Cần Thơ: Gỡ khó để phát triển du lịch cù lao Tân Lộc

15:22 | 22/10/2022

|
Trong Ðiều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, được xác định là điểm du lịch sinh thái cộng đồng sông nước trong không gian du lịch phía Tây của thành phố. Cù lao Tân Lộc vốn giàu tiềm năng du lịch, nhưng chưa được phát huy trong nhiều năm qua; vì vậy thành phố có Ðề án Phát triển du lịch Tân Lộc.
Cần Thơ: Gỡ khó để phát triển du lịch cù lao Tân Lộc
Trải nghiệm chèo ghe ở vườn dừa Tân Lộc.

Diện tích khoảng 3.268ha, cù lao Tân Lộc còn nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của vùng đất được phù sa bồi đắp giữa dòng sông Hậu. Nơi đây có hệ thống nhà cổ độc đáo, những vườn cây xum xuê trĩu quả, nếp sống dân cư điển hình cho văn hóa sông nước ÐBSCL... Những năm qua, du lịch cù lao Tân Lộc dần được khai phá, nổi bật với loại hình du lịch sinh thái miệt vườn. Trong đó, một số địa điểm tham quan thu hút du khách là: vườn dừa Tân Lộc, vườn ổi nhà cô Ðiệp, vườn chôm chôm Út Trác, vườn mận Sáu Tia, vườn du lịch sinh thái Tân Lộc...

Tuy nhiên, hầu hết du khách đến Tân Lộc chỉ tham quan trong ngày, không lưu trú; bởi dịch vụ, sản phẩm du lịch ở đây còn khá ít. Ða phần những điểm du khách đến tham quan hiện tại chưa bán vé, ngoại trừ vườn ổi nhà cô Ðiệp. Các dịch vụ vui chơi giải trí gần như chưa phát triển, du khách đến đây chỉ tham quan vườn cây, hát karaoke, câu cá, chèo thuyền. Ðó là vì hoạt động du lịch ở cù lao Tân Lộc còn tự phát, đơn lẻ; sản phẩm du lịch chưa nổi bật và khác biệt. Trong khi đó, các cơ sở ăn uống nhỏ lẻ, chủ yếu đáp ứng người dân địa phương, chưa phải là dịch vụ dành cho du khách. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch còn yếu, đặc biệt giao thông vẫn còn rất khó kết nối vì phụ thuộc vào lịch trình của phà chở khách từ Thốt Nốt sang cù lao Tân Lộc. Lực lượng lao động hiện tại hầu như chưa qua đào tạo về du lịch. Ðặc biệt, Tân Lộc chưa thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Từ thực tế đó, địa phương đã xây dựng Ðề án Phát triển du lịch Tân Lộc (đề án) nhằm đánh thức tiềm năng. Tân Lộc được định hướng trở thành điểm đến trải nghiệm nguyên bản nhất về đời sống sông nước; trên cơ sở khai thác lợi thế về cảnh quan sinh thái nông nghiệp và văn hóa đời sống sông nước của người dân địa phương. Qua đó hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đưa Tân Lộc trở thành một trong những điểm đến trải nghiệm sinh thái, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng hấp dẫn của Cần Thơ. Ðề án góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và mang lại nguồn lợi cho cộng đồng dân cư. Theo đó, Tân Lộc phát triển các sản phẩm du lịch có sự kết hợp giữa nếp sống bản địa và hiện đại, cao cấp. Về cơ sở vật chất, kỹ thuật, du lịch tập trung phát triển hệ thống homestay tại nhà dân và khu vực lồng bè, resort cao cấp ven sông và khách sạn thấp tầng. Không gian phát triển du lịch của Tân Lộc được xác định cụ thể như sau: hình thành khu trung tâm dịch vụ du lịch phục vụ đón tiếp, cung cấp thông tin về du lịch cù lao; các điểm trải nghiệm homestay trên các lồng bè cá, các điểm trải nghiệm homestay tại nhà cổ và các hộ dân làm vườn; các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và cao cấp tại đầu phía Bắc và đầu phía Nam của cù lao. Trong đó tại khu vực đầu phía Bắc của cù lao phát triển theo mô hình sinh thái, làng quê sông nước; còn khu vực phía Nam của cù lao phát triển theo mô hình cao cấp, hiện đại và sang trọng phục vụ khách có mức chi tiêu cao.

