Bến Tre: Một số mô hình kinh tế tuần hoàn

15:10 | 24/02/2023

|
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện Nghiên cứu phát triển KTTH, KTTH được dựa trên quan điểm tất cả đều là đầu vào của một chu trình sản xuất khác. Mô hình KTTH khác biệt với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống dựa trên việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ. Thời gian qua, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh đã thực hiện được khá nhiều mô hình KTTH rất hiệu quả trên các lĩnh vực sản xuất.
Bến Tre: Họp nghe báo cáo tình hình liên quan đến hoạt động hụiBến Tre: Họp nghe báo cáo tình hình liên quan đến hoạt động hụi
Bến Tre: Vinh danh, khen thưởng trí thức tiêu biểuBến Tre: Vinh danh, khen thưởng trí thức tiêu biểu

Sản xuất mặt nạ dừa xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, TP. Bến Tre.Sản xuất mặt nạ dừa xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, TP. Bến Tre.

Tận dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp

Công ty TNHH MTV Đất sạch Phú Hưng Thịnh, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre là một doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp (NN). Công ty chủ yếu tận dụng phụ phẩm, phế phẩm trong NN để sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ lại hoạt động sản xuất NN trong và ngoài tỉnh.

Ông Phan Gia Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đất sạch Phú Hưng Thịnh cho hay, mô hình này tận dụng phụ phẩm, phế phẩm NN như: mụn dừa, phân chuồng, xác bả thực vật, vỏ trái cây đưa về công ty để sản xuất ra các dòng sản phẩm chính đó là đất sạch, phân hữu cơ, phân vi sinh để phục vụ cho trồng trọt. Hai là dòng sản phẩm chế phẩm sinh học như ủ phân, xử lý môi trường, đệm lót, thức ăn chăn nuôi để phục vụ lại cho hoạt động chăn nuôi.

Trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, các phụ phẩm lại tiếp tục đưa về công ty để sản xuất tạo thành vòng NN tuần hoàn. “Nhận thấy nguồn nguyên liệu phụ, phế phẩm trong NN tại tỉnh rất đa dạng như: mụn xơ dừa (từ vỏ dừa), phân chuồng trong chăn nuôi (đàn bò Ba Tri), tro trấu, vỏ trấu… nếu được tận dụng và xử lý sẽ trở thành nguồn vật tư NN hữu cơ chất lượng để đưa trở lại vào vòng tuần hoàn NN. Đó sẽ là “chìa khóa” góp phần xây dựng một nền NN sạch và bền vững”, ông Phan Gia Thịnh chia sẻ.

Thành lập từ năm 2016, với hướng sản xuất như trên, sản phẩm của công ty được người tiêu dùng khắp nơi trong và ngoài tỉnh đón nhận mạnh mẽ, tạo động lực để DN liên tục phát triển qua từng năm. Đặc biệt, năm 2017, Phan Gia Thịnh được phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ công nhận là thành viên “Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” thuộc tổ chức YSEALI của Tổng thống Barack Obama…

“Chia sẻ khó khăn”, “sửa chữa”, “tái chế”

Theo TS. Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, huyện tập trung khai thác mô hình KTTH (Circular Economy) trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Trong đó, hiệu quả nhất là khai thác phụ phẩm của trái dừa là mụn dừa để làm giá thể sản xuất.

TS. Bùi Thanh Liêm chia sẻ: KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Sản xuất cây giống, hoa kiểng tại huyện Chợ Lách với các hoạt động từ trồng cây nguyên liệu, sản xuất, chăm sóc đã sử dụng nhiều các phế, phụ phẩm để tạo thành sản phẩm mới cung ứng cho thị trường loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình bao gồm tái sử dụng (reuse) phụ phẩm: Việc tái mụn dừa làm giá thể đã thu được các lợi ích từ kinh tế đến môi trường xã hội, trong đó ngoài việc giảm tiêu hao nguồn tài nguyên đất để sản xuất giống mà còn giải quyết trình trạng ô nhiễm cực lớn của vùng sản xuất dừa lớn nhất nước. Việc sử dụng lại các phụ phẩm như hạt trái cây tạo ra nguồn cung cấp gốc ghép và cành nhánh để làm mắc ghép tái tạo lại cây giống chất lượng cao phục vụ cho việc mở rộng diện tích trồng cây ăn quả của cả nước.

Tất cả các phế phẩm của một quy trình sản xuất tiêu dùng đều nên được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên (như thông qua quá trình ủ phân chất thải hữu cơ).

Từ các hoạt động sản xuất cây giống và hoa kiểng, có thể thấy việc ứng dụng mô hình KTTH dần dần trở nên một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất.

