Bến Tre: Sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu

09:30 | 08/04/2023

|
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đang phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19, với nhiều tín hiệu khởi sắc. Trong năm 2022, đầu năm 2023 tác động biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh không đáng kể. Tuy nhiên, hiện tại và dự kiến trong thời gian tới, tỉnh chưa chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt thích ứng với xâm nhập mặn, nước biển dâng.
“Đồng Khởi mới" - niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao của mỗi người dân Bến Tre“Đồng Khởi mới" - niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao của mỗi người dân Bến Tre
Bến Tre: Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ khảo sát thực trạng cơ sở vật chất Công an, Quân sự huyện Chợ LáchBến Tre: Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ khảo sát thực trạng cơ sở vật chất Công an, Quân sự huyện Chợ Lách

Triển khai xây dựng đê bao cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại.

Triển khai xây dựng đê bao cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại.

Kết quả đạt được

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh, thời gian qua, một số công trình, dự án (CT, DA) trọng điểm thích ứng với BĐKH của tỉnh đang triển khai theo tiến độ như: DA Quản lý nguồn nước Bến Tre, DA Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng; Tiểu DA 4 - Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri nhằm thích ứng với BĐKH; Tiểu DA 5 - Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Thạnh Phú nhằm thích ứng với BĐKH; DA Xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú (giai đoạn 2); DA CSAT - Chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH tỉnh.

Các hoạt động tiêu biểu thích ứng với BĐKH khác như các mô hình trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả kinh tế và thích ứng BĐKH: Áp dụng giải pháp canh tác vườn chôm chôm trong điều kiện BĐKH theo hướng an toàn, chất lượng tại xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách quy mô 2ha với 3 hộ, 2021 - 2022; liên kết sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, quy mô 5ha với 15hộ, 2021 - 2022; áp dụng giải pháp canh tác vườn sầu riêng trong điều kiện BĐKH theo hướng an toàn, chất lượng tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, quy mô 4ha với 10 hộ; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị tại huyện Thạnh Phú... Đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt, lợ, mặn trên bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Quản lý tổng hợp môi trường các hồ chứa nước ngọt trong điều kiện BĐKH và xâm nhập mặn: triển khai hoàn thành nhiệm vụ đánh giá hiện trạng và đề xuất quản lý tổng hợp môi trường hồ chứa nước ngọt Ba Lai trong điều kiện BĐKH và xâm nhập mặn.

Trong năm 2022, UBND tỉnh bố trí khoảng 790 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư các công trình góp phần phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH như: Kè chống xói lở bờ sông Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam; kè sạt lở bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre; DA Củng cố, nâng cấp và bổ sung khép kín tuyến đê biển huyện Bình Đại; nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp; khu neo đậu tránh trú bão tàu cá kết hợp cảng cá Ba Tri; DA Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng; xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú; đê bao ngăn mặn ven sông Hàm Luông; DA Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long WB9; xây dựng Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri...

Giải pháp công trình và phi công trình

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, DA đã xác định theo Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đảm bảo triển khai theo tiến độ các DA ứng phó xâm nhập mặn. Xây dựng, kiểm khai kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ các nguồn nước quan trọng trên địa bàn tỉnh. Duy trì, trồng và bảo vệ rừng ven biển của tỉnh. Tiếp tục thí điểm, nhân rộng các mô hình canh tác thích ứng BĐKH, xâm nhập mặn. Triển khai DA chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH: Thường xuyên giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng BĐKH tỉnh; rà soát các cơ sở phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Duy trì thường xuyên công tác truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực thích ứng BĐKH.

“Tỉnh đề xuất với các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các DA, công trình thủy lợi để sớm đưa vào phục vụ ngăn mặn, kiểm soát nguồn nước như: DA Quản lý nước Bến Tre, Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ sản xuất dân sinh. Để thực hiện tốt các quy định pháp luật về BĐKH theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn dưới luật, kiến nghị Cục BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường và sớm thực hiện công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương trong quản lý giảm phát thải khí nhà kính, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng khí quyển, chất gây hiệu ứng nhà kính, thẩm định kiểm kê phát thải cấp cơ sở; hướng dẫn cụ thể thực hiện công tác giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH địa phương”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết thêm.

Nguồn: Sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu

Hữu Hiệp

baodongkhoi.vn