Cà Mau: Nghĩa tình keo sơn

14:15 | 02/03/2024

|
Ngày 23/1/1960, hưởng ứng phong trào Bắc - Nam kết nghĩa do Trung ương Ðảng và Bác Hồ phát động, tỉnh Bạc Liêu (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) đã kết nghĩa với tỉnh Ninh Bình, hình thành nên mối quan hệ nghĩa tình thuỷ chung, son sắt suốt 64 năm qua. Lớp lớp thế hệ người Ninh Bình tại Cà Mau đã cùng chung sức vun đắp, tô thắm và kiến tạo những giá trị mới để nghĩa tình Cà Mau - Ninh Bình kết thành mùa nối mùa “hoa thơm, trái ngọt”.
Cà Mau: Chống khai thác IUU - Phải quyết liệt hơnCà Mau: Chống khai thác IUU - Phải quyết liệt hơn
Cà Mau: Người nuôi cá bổi lo ngại trước vụ mớiCà Mau: Người nuôi cá bổi lo ngại trước vụ mới

Những dấu ấn khó phai

Với ông Trần Kim Chung, Trưởng ban Liên lạc Ðồng hương Ninh Bình tỉnh Cà Mau, quê cha đất tổ Ninh Bình và mảnh đất cưu mang, nuôi dưỡng, đi suốt cuộc đời ông là Cà Mau đã cùng tạo thành "quê hương" theo nghĩa thiêng liêng nhất. Vào Cà Mau năm 1960, ông Trần Kim Chung và nhiều người con Ninh Bình đã sống, chiến đấu, hy sinh cùng với đất và người Cà Mau để đi đến chiến thắng vinh quang, trọn vẹn.

Làm sao quên những năm kháng Mỹ cam go, khốc liệt, những người con Ninh Bình đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chiến đấu, công tác, kề vai sát cánh với Cà Mau đánh đuổi giặc thù. “Ðó là ông Nguyễn Văn Huệ, ông Phạm Như Cương (đội chiếu bóng lưu động); Nhà giáo Tạ Khánh, nguyên Hiệu trưởng Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình; thương binh Trịnh Quang Ðông, chiến sĩ D10...”, ông Trần Kim Chung bồi hồi chia sẻ.

Ông Trần Kim Chung (bên phải), một trong những người con Ninh Bình sâu nặng nghĩa tình và chọn Cà Mau là quê hương thứ hai để đi hết cuộc đời.

Sau khi đất nước thống nhất, Trung ương Ðảng và Chính phủ có chủ trương thực hiện phân bố lại lao động, dân cư cả nước, coi đây là nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới; là cuộc vận động quần chúng toàn diện, sâu sắc với nhiệm vụ khai hoang, phục hoá phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Năm 1977-1978, tỉnh Ninh Bình đã tập trung tuyên truyền, vận động, tổ chức đưa dân gồm những người trong độ tuổi lao động ở khắp các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện: Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, Hoa Lư vào xây dựng các vùng kinh tế mới ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt là Minh Hải.

Trong tổng số 9 nông trường quốc doanh và 6 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động tại Minh Hải, người Ninh Bình có mặt ở hầu khắp, tập trung ở các huyện: Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và Phú Tân.

Ông Trần Kim Chung hồi nhớ: “Khi ấy, tỉnh Minh Hải đã chí nghĩa, chí tình hỗ trợ bà con Ninh Bình trong buổi đầu khó khăn về điều kiện làm việc, sinh sống, lao động sản xuất. Ðặc biệt, tình cảm quý mến, thương yêu, đùm bọc của cán bộ, đồng bào Cà Mau đã giúp người Ninh Bình sớm làm quen, thích nghi với cuộc sống mới”.

Những năm tháng khó khăn sau giải phóng, Cà Mau đã đón hàng trăm cán bộ của tỉnh Hà Nam Ninh được tăng cường, điều động về hỗ trợ, cống hiến. Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã điều động 3 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Hà Nam Ninh bổ sung vào Tỉnh uỷ Minh Hải (đồng chí Tạ Quang, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình; đồng chí Hà Công Trường, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh; đồng chí Ðinh Gia Huấn, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh). Các đồng chí tiếp tục giữ những trọng trách công tác quan trọng tại Minh Hải và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao bằng "tất cả con tim, khối óc".

Ðặc biệt, năm 1978, tỉnh Hà Nam Ninh đã điều động tăng cường 400 giáo viên, giáo sinh bổ sung kịp thời cho đội ngũ giáo viên tỉnh Minh Hải đang rất thiếu khi ấy. “Cán bộ, bà con Ninh Bình luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm, vinh dự và tình cảm thuỷ chung, son sắt với tỉnh Minh Hải kết nghĩa, từ đó ra sức phấn đấu, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của bản thân. Ðó cũng là nền tảng, động lực, để người Ninh Bình luôn vượt khó, vươn lên, xây dựng cuộc sống vững chắc cho bản thân và có cống hiến hữu ích, giá trị cho quê hương Cà Mau”, ông Trần Kim Chung đúc kết.

Biết bao nhiêu tình...

Hiện nay, cộng đồng người Ninh Bình tại Cà Mau có trên 20 ngàn nhân khẩu. “Dù mỗi người có điều kiện khác nhau, song người Ninh Bình luôn gìn giữ, phát huy truyền thống quý báu hướng về nguồn cội, vun đắp thêm tình đoàn kết giữa Cà Mau - Ninh Bình”, ông Phạm Văn Uýnh, Phó trưởng ban Liên lạc Ðồng hương Ninh Bình tỉnh Cà Mau, tâm huyết.

