An Giang: Về biên giới cuối mùa nước

15:21 | 24/11/2023

|
“Con nước vơi đi, rồi nước lại đầy…” là hình ảnh riêng có của miền Tây. Dù nước đầy hay nước vơi, nhiệm vụ của lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), dân quân ở đầu nguồn vẫn trĩu nặng ngày qua ngày. Đó là gìn giữ nhịp sống bình yên cho Nhân dân, gìn giữ đất trời Tổ quốc.
An Giang: Đi chợ mùa nước nổiAn Giang: Đi chợ mùa nước nổi
An Giang nâng chất lượng giáo dục và đào tạoAn Giang nâng chất lượng giáo dục và đào tạo

Mọi hoạt động tuần tra, kiểm soát biên giới mùa nước nổi được thực hiện bằng vỏ lãi

Nước nổi sắp rời đi, cứ nhìn mực nước trên đồng giựt từng khúc chậm rãi là biết. Nhưng lưng lửng giữa mùa khô và mùa nước như thế càng gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng đầu nguồn, biên giới. Đường bộ vẫn đang “biến mất”; một số đoạn, vỏ lãi không di chuyển được vì “mắc cạn”.

Đường tuần tra từ xã Vĩnh Gia sang Lạc Quới (huyện Tri Tôn) chưa đầy 10km, nhưng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Vĩnh Gia (BĐBP tỉnh) phải “sang xe” nhiều bận: Ôtô nằm lại ngoài đường lớn, xe máy chạy “cà hụt cà hử” trên đường mòn nhão nhoẹt sình bùn. Gặp khu vực công trình đang thi công, tất cả đều phải bỏ xe, đi bộ bước thấp, bước cao.

Chạy lăng xăng theo chúng tôi một đoạn đường dài, sang tận ranh tỉnh Kiên Giang, chú chó tên Heo dường như rành địa bàn biên giới vô cùng. Vừa đi, Heo vừa nghểnh cổ nhìn nước ngoài đồng, nhìn người dân đang cày xới. Trung tá Đào Hồng Nam (Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Gia) chia sẻ: “CBCS ở tổ công tác nhận nuôi chú chó này chưa đầy 1 năm. Nhưng Heo siêng lắm, hễ CBCS đi tuần tra là tích cực chạy theo suốt. Nhờ vậy, chú chó thuộc lòng địa bàn phụ trách của đồn”.

Còn đối với anh, biên giới khu vực này rất đặc biệt. Mỗi đoạn lại có vẻ đẹp nên thơ từng mùa, từng thời điểm khác nhau. Chỗ này khi nước rút, sẽ phủ đầy màu bông rau muống tim tím. Chỗ nọ cứ rạng sáng, ráng chiều lại trắng tinh cánh cò. Những hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm trí lãng mạn của người lính biên phòng, sau nhiều ngày gắn bó với biên giới An Giang.

Dịch bệnh COVID-19 đã qua, đã phần nào nhạt nhòa trong tâm trí người dân. Nhưng rất nhiều CBCS vẫn phải bám trụ ở tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới. Hơn 3 tháng nay, trung úy Đỗ Văn Luân (Phó Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn) đang giữ trọng trách Tổ trưởng Tổ công tác số 3, trực 24/24 giờ tại khu vực mương Năm Lùn.

“Tôi sinh ra, lớn lên ở miền Bắc, rất lạ lẫm với mùa nước nổi nơi đây. Nhưng ở lâu, tôi dần quen, đôi lúc thích thú vì được trải nghiệm những điều chưa từng gặp trước đó, nhất là cảnh bà con đánh bắt cá trên đồng. Thời điểm này, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát người qua lại.

Xung quanh toàn là đồng nước, không còn ranh giới đường bộ, xuồng ghe thuận lợi di chuyển qua lại biên giới. Vì vậy, các tổ chốt lân cận thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với nhau. Hàng ngày, CBCS dùng vỏ lãi để tuần tra, kiểm soát biên giới, đi chợ, sinh hoạt, khá bất tiện nhưng mọi người đều cố gắng vì nhiệm vụ chung” - Luân chia sẻ.