Nâng cao giá trị chuỗi dừa

Ông Nguyễn Trường Thịnh - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp) khẳng định: Toàn cảnh ngành dừa ở Bến Tre là một mô hình KTTH khi hầu hết những thành phần, cấu tạo của cây dừa đều được sử dụng trong một lĩnh vực nhất định.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các sản phẩm chế biến từ quả dừa của Bến Tre có thể hội nhập với thị trường thế giới. Cơm dừa trắng được xem là thành phần được nghiên cứu sử dụng nhiều nhất trong công nghiệp thực phẩm. Trước đây, vị béo của cơm dừa chỉ được dùng như một nguyên liệu trong món ăn, trong chế biến bánh kẹo… thì với công nghệ hiện đại, nước cốt dừa được chế biến, bao gói trong bao bì lon hay hộp giấy tiện dụng đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Dầu dừa nổi tiếng với nhiều công dụng đối với sức khỏe cũng được đầu tư sản xuất với đa dạng công nghệ và phương thức tách chiết. Các sản phẩm này không dừng lại ở việc sử dụng trực tiếp mà còn được sử dụng trong các ngành liên quan khác như mỹ phẩm, y học. Cùng với sự phát triển của các dây chuyền chế biến sử dụng cơm dừa làm nguyên liệu, nước dừa được thu hồi để trở thành nguyên liệu chính cho các cơ sở sản xuất thạch dừa, nước màu dừa…

Đặc biệt, với lớp cơm dừa nâu xấu xí những tưởng bỏ đi, nhưng Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã tạo ra sản phẩm dầu dừa thô. Đây là nguyên liệu chính trong việc sản xuất dầu dừa tinh luyện - sản phẩm mang giá trị kinh tế cao. Sản phẩm này như một minh chứng cho việc sử dụng triệt để nguồn nguyên liệu từ trái dừa tại Bến Tre.

Ngày nay, các sản phẩm chế biến từ phần bên trong của quả dừa phát triển thì các sản phẩm chế biến từ phần vỏ dừa cũng vô cùng đa dạng. Sản phẩm mụn dừa như một loại chất trồng tốt được sử dụng rộng rãi trong nước và xuất khẩu. Chỉ xơ dừa đã từ lâu trở thành sản phẩm chủ lực của nhiều địa phương tại Bến Tre gắn liền với thảm xơ dừa, đồ thủ công hay được nghiên cứu ứng dụng trong các ngành công nghệ cao như: gỗ ép từ vỏ dừa phục vụ trong ngành xây dựng, kiểm soát xói mòn đất…

Gáo dừa được ứng dụng làm chậu trồng, đồ thủ công mỹ nghệ… Rất nhiều nghiên cứu ứng dụng đối với thành phần vỏ dừa được công bố và mang tính thực tế cao như bê-tông gáo dừa, ứng dụng sợi dừa trong vật liệu composite. Đối với thân dừa và các thành phần còn lại trên cây dừa, hầu hết đều được biến hóa một cách khéo léo qua các tác phẩm nội thất, gia dụng, đồ thủ công...

Câu chuyện về sự tận dụng, sử dụng hiệu quả nguyên liệu từ cây dừa Bến Tre không phải là câu chuyện quá mới. Tuy nhiên, khái niệm KTTH còn được hiểu là việc xây dựng một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo. Khái niệm này hướng đến mô hình kinh doanh, các DN sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm và hệ thống sản xuất.

“Nắm bắt công nghệ và đi cùng xu hướng thị trường tiêu dùng, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới tự tin về việc xây dựng chuỗi sản phẩm từ dừa khép kín, đảm bảo sử dụng gần như trọn vẹn thành phần bên trong mỗi quả dừa. Sau mỗi dây chuyền sản xuất, phụ phẩm được nghiên cứu quay lại chuỗi sản phẩm khác với giá trị gia tăng cao”, ông Nguyễn Trường Thịnh cho biết thêm.

Hội thảo đã tập trung lắng nghe các tham luận chia sẻ về thực trạng và một số mô hình KTTH đang triển khai trong và ngoài tỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hồng Quân về KTTH trong các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo… tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Bến Tre.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện Nghiên cứu phát triển KTTH, có thể xem KTTH là một công cụ giải quyết bài toán kinh tế - môi trường, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước cho cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của thế giới, trong hiện tại và tương lai.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh cho biết, tiềm năng KTTH ở ĐBSCL và Bến Tre khá lớn. Diện tích và sản lượng khá lớn về nuôi trồng thủy sản, ngành dừa, các loại trái cây đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, công nghiệp chế biến không ngừng phát triển… là tiền đề quan trọng cho phát triển KTTH. Để đẩy mạnh KTTH, cần nhiều nỗ lực từ chính sách, giải pháp, bước đi của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là nhận thức.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ mong muốn thông qua hội thảo, chúng ta thay đổi cách nhìn, thay đổi nhận thức và hành động trong sản xuất. Sản xuất KTTH cũng là lợi thế của ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng. Lựa chọn KTTH là một giải pháp thông minh trong phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Nghiên cứu kỹ và chuyển nội dung chia sẻ tại hội thảo thành chương trình, kế hoạch cụ thể để thống nhất triển khai một cách cụ thể vào thực tiễn. Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, một trong những giải pháp cốt lõi là cần sự vào cuộc, đồng hành, liên kết chặt chẽ của 5 nhà: khoa học, ngân hàng, nhà nước, nông dân, doanh nghiệp.

Nguồn: Một số mô hình kinh tế tuần hoàn Bến Tre

Cẩm Trúc

baodongkhoi.vn