành nông nghiệp đạt hiệu quả; sắp xếp và tổ chức lại các mô hình liên kết sản xuất; nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã vận hành và bắt đầu có sản phẩm mới tham gia thị trường.

Các thành tích nổi bật khác nằm ở hoạt động thương mại - dịch vụ (đạt mức tăng trưởng cao hơn trước đại dịch, mức bán lẻ tăng trưởng 12,43%; khách tham quan, du lịch tăng 212%; kim ngạch xuất khẩu vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra); công tác kiềm chế lạm phát - kiểm soát giá cả đạt hiệu quả (đóng góp rất lớn trong việc bình ổn thị trường, cung ứng và lưu thông hàng hóa). Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật được tổ chức thành công, tạo khí thế hân hoan, phấn khởi trong quần chúng nhân dân, tiếp thêm nguồn lực trong xã hội.Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã tiếp tục được đảm bảo quốc phòng - an ninh giữ vững…

Tạo áp lực để phát triển

Năm 2022 sắp kết thúc, vẫn còn đó vướng mắc, phải thẳng thắn nhìn nhận rồi tháo gỡ. Theo UBND tỉnh, để giúp kinh tế phục hồi, doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh, nhiều chính sách hỗ trợ được Trung ương ban hành. Tuy nhiên, công tác tham mưu cụ thể hóa và triển khai thực hiện trong một số lĩnh vực còn chậm, thậm chí có công chức nhà nước sợ việc - sợ sai - sợ khó. Một số vấn đề đã hứa với người dân, vẫn chưa thể hoàn thành…

“Với tinh thần quyết tâm cao và ý chí phấn đấu; đồng thời với khí thế đang dâng cao của cả hệ thống chính trị, UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND tỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cao hơn năm trước. Riêng chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt từ 7,0 - 7,5%. Đây là chỉ tiêu khá cao và áp lực rất lớn trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức” - Chủ tịch UBND tỉnh

An Giang

Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, toàn tỉnh tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm. Quan trọng nhất là 79 nghị quyết của HĐND tỉnh (ban hành trong năm 2022) cần được triển khai hiệu quả, kịp thời. Song song đó là nghiên cứu giải pháp hiệu quả để khắc phục 3 mặt hạn chế của năm cũ. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND trong thời gian tới; chất lượng giám sát của cử tri, đại biểu ngày càng đi sâu, sát những vấn đề của xã hội và bám sát hơi thở của cuộc sống; hiệu lực - hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

Cùng với đó, mục tiêu kép “vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả - vừa thúc đẩy, tăng trưởng kinh tế” phải được thực hiện song hành và đồng bộ. Tỉnh vừa phải triển khai chính sách hỗ trợ, nhưng phải đảm bảo nguồn lực để thực thi; sử dụng và phân bổ nguồn lực của nhà nước - của xã hội hài hòa và hợp lý để cân bằng 2 mục tiêu trên. Kiểm soát dịch nhưng không làm cản trở phát triển kinh tế; không vì phát triển kinh tế mà lơ là công tác phòng, chống dịch. Những kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch trong 2 năm qua đã cho chúng ta bài học sâu sắc này.

“Cần giải quyết tốt các vấn đề xã hội đang phát sinh trong đời sống nhân dân; đặc biệt sau thời kỳ hậu COVID-19. Đó là bất cập về chính sách an sinh xã hội và các đối tượng thụ hưởng; làn sóng nghỉ việc trong các lĩnh vực sự nghiệp công; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn; sự thay đổi trong đời sống xã hội và mối quan hệ trong cộng đồng…

UBND tỉnh sẽ nỗ lực, từng bước giải quyết vấn đề phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng vẫn hài hòa lợi ích cộng đồng, xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội, doanh nghiệp. Việc này cũng góp phần chuẩn bị tổ chức tốt Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023. UBND tỉnh tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện, đi đôi với việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa để phát huy vai trò và trách nhiệm người đứng đầu; khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và sự mong mỏi của nhân dân” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Nguồn: Tạo đà tiến bước năm 2023

Gia Khánh

baoangiang.com.vn