Bến Tre: Định hướng phát triển công nghiệp ngành dừa

16:34 | 16/02/2023

|
Tỉnh hiện có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, với trên 78 ngàn ha, chiếm 40% diện tích dừa của cả nước, sản lượng 680 triệu trái/năm. Ngành nông nghiệp trồng dừa và ngành công nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa đang được các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm và ủng hộ phát triển. Riêng công nghiệp ngành dừa đã đề ra định hướng phát triển mang tính cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến TreĐồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre
Bến Tre: Lễ bàn giao mái ấm tình thương cho bà Võ Thị XuânBến Tre: Lễ bàn giao mái ấm tình thương cho bà Võ Thị Xuân

Sản xuất nước dừa xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex).Sản xuất nước dừa xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex).

Đa dạng sản phẩm

Trên nền tảng từ ngành chế biến dầu dừa thô, ngành công nghiệp chế biến dừa của tỉnh bước đầu đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ cơm dừa, nước dừa, nước cốt dừa... Nhờ công nghệ từ các nước trồng dừa du nhập vào, ngành chế biến dừa được phát triển và ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào chế biến dừa ở tỉnh, trong đó có DN trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre Trần Anh Tuấn cho biết: Các DN sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, gồm một số ngành chính như: chế biến vỏ dừa (chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ), chế biến gáo dừa (than hoạt tính, than thiêu kết, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa), chế biến cơm dừa (sơ chế cơm dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, dầu dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa), chế biến nước dừa (thạch dừa, nước dừa đóng hộp).

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre Trần Anh Tuấn, các DN đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Điển hình có Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre (Beinco), Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu… Betrimex quyết định đầu tư công nghệ tiệt trùng UHT (Ultra-high temperature processing) và “ép lạnh”, cho phép giữ nguyên hương vị tươi ngon của nước dừa mà không cần sự can thiệp của chất bảo quản hay chất tạo màu; Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới ứng dụng kho tự động chuyển đổi số…

Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành khẳng định, các DN ngành dừa đã khai thác tận dụng hầu như toàn bộ các nguyên liệu từ trái dừa, qua đó góp phần tạo ra các sản phẩm chế biến từ dừa ngày càng đa dạng. Các nhóm sản phẩm bao gồm nhóm sản phẩm chế biến tinh và kẹo dừa: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa đóng hộp, nước dừa đóng hộp, bột sữa dừa, than hoạt tính, dầu dừa nguyên chất, mặt nạ dừa, thạch dừa…

Số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa năm 2021 đạt khoảng 600 nhóm sản phẩm khác nhau được làm từ gỗ dừa, gáo dừa, xơ dừa, cọng dừa… Đây là dòng sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước và phục vụ ngành du lịch.

Sản phẩm từ dừa đã xuất khẩu với trên 30 nhóm sản phẩm. Thị trường xuất khẩu hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD/năm 2022.

Đầu tư công nghệ cao

Hiện nay, hoạt động chế biến dừa, tiêu thụ dừa trái ngày càng tăng, công suất chế biến đã vượt xa sản lượng dừa khô thu hoạch của tỉnh. Năm 2020 đã chế biến khoảng 584,7 triệu trái dừa, tương đương hơn 109% sản lượng dừa khô trái thu hoạch của tỉnh. Ngành công nghiệp chế biến dừa đang phát triển cả về quy mô và chất lượng chế biến sâu, quy mô DN ngày càng lớn, có nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Nguyễn Văn Đông Phương cho biết: Nhằm phát huy chuỗi giá trị từ dừa, nâng cao giá trị sản xuất và thương mại, UBND tỉnh khuyến khích, kêu gọi các DN chế biến dừa trong và ngoài nước đầu tư phát triển chế biến dừa theo hướng đầu tư công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao như cơm dừa sấy khô, sữa dừa, bột sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết, nước dừa giải khát và các sản phẩm từ dừa mang lại giá trị cao...

Kế hoạch phát triển của ngành dừa sẽ được tập trung hướng tới các mục tiêu như: Mở rộng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dừa có giá trị gia tăng cao; phát triển và duy trì sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất và giữa người tiêu thụ dừa; thu hút sự quan tâm của nông dân trồng dừa để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu. Bên cạnh là không ngừng nâng cao giá trị cây dừa, hỗ trợ đầu ra cho nông dân trồng dừa, đảm bảo ổn định và phát triển cho ngành dừa.

Tỉnh đang triển khai xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm về “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất sản phẩm từ dừa giai đoạn 2023 - 2025”. Dự toán kinh phí thực hiện trên 76 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 10,5 tỷ đồng, khuyến công tỉnh trên 6,9 tỷ đồng và đối ứng của đơn vị thụ hưởng.

Khi đề án được triển khai hoàn thành sẽ góp phần hỗ trợ ngành chế biến dừa trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời, đây là mô hình mẫu để nhân rộng sang các ngành công nghiệp thế mạnh khác của tỉnh và là mô hình điểm để các tỉnh bạn học tập làm theo.

Nguồn: Định hướng phát triển công nghiệp ngành dừa

Cẩm Trúc

baodongkhoi.vn