Bến Tre: Hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản

18:30 | 12/06/2023

|
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp như: triều cường, xâm nhập mặn, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, năng lực cạnh tranh của một số doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, nhưng với sự phấn đấu, quyết tâm cao và thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, quyết liệt, ngành nông nghiệp (NN) tỉnh đã thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết năm 2023 đạt kết quả nhất định.
Bến Tre: Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnhBến Tre: Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
Bến Tre: Mỏ Cày Bắc quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023Bến Tre: Mỏ Cày Bắc quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023

Đường nông thôn mới ở xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri.

Đường nông thôn mới ở xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri.

Phát triển nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị

Tình hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tương đối thuận lợi với tốc độ tăng trưởng đạt 3%. Công tác ứng phó với xâm nhập mặn được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, cùng với sự vận hành hiệu quả của hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt nên đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của xâm nhập mặn và không gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi. Đợt đỉnh triều cường trong tháng 1-2023 đã làm thiệt hại đến hoa màu, cây ăn trái, thủy sản của người dân. Trong đó, hoa màu bị ngập 46,32ha; vườn cây ăn trái bị ngập 9,35ha; muối bị ảnh hưởng 38,9ha; nuôi thủy sản bị ảnh hưởng 11,045ha, thất thoát khoảng 8,5 tấn cá, cua và 250 ngàn con tôm thẻ chân trắng; gia cầm thiệt hại 2.370 con gà. Cơ sở hạ tầng 1,1km kè biển bị ảnh hưởng do xói lở phía đồng; 36m đê bị sạt lở; 1km bờ bao khu vực sản xuất hoa màu bị ảnh hưởng… Các ngành, các địa phương đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ để khắc phục.

Về cơ cấu lại ngành NN gắn với chuỗi giá trị sản phẩm NN và xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác (THT), 67 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm NN chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan. Sản xuất NN từng bước chuyển đổi theo quy chuẩn sạch, an toàn, tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc... hướng đến phát triển thương hiệu cho sản phẩm NN tỉnh. Bên cạnh đó, ngành NN đã xây dựng và ban hành các kế hoạch về vùng sản xuất tập trung đối với dừa, heo, tôm biển và hoa kiểng. Trong đó, chuỗi dừa có 32 THT, 28 HTX trong vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa quy mô 5.648,6ha và 6.226 thành viên. Chuỗi bưởi da xanh có 7 THT, 13 HTX hình thành 20 liên kết với DN đầu ra diện tích 374,03ha. Chuỗi chôm chôm có 3 HTX và 22 THT tham gia liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 348,4ha. Chuỗi nhãn có 3 HTX, 260 thành viên với diện tích 98,5ha. Chuỗi xoài, đã xây dựng 2 liên kết giữa HTX và DN, với tổng diện tích liên kết 54,75ha. Chuỗi sầu riêng có 1 HTX, 2 THT tham gia liên kết với DN, tổng diện tích liên kết 208,09ha. Chuỗi cây giống - hoa kiểng có 13 HTX cây giống - hoa kiểng, diện tích 133,5ha. Chuỗi heo có 2 THT và 2 HTX với 134 hộ tham gia với khoảng 10.028 con. Chuỗi bò có 1 THT, 3 HTX có 218 hộ tham gia với khoảng 1.600 con bò. Chuỗi tôm, đến nay đã phát triển 2.567ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đạt 102,68% so với kế hoạch năm và thành lập 1 HTX nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Bình Đại với 30 xã viên tham gia.

Toàn tỉnh có 24.246,64ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; trong đó, dừa là 17.293ha, cây ăn trái 678,64ha, thủy sản 6.275ha. Toàn tỉnh có 28 vùng trồng được cấp 59 mã số với diện tích 550,18ha (bưởi, chôm chôm, xoài và sầu riêng).

Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Theo Phó giám đốc Sở NN và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, tuy 6 tháng qua có nhiều thuận lợi nhưng hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của DN gặp nhiều khó khăn do biến động nhu cầu thị trường, kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Giá cả một số mặt hàng nông sản giảm và kéo dài ảnh hưởng đến việc tái sản xuất, thu nhập của người dân. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Để tiếp tục phát triển NN theo hướng bền vững, trong thời gian tới, ngành tập trung vận động, hỗ trợ phát triển vùng sản xuất NN tập trung và phát triển nhanh diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (đạt ít nhất 500ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong năm 2023). Xây dựng một số vùng sản xuất tập trung gồm: phát triển 1.300ha dừa hữu cơ; cấp mới 10 mã số vùng trồng; 1 mã số cơ sở đóng gói; 3 cây đầu dòng; 20 vườn cây đầu dòng; 70% cây giống có nguồn gốc từ các vườn cây đầu dòng được công nhận đủ điều kiện. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai.

Phối hợp tổ chức Hội chợ các sản phẩm dừa và sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Bến Tre năm 2023. Xúc tiến thương mại sang thị trường Thái Lan. Vận hành có hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử “Đặc sản Bến Tre” để cung cấp trực tuyến các địa điểm sản xuất, phân phối nông sản của tỉnh. Hỗ trợ các DN kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp giải pháp thương mại điện tử và ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh

Hiện nay, toàn tỉnh có 80 xã NTM (trong đó có 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu), 16 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (TC), 41 xã đạt từ 10 - 14 TC và 5 xã đạt dưới 10 TC (do đánh giá lại theo TC mới); trung bình đạt TC trên xã là 16,2 TC/xã; huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM và TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ước đến cuối tháng 6-2023, toàn tỉnh sẽ công nhận thêm 9 xã NTM, 2 xã NTM nâng cao; lũy kế có 89 xã NTM (25 xã NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu). Trong 6 tháng, có 142 xã tổ chức thực hiện “Ngày Chủ nhật NTM”, huy động trên 73.051 lượt người tham gia, trong đó, người dân tham gia chiếm 58,4%, tổng kinh phí huy động trên 3,31 tỷ đồng.

Nguồn: Hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản

Huyền Thu

baodongkhoi.vn