Cũng theo ông Uýnh, trong lao động, người Ninh Bình luôn thể hiện được phẩm chất cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, tích luỹ để xây dựng kinh tế ổn định. Qua rà soát, còn rất ít hộ người gốc Ninh Bình tại Cà Mau thuộc diện xoá đói, giảm nghèo, nhiều nông dân có mô hình kinh tế hộ tiêu biểu, nhiều doanh nhân thành đạt và có đóng góp tích cực cho xã hội. Trong sinh hoạt, người Ninh Bình luôn trân quý, gìn giữ và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp như lễ nghĩa hiếu đễ, tinh thần hiếu học... Từ đó, nhiều con em thế hệ người Ninh Bình ở Cà Mau đã trưởng thành, trở thành công dân, cán bộ gương mẫu, hữu dụng.

Năm 2012, Ban Liên lạc Ðồng hương Ninh Bình tỉnh Cà Mau chính thức thành lập, trở thành mái nhà chung để tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ nhau của người Ninh Bình sinh sống tại Cà Mau. Ý nghĩa sâu xa hơn của Ban Liên lạc được ông Phạm Văn Uýnh chia sẻ: “Ban Liên lạc còn là nơi để kết tinh, lan toả toàn diện, sâu sắc mối quan hệ chí nghĩa, chí tình giữa Cà Mau - Ninh Bình. Hướng về nguồn cội Ninh Bình và đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển của Cà Mau”.

Ban Liên lạc Ðồng hương Ninh Bình tại Cà Mau đã hình thành được 2 cấp, ở cấp cơ sở hiện có 8 ban liên lạc với 600 hộ hội viên, khoảng 2 ngàn nhân khẩu. Ông Nguyễn Trọng Ðộ, Trưởng ban Liên lạc Ðồng hương Ninh Bình tại thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Việc hình thành ban liên lạc cơ sở giúp cho việc tập hợp, vận động và các hoạt động của đồng hương Ninh Bình sâu sát, thường xuyên, thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Ðây cũng là nơi để mối quan hệ nghĩa tình máu thịt Cà Mau - Ninh Bình luôn được nhắc nhớ, gìn giữ, phát huy, trao truyền lại cho những thế hệ tiếp nối”.

Người Ninh Bình ở Cà Mau luôn nhớ về cội nguồn, chung sức xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. (Trong ảnh: Ban Liên lạc Ðồng hương Ninh Bình tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, họp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024).

12 năm qua, Ban Liên lạc Ðồng hương Ninh Bình ở Cà Mau đã có nhiều hoạt động sôi nổi, chan chứa nghĩa tình và mang lại hiệu ứng, kết quả tích cực. “Quy chế hoạt động của Ban, ngoài các công việc thường xuyên như thăm hỏi, giúp đỡ, động viên, chúc mừng nhau trong cuộc sống, chúng tôi còn tập trung vào nhiệm vụ quan trọng là tham gia vào Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Cà Mau - Ninh Bình”, ông Trương Thế Mạnh, Phó trưởng ban Liên lạc Ðồng hương Ninh Bình tỉnh Cà Mau, thông tin.

Các đoàn công tác hợp tác phát triển của 2 tỉnh Cà Mau - Ninh Bình khi làm việc đều có sự hiện diện của Ban Liên lạc với những ý kiến đóng góp, đề xuất nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác phát triển toàn diện giữa 2 địa phương ngày càng bền chặt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. “Sự quan tâm của lãnh đạo 2 tỉnh Cà Mau - Ninh Bình đã giúp Ban Liên lạc hoạt động ngày càng bài bản, xây dựng và kiến tạo những giá trị đóng góp cụ thể, ý nghĩa cho cả 2 quê hương”, ông Trương Thế Mạnh tâm huyết chia sẻ.

Dù làm gì, ở đâu, người Ninh Bình sinh sống tại Cà Mau đều trân quý, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc. (Trong ảnh: Ông Trương Thế Mạnh, Phó trưởng ban Liên lạc Ðồng hương Ninh Bình tỉnh Cà Mau chúc thọ các cụ trên 80 tuổi đang sinh sống tại địa bàn thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời).

“Người Ninh Bình ở Cà Mau nối tiếp nhau để sống tốt, sống đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước. Như trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, cộng đồng người Ninh Bình ở Cà Mau đã kề vai sát cánh, đóng góp sức người, sức của để cùng quê hương vượt qua khó khăn, phục hồi và nay là trên đà băng băng phát triển. Không chỉ đơn thuần là nghĩa cử đền đáp, mà thực sự trở thành tình cảm tự thân máu thịt thiêng liêng thôi thúc bên trong mỗi con người. Ðó cũng là tài sản quý báu mà Ban Liên lạc tiếp tục gìn giữ, phát huy, không chỉ là 12 năm mà là mãi mãi”, ông Trần Kim Chung bộc bạch.

Ninh Bình và Cà Mau từ sợi dây nghĩa tình keo sơn 64 năm, nay lại cùng nhau kề vai, chung sức cho khát vọng phát triển. Năm 2022, Cà Mau - Ninh Bình - Bạc Liêu đã ký kết hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2025 với truyền thống nghĩa tình và trọn vẹn tin cậy. Một dấu mốc mới, chặng đường mới, tầm mức mới và là khế ước thuỷ chung để những người con 2 quê hương nối mạch truyền thống, viết tiếp những yêu thương, hoà nhịp cùng thời đại để tiến bước về phía tương lai rạng rỡ./.

Nguồn: Nghĩa tình keo sơn

Phạm Quốc Rin

baocamau.vn