Cà Mau: Ngăn dòng bỏ học

04:10 | 27/09/2023

|
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và chính quyền địa phương, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Ngọc Hiển được thông suốt, các em học sinh đến trường thuận lợi hơn. Tuy nhiên, hiện nay một số điểm trường vẫn còn nhiều em đi học bằng phương tiện thuỷ, rất khó khăn khi nước ròng và là nỗi lo kinh tế cho gia đình.
Cà Mau: Nuôi cua trong hộp nhựaCà Mau: Nuôi cua trong hộp nhựa
Cà Mau: Phát huy nguồn nhân lực trẻ trong kỷ nguyên 4.0Cà Mau: Phát huy nguồn nhân lực trẻ trong kỷ nguyên 4.0

Trường Tiểu học 2 xã Viên An Ðông, thuộc ấp Kinh Ráng, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển, là điểm trường chính, không quá xa trung tâm xã nhưng nhiều năm nay các em học sinh phải đến trường bằng phương tiện thuỷ. Do địa bàn có nhiều kênh rạch, lòng sông thường xuyên bị bồi lấp, một số nơi chưa có lộ bê tông nên hành trình tìm con chữ của học sinh nơi đây còn lắm gian nan. Vì lo lắng cho quãng đường đến trường của con em mình trên sông nước nên nhiều phụ huynh phải cùng con đến lớp, hay những lúc nước ròng, vỏ lãi không thể cập bến, phụ huynh phải lội bùn cõng con đi tìm cái chữ.

Phụ huynh đẩy xuồng ra bến sau khi hoàn thành nhiệm vụ bắc cầu nối đuôi cho học sinh lên xuống.

Ông Tạ Hoàng Bão, ấp Kinh Ráng, xã Viên An Ðông, ngày 2 buổi đưa con đến trường. Mỗi khi rơi vào con nước ròng, ông Bão chỉ biết xắn quần lội bùn cõng con đưa lên bờ đi học. Ông Bảo chia sẻ: "Nước ròng phải cõng con lên bờ, chớ không có cách nào khác. Mùa nắng còn đỡ, gặp trời mưa thì ướt cả mình. Nhà xa trường, phải đi sớm hơn 1 tiếng đồng hồ để không bị mắc cạn”.

Bà Trịnh Thị Vĩnh, ấp Ðồng Khởi, xã Viên An Ðông, bày tỏ: “Từ nhà tôi đến trường mất khoảng 15 phút đi đò, không yên tâm để cháu một mình trên sông nước nên ngày nào tôi cũng đưa đi và đợi rước cháu về. Những lúc nước ròng, buổi trưa chúng tôi phải ở lại trường để đợi đến buổi học sau. Các cháu không có chỗ nghỉ ngơi, chỉ ăn tạm cái bánh để vô học. Ðể có con chữ, phụ huynh và các em đều vất vả, nhưng vì tương lai của con em mình, ai cũng chịu khó đưa rước con để không bị bỏ lỡ buổi học”.

Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học 2 xã Viên An Ðông, điểm trung tâm có trên 200 học sinh, học sinh con hộ nghèo, cận nghèo đi học bằng đò, nhà trường đã lập danh sách gởi về trên để các em được hỗ trợ chi phí đi lại, tiếp sức cho các em đến trường. Ngoài ra, nhà trường cũng kiến nghị đến chính quyền địa phương xin chủ trương nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy để phương tiện di chuyển thuận tiện hơn, các em không còn vất vả khi đến trường.

Thầy Huỳnh Văn Thơi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 xã Viên An Ðông, cho biết: “Từ chỗ mắc cạn đến cổng trường khoảng 30 m, dù nhà trường đã nạo vét nhiều lần nhưng do đất bồi nên lúc nước cạn các phương tiện không thể vô bến được, rất khó khăn. Phụ huynh phải dùng xuồng làm cầu nối nhau, đưa các em lên bờ. Hôm nào ít xuồng đưa đón, phụ huynh đành cõng con lên bến”.

Để đưa các em lên bờ nhiều phương tiện nối đuôi nhau thành một hàng dài để thay thế cầu thang lên xuống.

"Nhà trường đã xin chính quyền địa phương hỗ trợ bắc cầu ra xa hơn để các em lên xuống thuận lợi, nhưng nối cầu ra xa khi nước lên lại ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho các phương tiện qua lại, phương án này không khả thi. Vấn đề quan trọng là chính quyền sớm xây dựng lộ bê tông cho ấp Kinh Ráng (dài khoảng 5 km) mới có thể giải quyết được vấn đề học sinh đi học bằng đường thuỷ", thầy Thơi kiến nghị.

Ông Lê Xuân Hùng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Hiện nay, trên địa bàn huyện còn nhiều học sinh đi học bằng phương tiện thuỷ. Ngay từ đầu năm, Phòng Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo các điểm trường rà soát số lượng này để hỗ trợ chi phí, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt nỗi lo về kinh tế, tiếp thêm một phần động lực để các em được học tập, ngăn dòng bỏ học giữa chừng”.

Cõng con xuống xuồng sau khi tan học

Hành trình tìm con chữ của các em học sinh tiểu học ở vùng sông nước còn lắm khó khăn, nhưng phụ huynh vẫn quyết tâm cho con em mình đến trường để có ngày mai tươi sáng./.

Nguồn: Ngăn dòng bỏ học

Hồng My - Chí Hiểu

baocamau.vn