Mùa khô, nhiều đối tượng lợi dụng đường mòn, lối mở để đai vác, vận chuyển, buôn lậu hàng hóa trái phép qua lại biên giới. Mùa nước nổi trắng đồng, các đối tượng chuyển sang dùng vỏ lãi chạy len lỏi trong tuyến kênh, rạch. Điển hình như chiều tối 1/11/2023, V.V.T (sinh năm 1980, ngụ phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) chở 5 chiếc xe đạp các loại bằng vỏ lãi, di chuyển hướng cầu Ranh Làng về cầu Cồn Tiên. Bị lực lượng BĐBP phát hiện, truy đuổi, bắt giữ, đối tượng T. khai nhận chở thuê số hàng trên để nhận 300.000 đồng tiền công.

Trong đợt kiểm tra toàn tuyến biên giới mùa nước nổi, đại tá Trần Quốc Khánh (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang) chia sẻ khó khăn với các tổ công tác, chốt quản lý, bảo vệ biên giới.

“Ngoài việc động viên CBCS nỗ lực vượt khó, tiếp tục bám trụ trên biên giới và địa bàn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên yêu cầu tăng cường đảm bảo phương tiện thủy để tuần tra, kiểm soát các tuyến đường thông qua biên giới; cùng với chú trọng giữ an toàn khi lưu thông, sinh hoạt trong môi trường sông nước. Cần ngăn chặn, mật phục, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, không để hình thành điểm nóng về tội phạm, buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép trên biên giới” - đại tá Trần Quốc Khánh thông tin.

Cùng với vai trò nòng cốt của lực lượng BĐBP, nhiều chốt dân quân thường trực được xây dựng kiên cố, góp phần quan trọng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ đường biên, mốc giới. Đảm nhận nhiệm vụ đặc thù, nên các chốt thường được đặt ở nơi xa dân cư, tầm nhìn bao quát khu vực biên giới. Cũng chính vì thế, khi nước nổi tràn về, chốt dân quân trở thành “ốc đảo”.

Nhìn từ xa, đã thấy lá cờ đỏ thắm của Chốt dân quân thường trực Chắc Ri (Ban Chỉ huy Quân sự phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc). Mỗi sáng, lá cờ được kéo lên, kiêu hãnh tung bay trong gió. Dân quân Võ Văn Thành bày tỏ: “Được sống trong thời bình, hiểu giá trị của cuộc sống bình yên, chúng tôi rất trân trọng khoảnh khắc kéo cờ trên chốt. Hoạt động này nhắc nhở từng CBCS phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, bám chốt bám địa bàn quản lý”.

Hoạt động canh gác, sinh hoạt của CBCS dân quân cũng khác biệt hơn ngày thường, chuyển sang gắn bó với con nước. Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Vĩnh Nguơn Trần Quốc Dũng thông tin: “Ngoài thực hiện nhiệm vụ chung của dân quân khu vực biên giới, chúng tôi còn thành lập Tổ tìm kiếm cứu nạn trong mùa nước nổi. Người dân mưu sinh thời điểm này thường gặp sự cố do thời tiết giông gió, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng chức năng.

CBCS thường xuyên dùng vỏ lãi độc lập hoặc phối hợp cùng lực lượng biên phòng, quân sự tuần tra địa bàn theo thẩm quyền”. Việc tăng gia sản xuất cũng mang đặc trưng của mùa nước nổi, khi CBCS thay phiên nhau giăng lưới đánh bắt cá xung quanh chốt. Mấy hôm nay, cá thưa hơn, báo hiệu con nước dần cạn.

Rồi mùa nước sẽ lặng lẽ trôi qua, trả lại nhịp sống thường nhật cho mùa khô. Rồi những chiếc vỏ lãi sẽ bớt được sử dụng, thay bằng xe máy cơ động. Rồi những chú chó “tuần tra” như Heo sẽ được thỏa thích chạy nhảy trên đồng. Nhưng nhiệm vụ của lực lượng chức năng trên tuyến biên giới vẫn chẳng có gì thay đổi, cứ kiên trì bám trụ giữ gìn đường biên, cột mốc, để lá cờ Tổ quốc mãi kiêu hãnh tung bay. Có khác chăng, là từng CBCS lại cộng thêm cho mình trải nghiệm thực hiện nhiệm vụ một mùa nước nổi nữa vào đời binh nghiệp…

Nguồn: Về biên giới cuối mùa nước

Gia Khánh

baoangiang.com.vn