Ðề án được thành lập từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, chia sẻ: “Ðối với các phần việc thuộc về địa phương, chúng tôi đã gần như hoàn thành. Tuy nhiên, đối với các công trình hạng mục đầu tư hay cơ sở hạ tầng thì vẫn còn gặp khó vì chưa có nhà đầu tư. Việc đầu tư này rất quan trọng vì sự hình thành các hệ thống bến bãi, nhà trung chuyển hay các sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ kéo theo sự phát triển của du lịch. Ðịa phương cũng đang có kế hoạch đầu tư cụ thể về xây dựng bãi xe, tàu tập trung, còn các hạng mục về sản phẩm du lịch sẽ tiếp tục tìm nhà đầu tư phù hợp”. Ở góc độ người làm du lịch, ông Huỳnh Công Thống, chủ vườn nho thân gỗ, nói: “Tân Lộc có nhiều điểm tham quan nhưng còn rời rạc, mạnh ai nấy làm nên sẽ gặp khó trong việc tiếp cận nguồn khách. Do đó, tôi đề nghị các điểm vườn nên có sự liên kết để hình thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ, từ đó mới có thể kết nối với lữ hành”. Về điều này, ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Benthanh Tourist Cần Thơ, cho biết: “Tân Lộc có nhiều tiềm năng du lịch, nhất là có những sản phẩm rất phù hợp với xu thế hiện nay, như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp cộng đồng. Nếu địa phương có cách khai thác và có sự đầu tư phù hợp thì tôi cho rằng trong tương lai cù lao Tân Lộc sẽ là điểm đến mới thu hút khách của Cần Thơ. Về sản phẩm du lịch, tôi nghĩ địa phương không nên quá chú trọng vào loại hình nghỉ dưỡng cao cấp như trong đề án. Nơi đây phù hợp với các loại hình dã ngoại dân dã hơn”.

Ông Phạm Văn Ðồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện các tuyến đường bộ kết nối với Thốt Nốt và Tân Lộc đều được chú trọng đầu tư. Về đường thủy nội địa, trong Quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, có định hướng quy hoạch Cảng thủy nội địa trên sông Hậu, cách cù lao Tân Lộc khoảng 3km, để phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch địa phương. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu UBND thành phố xây dựng danh mục các dự án giao thông vận tải để mời gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án tuyến buýt đường thủy Ninh Kiều - cồn Ấu - cồn Sơn - cù lao Tân Lộc”.

Ðể góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại cù lao Tân Lộc, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành hỗ trợ bà con nông dân Tân Lộc thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, gắn kết vào chuỗi sản phẩm du lịch. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách để ban hành Kế hoạch phát triển làng nghề, bảo tồn làng nghề TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Thốt Nốt có nhiều sản phẩm OCOP, trong đó phần lớn là từ cù lao Tân Lộc. Sản phẩm OCOP của Thốt Nốt chiếm khoảng 1/3 của thành phố, với rất nhiều sản phẩm độc đáo như rượu mận Sáu Tia, mắm cá tra, khô cá tra một nắng… đều có thể hình thành, kết nối phát triển du lịch. Quan trọng là chúng ta biết cách tạo câu chuyện. Do đó, sắp tới chúng tôi cũng hệ thống lại các sản phẩm OCOP và viết những câu chuyện về các sản phẩm này để tạo nên sức hút du lịch”.

Bà Ðào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Tân Lộc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng vẫn chưa phát huy và tạo được sự khác biệt về sản phẩm. Chúng tôi cùng các sở ngành hữu quan đã khảo sát để đánh giá thực trạng và tìm những giải pháp để gỡ khó cho địa phương trong đầu tư phát triển du lịch. Trong khi chờ đợi các nhà đầu tư, địa phương chú trọng quy hoạch, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là về đường thủy; đồng thời tập trung đầu tư cho sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng”.

Cù lao Tân Lộc có tiềm năng phát triển du lịch nhưng cần tháo gỡ những khó khăn, đồng thời có cơ chế, chính sách cởi mở để mời gọi đầu tư, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch khác biệt.

Nguồn: Gỡ khó để phát triển du lịch cù lao Tân Lộc

Ái Lam

baocantho.com.vn