Bến Tre: Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc rộn ràng mùa Tết

04:19 | 27/12/2022

|
Bập bùng ánh lửa trong sản xuất của Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh) và bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng) thuộc huyện Giồng Trôm đã xua tan không khí se lạnh những ngày giáp Tết. Bên cạnh những hộ dân sản xuất thủ công, truyền thống, làng nghề có nhiều hộ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ và chinh phục thị hiếu người tiêu dùng.
Bến Tre: Mỏ Cày Nam phấn đấu đến cuối năm giải ngân 100% vốn đầu tư côngBến Tre: Mỏ Cày Nam phấn đấu đến cuối năm giải ngân 100% vốn đầu tư công
Bến Tre: Tiếp tục chuyển đổi số sâu vào mọi khía cạnh cuộc sốngBến Tre: Tiếp tục chuyển đổi số sâu vào mọi khía cạnh cuộc sống

Nhân công lò bánh tráng Bảy Lan (ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh - Giồng Trôm) phơi bánh tráng.

Nhân công lò bánh tráng Bảy Lan (ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh - Giồng Trôm) phơi bánh tráng.

Bánh tráng Mỹ Lồng

“Trước đây tôi làm nem bì rồi chuyển sang tráng bánh hơn 40 năm với cách làm thủ công truyền thống. Khách đặt hàng ở gần sẽ đến tận nhà nhận hàng, ở xa thì gửi xe và nhận tiền qua chuyển thẻ ATM... Khi còn trẻ, tôi làm 40 lít gạo/ngày để tráng bánh (khoảng 1 thiên/ngày), nay lớn tuổi tôi làm vừa sức, khoảng 15kg gạo/ngày (300 bánh/ngày). Hồi trước, nạo dừa bằng bàn nạo trái khế, nay thì áp dụng máy ép nên tiến độ hoàn thành sản phẩm nhanh hơn. Giá dừa khô thấp nên người tráng bánh tăng thêm chút lợi nhuận và có nhiều hộ tráng bánh hơn lúc trước”, bà Nguyễn Thị Mẫu Đơn, 70 tuổi, ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh tâm sự.

Xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) có 2.593 hộ dân. Trong đó Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có khoảng 100 hộ tập trung sản xuất bánh tráng quanh năm, khoảng 200 hộ sản xuất vào dịp Tết. Hiện nay, đa phần các lò bánh được đầu tư máy móc sản xuất; chỉ còn khoảng 4 - 5 lò duy trì tráng thủ công truyền thống. Hợp tác xã (HTX) bánh tráng Mỹ Lồng có 105 xã viên, luôn quan tâm nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Bạch Lan (chủ lò bánh Bảy Lan), ấp Nghĩa Huấn cho biết, là một trong những hộ tiên phong ở địa phương về công việc tráng bánh, thâm niên gần 40 năm. Trước đây sản xuất truyền thống, nhưng 4 năm nay đã đầu tư máy móc công nghệ hiện đại. Có 20 lao động làm việc thường xuyên, 8 lao động làm theo thời vụ. Tiền công cho nhân công từ 350 - 400 ngàn đồng/ngày (bao ăn uống, sinh hoạt). Lò sản xuất theo đơn của khách hàng trong và ngoài nước, đa số là miền Tây (Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh...).

Bà Bảy Lan đã thuê người dân ở tỉnh Tây Ninh đan 4.000 tấm liếp để phơi bánh tráng (8 ngàn đồng/liếp, chưa tính chi phí vận chuyển). Chi phí đầu tư từ 8 - 9 triệu đồng/ngày, sản xuất khoảng 20 ngàn bánh tráng/ngày. Do bánh tráng sau khi phơi khô và mang vào phải qua hệ thống phun sương để làm dịu bánh nên bà đầu tư hẳn hệ thống phun sương tự động.

Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Sau đại dịch Covid-19, Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng dần phục hồi và định hướng phát triển khá tốt. Sản lượng sản xuất của làng nghề không kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường nên các lò sản xuất ở địa phương phải đầu tư máy móc để sản xuất. Đầu năm 2021, HTX bánh tráng Mỹ Lồng đã nâng chất và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm. Xã viên cùng nhau hùn vốn đầu tư máy móc sản xuất ra sản phẩm, không còn lấy bánh ngoài HTX.

Bánh phồng Sơn Đốc

“Năm 2000, gia đình tôi bắt đầu làm bánh phồng. Thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn do chưa am hiểu hết các công đoạn, chủ yếu là nướng bằng than. Đến năm 2005, tôi triển khai nướng bánh bằng hơi, đột phá kỹ thuật, được khách hàng ưa chuộng. Hiện nay gia đình tôi sản xuất bánh chủ yếu theo kiểu truyền thống, làm quanh năm, khoảng 2 thiên/tháng, vào dịp Tết thì 2,3 - 3,5 thiên/ngày theo đơn đặt hàng của khách. Gia đình tôi đang gom tiền để đầu tư máy móc sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất”, ông Võ Trung Hiệp (Út Xệ), ở Ấp 1, xã Hưng Nhượng bộc bạch.

Nhân công lò bánh phồng Sơn Đốc Út Xệ đang cán và xếp bánh chuẩn bị mang ra phơi nắng.

Nhân công lò bánh phồng Sơn Đốc Út Xệ đang cán và xếp bánh chuẩn bị mang ra phơi nắng.

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc có 51 hộ sản xuất (5 - 6 hộ dân sản xuất thủ công truyền thống, còn lại đều có máy móc hiện đại), mỗi lò giải quyết việc làm cho 7 - 10 lao động ở địa phương. Năm 2000, HTX bánh phồng Sơn Đốc thành lập nhưng hoạt động kém hiệu quả. Đến tháng 8-2022, HTX củng cố và đi vào hoạt động đạt hiệu quả. HTX có 20 xã viên, vốn điều lệ 200 triệu đồng. Phát triển công việc làm bánh phồng gắn liền công nghệ hiện đại cũng như đòi hỏi của thị trường tiêu thụ, tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Anh Lê Trúc Lâm (chủ lò bánh phồng Lâm), ở Ấp 1 chia sẻ: “Lò bánh của tôi được đầu tư máy móc và chuyển sang công nghệ hiện đại khoảng 10 năm nay. So với cách làm thủ công, việc áp dụng máy móc giúp giảm công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sản phẩm. Lò đang hoàn tất hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (huyện đã công nhận, tỉnh công nhận lần 1). So với mọi năm, hiện sản lượng đặt hàng tăng. Nhân công thường xuyên của lò trung bình 7 người, thu nhập khoảng 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng (tùy thuộc từng công đoạn).

Chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng Bùi Văn Một cho biết: HTX bánh phồng Sơn Đốc có 3 cơ sở tham gia OCOP (1 cơ sở được tỉnh công nhận, 2 cơ sở đang trong quá trình hoàn tất thủ tục). Khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm bánh phồng được nâng cao giá trị sản phẩm, vươn xa thị trường tiêu thụ và thâm nhập vào kênh tiêu thụ ở các siêu thị. Phát triển Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc gắn liền du lịch. Hướng tới, xã xây dựng phòng trưng bày về Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc nêu cao giá trị phi vật thể cũng như giới thiệu làng nghề đến cộng đồng.

Nguồn: Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc rộn ràng mùa Tết

Lệ Đệ

baodongkhoi.vn