Bến Tre: Về Đề án Làng dừa huyện Mỏ Cày Nam

07:23 | 14/01/2023

|
Dự án có điểm đầu từ Trung tâm Chính trị hành chính huyện (Khu phố 1, ngã ba sông Mỏ Cày) phát triển theo hướng Tây Nam dọc theo sông Mỏ Cày đến Vàm Thom, dọc sông Cổ Chiên, điểm cuối là bến phà Cổ Chiên với tổng chiều dài hơn 11,3km. Dự án đi qua địa phận thị trấn Mỏ Cày và các xã Tân Hội, Đa Phước Hội, An Thạnh, Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc) và Thành Thới B, theo đó đảm bảo phù hợp quy hoạch chung, tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bến Tre: Bưởi da xanh VietGAP Hòa LộcBến Tre: Bưởi da xanh VietGAP Hòa Lộc
Bến Tre: Khách hàng vẫn ưa chuộng trái cây khắc chữBến Tre: Khách hàng vẫn ưa chuộng trái cây khắc chữ
Về Đề án Làng dừa huyện Mỏ Cày Nam
Chợ dừa trên sông Thom. Ảnh: H. Trung

Tiềm năng liên kết phát triển du lịch

Mỏ Cày Nam từ lâu được mệnh danh là quê hương Đồng Khởi, cách TP. Bến Tre 25km đường bộ. Nơi đây mang nét đẹp nguyên sơ với những vườn dừa xanh thẳm, dấu ấn chiến tích lịch sử hào hùng của người dân Mỏ Cày Nam, huyện còn là nơi sản xuất sản phẩm chủ lực là dừa, đặc trưng nhất là chợ nổi dừa và làng nghề khai thác dừa dọc sông Thom. Những yếu tố này mang đến cho Mỏ Cày Nam những nét riêng, tạo sự lý thú khi du khách đặt chân đến nơi đây. Huyện Mỏ Cày Nam là trung tâm điểm của cụm du lịch cù lao Minh, liền kề với các huyện như Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách. 4 địa phương này đã hợp tác phát triển du lịch cù lao Minh với chủ đề “Một hành trình, bốn điểm đến”, đưa các sản phẩm đặc trưng của vùng vào phục vụ hoạt động du lịch. Ngoài đường bộ, du lịch huyện Mỏ Cày Nam còn có thể đi tàu từ TP. Bến Tre, ra sông Hàm Luông qua Vàm Nước Trong qua sông Mỏ Cày đến sông Thom, nơi đây nổi tiếng với các cơ sở chế biến và sản xuất dừa dọc hai bên sông.

Cùng với đó là dòng sông Mỏ Cày và sông Thom - dòng sông lịch sử đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ người dân Bến Tre. Từ một kênh đào nhỏ, sông Mỏ Cày và sông Thom ngày nay đã dần thay đổi diện mạo với quang cảnh mua bán tấp nập các sản phẩm từ dừa trên sông; hai bên bờ là làng nghề khai thác dừa được trải dài trên 3km. Dọc hai bờ sông Thom của hai huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam là nơi tập trung nhiều hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp dựa trên đặc trưng thế mạnh của địa phương là dừa.

Bà Lê Thị Thảo, một du khách từ Quận 8, TP. Hồ Chí Minh trong một lần đến dòng sông Thom, trải nghiệm chợ dừa phấn khởi cho biết, bà là người Sài Gòn đã đi nhiều nơi nhưng khi đến chợ dừa này làm cho bà thấy phấn khởi vô cùng. Quả thật trăm nghe không bằng mắt thấy, nghe nhiều về xứ Dừa nhưng nay về Bến Tre, đến vùng đất lịch sử này mới thấy được quê hương của xứ Dừa.

Việc triển khai đề án ngoài việc thúc đẩy phát triển du lịch ngay khu vực triển khai đề án còn tác động thúc đẩy phát triển các điểm du lịch chính ở Bến Tre như: Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Mỏ Cày Bắc), Khu di tích Quốc gia đặc biệt đồng khởi Bến Tre (Mỏ Cày Nam), Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển, bãi biển Thạnh Hải, Làng nghề nón lá Mỹ An (Thạnh Phú)… Ngoài ra, còn tác động đến sự phát triển du lịch của các tỉnh, thành lân cận như: Trà Vinh, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Ông Phạm Văn Minh, ngụ ấp Vĩnh Khánh, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam là người dân sống cố cựu tại vùng đất này cho biết: Chợ nổi dừa có từ mấy chục năm trước tại khu vực này do thuận lợi từ đường thủy đến đường bộ. Thương lái thu mua dừa không chỉ ở địa phương mà còn đến từ các tỉnh như: Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang... vận chuyển bằng đường thủy đến đây bán cho các cơ sở dọc hai bên bờ sông. Ngoài ra, chợ nổi dừa hoạt động nhộn nhịp đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với nhiều công việc như: lột dừa, gọt cơm dừa, phơi chỉ xơ dừa...

Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam là các huyện trung tâm của các tuyến liên tỉnh từ TP. Bến Tre sang Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách và đi TP. Vĩnh Long cũng như từ TP. Bến Tre qua Mỏ Cày Nam và đi TP. Trà Vinh. Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam còn là tâm điểm của các tuyến nội tỉnh như TP. Bến Tre đến Chợ Lách và huyện Thạnh Phú. Đây là trung tâm phát triển thương mại dịch vụ đường bộ và đường sông tại tỉnh Bến Tre, cũng là nơi có sản phẩm đặc trưng của dừa, nhất là chợ nổi dừa sông Thom và làng nghề khai thác dừa dọc sông Mỏ Cày và sông Thom. “Cù lao Minh - Một hành trình, bốn điểm đến” là tên gọi sản phẩm du lịch mới, đặc trưng và mang tính chất liên kết vùng của các huyện thuộc khu vực cù lao Minh, gồm: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn.

Tận dụng khai thác thế mạnh từ dừa

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam, hiện tổng diện tích ranh khu vực nghiên cứu là 352ha. Tỉnh có tổng diện tích trồng dừa 77.232ha, lớn nhất cả nước, đóng góp 41% sản lượng sản xuất cả nước, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 về xuất khẩu dừa trên thế giới. Ba huyện Giồng Trôm - Mỏ Cày Nam - Mỏ Cày Bắc chiếm 59,5% tổng diện tích trồng dừa của tỉnh với tổng sản lượng khoảng 380 ngàn tấn, chiếm 61,7% sản lượng toàn tỉnh và 25,3% sản lượng cả nước. Mỏ Cày Nam là huyện có diện tích dừa nhiều thứ hai trong tỉnh, với 17.000ha, chỉ sau huyện Giồng Trôm. Tỉnh hiện có 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực là nước cốt dừa, cơm dừa sấy, nước dừa đóng hộp và than hoạt tính.

Về Đề án Làng dừa huyện Mỏ Cày Nam
Sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu ven sông Thom. Ảnh: Hoàng Trung

Ông Nguyễn Văn Chín, 46 tuổi nhưng có thâm niên hơn 30 năm làm thuê tại chợ nổi dừa cho biết: “Ở đây phụ nữ hay đàn ông đều có công việc tính theo sản phẩm phù hợp với sức mình, thu nhập từ 150 - 300 ngàn đồng/ngày. Công việc rất vất vả nhưng được cái có công việc thường xuyên để nuôi sống gia đình”. Ông Chín là thế hệ thứ hai làm nhân công cho các cơ sở dọc hai bên bờ sông Thom. Cứ như vậy, hết thế hệ này đến thế hệ khác tiếp nối giúp nghề mua bán, sơ chế dừa tại đây ngày một phát triển.

Riêng sông Mỏ Cày có tổng chiều dài 18km nối liền từ vàm Nước Trong sông Hàm Luông đến vàm Thom, sông Cổ Chiên; trong đó có đoạn qua thị trấn Mỏ Cày, Tân Hội, Đa Phước Hội, An Thạnh, An Thới B, tổng chiều dài khoảng 7km. Trên đoạn này tập trung các cơ sở chế biến từ dừa gồm các xã Tân Hội, Đa Phước Hội, An Thạnh, Thành Thới B với 60 cơ sở, 20 doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như: chỉ xơ dừa, cơm dừa, dừa hột. Hàng năm,với sản lượng chỉ xơ dừa 40 ngàn tấn/nắm, cơm dừa 10 ngàn tấn/năm, xuất khẩu dừa hột 132 triệu trái/năm, giải quyết khoảng 5 ngàn lao động.

Ngoài ra, trong khu vực còn có khoảng 1 ngàn hộ dân tham gia xe chỉ, dệt thảm xơ dừa. Riêng địa bàn ấp Vịnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc) nằm cặp dòng sông Thom có 20 cơ sở, 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng từ dừa, sản lượng chỉ xơ dừa hàng năm khoảng 20 ngàn tấn/năm. Hàng ngày trên đoạn sông khu vực có khoảng hơn 100 ghe, thuyền chuyên chở thu mua, cung cấp mặt hàng dừa.

Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thạnh Tân Đặng Văn Thịnh cho biết: “Làng nghề dọc sông Thom có từ lâu đời cùng với sự phát triển chợ nổi dừa. Hiện tại, làng nghề giải quyết cho trên 500 lao động trong và ngoài xã. Tại làng nghề có 1 đơn vị sản xuất sản phẩm xà bông dừa và tranh dừa đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao”.

Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Võ Văn Út cho biết: Toàn huyện đã hình thành 11 điểm tham quan du lịch, thu hút một lượng khách du lịch trong và ngoài huyện đến tham quan. Các di tích lịch sử trên địa bàn huyện như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đồng khởi, Di tích cấp Quốc gia chùa Tuyên Linh cùng với các sản phẩm du lịch khác như: chợ nổi dừa sông Thom, khu du lịch sinh thái cồn Thành Long, cơ sở sản xuất kẹo dừa Tuyết Phụng… Các điểm tham quan đang phát triển tốt hướng đến việc phát triển bền vững, các công ty lữ hành cần kết hợp, mở rộng để khai thác giá trị của các sản phẩm du lịch để phát huy các tiềm năng và lợi thế của sản phẩm nơi đây.

Liên kết phát triển du lịch theo hướng cộng đồng

Với lợi thế có điều kiện thiên nhiên, du lịch của huyện phát triển theo hướng bền vững gắn với cộng đồng, cơ sở vật chất hạ tầng ngày càng được nâng cao, tuyến đường quốc lộ 60 được nâng cấp, xây dựng và đi vào hoạt động thuận lợi cho các tuyến đường từ Bến Tre đi liên tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh hoặc tuyến nội tỉnh TP. Bến Tre đi các huyện Chợ Lách, Thạnh Phú. Các cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng được đầu tư trang thiết bị vật chất kỹ thuật, chất lượng phục vụ không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch ở huyện chưa khai thác hết, công tác phối hợp đề án phát triển du lịch còn chậm triển khai. Phương tiện, nguồn lực, vật lực để phục vụ du khách còn chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tính chuyên nghiệp và khá lúng túng. Chưa kêu gọi được các nhà đầu tư phát triển du lịch lớn để xây dựng khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng.

Ông Võ Thanh Sơn - Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Các tỉnh miền Tây, du lịch sinh thái miệt vườn khá giống nhau do địa hình, điều kiện thiên nhiên tương đồng. Để tạo sự khác biệt, đa dạng các loại hình du lịch, tỉnh đang hướng tới xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái xứ Dừa”, lấy cây dừa làm trung tâm. Trong đó, các tỉnh trong khu vực có nhiều chợ nổi như: Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)... bán nhiều mặt hàng nông sản nhưng chỉ duy nhất chợ nổi dừa ở dòng sông Thom tại Bến Tre. Đây là sự khác biệt để thu hút khách du lịch đến với Bến Tre.

Tại khu vực sông Thom, tỉnh đã chuẩn bị thực hiện Đề án Làng dừa huyện Mỏ Cày Nam để thu hút các dự án đầu tư với diện tích hơn 350ha. Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Võ Văn Út cho biết: Đề án đã được HĐND tỉnh thông qua và đang thực hiện kêu gọi đầu tư. Mục tiêu của đề án là góp phần đưa khu vực này trở thành trung tâm dừa của tỉnh, giữ gìn tinh hoa nghề dừa kết hợp với phát triển du lịch, thương mại và đô thị. Đồng thời, định hướng các không gian chức năng phát triển và làm cơ sở cho các quy hoạch ngành và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

Đề án “Làng dừa huyện Mỏ Cày Nam” có 4 phân khu chính: Phân khu I (Khu phố thương mại dịch vụ, thông tin du lịch), gồm: trung tâm dịch vụ, thông tin du lịch làng dừa; coffee - nhà hàng; khách sạn resort 4 sao. Phân khu II (Khu tổ hợp đặc trưng về dừa) gồm: tổ hợp dừa (chợ nổi - khu chế biến, trao đổi hàng hóa; quảng trường dừa; nhà hàng F&B); khách sạn - resort ven sông 4 sao; khu biệt thự sinh thái vườn sông. Phân khu III (Khu bảo tàng Dừa MeKong và cảnh quan sông nước), gồm: Bảo tàng Dừa và cải tạo nâng cấp làng nghề dừa; kè và hệ thống đi bộ ven sông kết nối chuỗi dự án. Phân khu IV (Khu dân cư ven sông), gồm: resort 5 sao với bến đậu thủy phi cơ; khu dân cư ven sông.

Nguồn: Về Đề án Làng dừa huyện Mỏ Cày Nam

Hữu Hiệp - Hoàng Trung

baodongkhoi.vn