An Giang tập trung phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

04:19 | 02/03/2023

|
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. Qua đó, từng bước nâng cao vai trò, vị trí của người nông dân trên nhiều phương diện.
An Giang chăm lo cho hộ gia đình có công với cách mạngAn Giang chăm lo cho hộ gia đình có công với cách mạng
An Giang phát triển du lịch nông thônAn Giang phát triển du lịch nông thôn

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Hùng Cường cho biết: “Nghị quyết 26-NQ/TW đã tác động tích cực đến sự phát triển của nông nghiệp, nông dân nông thôn tại An Giang. Năm 2020, toàn tỉnh có 3/11 đơn vị cấp huyện là Thoại Sơn, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) hoặc đạt chuẩn huyện NTM. Về cấp xã, tỉnh có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, đạt 51,2%. Hiện nay, An Giang có 17 xã đạt 19 tiêu chí xã NTM nâng cao, 6 ấp đạt chuẩn ấp NTM và không còn xã dưới 9 tiêu chí”.

Theo ông Lê Hùng Cường, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế và đại dịch COVID-19. Ngành nông nghiệp ngoài việc đảm nhiệm vai trò an ninh lương thực còn mang về giá trị kim ngạch lớn.

Đến cuối năm 2020, diện tích lúa toàn tỉnh đạt hơn 637.000ha, tăng gần 73.000ha so năm 2008, với sản lượng lúa đạt hơn 4 triệu tấn. Nhờ chủ trương phát triển du lịch sinh thái và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp diện tích cây ăn trái tăng hơn 9.000ha, chủ yếu là cây xoài, với sản lượng 167.000 tấn.

Hội thảo về vai trò của nông dân trong thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

“Với sự quan tâm của các cấp, ngành, việc chăm lo an sinh xã hội được chú trọng với nguồn lực đầu tư từ ngân sách ngày càng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng, trình độ lao động được nâng lên. Dân cư nông thôn có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ, chính sách an sinh xã hội. Từ đó, người dân chủ động tham gia đóng góp sức người, sức của để cùng chung tay xây dựng NTM. An ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn được giữ vững, tạo tiền đề thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống” - ông Lê Hùng Cường cho hay.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp An Giang phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nội ngành còn chậm, sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng cao, việc ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn. Về hạ tầng, hệ thống giao thông hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Do đó, việc gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển du lịch, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu trong thời gian qua còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, quy trình chế biến nông sản còn thiếu, nhất là nhà máy chế biến rau quả trên địa bàn tỉnh còn ít. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là vùng dân tộc, tôn giáo.

Do đó, Hội Nông dân tỉnh An Giang đang nỗ lực triển khai những biện pháp đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp chính xác, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sang giai đoạn nâng chất. Tiếp tục nâng cao tư duy sản xuất, trình độ canh tác sản phẩm nông nghiệp, hướng đến nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, từng bước đưa người nông dân làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn.

“Chúng tôi vừa tổ chức Hội thảo về vai trò của nông dân trong thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá, đúc kết các điểm mạnh, điểm yếu của nông dân tỉnh nhà và đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả thời gian tới. Đồng thời, đề ra giải pháp tới, trọng tâm nhằm phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước nâng cao giá trị gia tăng trên từng sản phẩm nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp” - ông Lê Hùng Cường thông tin.

Ngoài ra, hội thảo cũng ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân về tầm quan trọng của vấn đề tri thức hóa và xây dựng năng lực sản xuất của nông dân; vai trò kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế thị trường; vai trò của Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp gắn với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng; chuyển đổi số trong nông nghiệp và giải pháp giúp nông dân tham gia chuyển đổi số.

Song song đó, đề xuất các giải pháp để nâng cao trình độ nông dân, giúp họ thực sự làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn; các giải pháp quan trọng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hợp lý, gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch.

“Trên tinh thần tiếp thu đầy đủ ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học và nông dân, chúng tôi sẽ tổng hợp và chuyển đến các bên liên quan để bổ sung vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) của Tỉnh ủy, góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân tỉnh và nhất là hội viên, nông dân trong mục tiêu đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn An Giang ngày càng phát triển, hội nhập” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Hùng Cường xác định.

Nguồn: An Giang tập trung phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

MINH QUÂN

baoangiang.com.vn