Cần Thơ: Liên kết để nâng cao chuỗi giá trị nông sản

17:15 | 18/06/2023

|
Hiện nay, nhiều loại nông sản còn gặp tình trạng “trúng mùa, rớt giá” và chưa mang lại giá trị gia tăng cao. Nguyên nhân do việc sản xuất nhiều loại nông sản ở nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ, nông dân thiếu liên kết với nhau và với các đơn vị, doanh nghiệp trong thu mua, chế biến phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu... Ðể khắc phục tình trạng trên, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, tới đây các bên cần phải liên kết, gắn kết chặt chẽ với nhau.
Cần Thơ: Bài toán bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái RăngCần Thơ: Bài toán bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng
Cần Thơ: Triển vọng phát triển mô hình trồng đậu nành rau trên nền đất ruộngCần Thơ: Triển vọng phát triển mô hình trồng đậu nành rau trên nền đất ruộng

Thu hoạch sầu riêng tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Nỗ lực thúc đẩy liên kết

Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp hơn 114.250ha, trong đó có khoảng 78.000ha canh tác lúa, 1.915ha đất trồng cây hằng năm khác và 30.872ha đất trồng cây lâu năm, trong đó có hơn 24.500ha cây ăn trái. Hằng năm, thành phố sản xuất 3 vụ lúa với sản lượng đạt từ 1,3-1,4 triệu tấn, sản lượng trái cây đạt hơn 194.500 tấn, sản lượng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt hơn 200.000 tấn. Ðể nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định đầu ra cho các loại nông sản trên địa bàn, thời gian qua TP Cần Thơ đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung được chuẩn hóa sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn, chất lượng và đảm bảo an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Ðơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, kết nối giữa doanh nghiệp và người dân trong các vùng sản xuất nông sản, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết. Ðến nay, nhiều doanh nghiệp đã kết nối được với các vùng sản xuất nông sản tập trung của TP Cần Thơ. Thông qua các chương trình, dự án và hoạt động khuyến nông, chúng tôi cũng tập trung hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng và áp dụng giải pháp kỹ thuật để sản xuất đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp và từng thị trường, xây dựng thương hiệu cho nông sản…”. Cùng với việc hỗ trợ, khuyến khích nông dân liên kết thành lập các HTX, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng tích cực hỗ trợ kết nối các HTX với các doanh nghiệp. Những năm qua có trung bình từ 44-50 HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp. Ðến nay, thành phố đã có hơn 150 HTX nông nghiệp và 1.435 tổ hợp tác, với 45.882 thành viên và 27 trang trại.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, sản xuất và tiêu thụ nhiều loại nông sản trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ðặc biệt, nhiều loại nông sản chủ yếu ở dạng tươi thô thông qua thương lái, khâu bảo quản và chế biến còn hạn chế nên đầu ra chưa ổn định, sản phẩm không thể để lâu và chưa mang lại giá trị gia tăng cao.

Cần mở rộng liên kết

Ðể thúc đẩy nâng cao giá trị cho các loại nông sản, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ vừa phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tăng giá trị chuỗi nông sản- những vấn đề cần quan tâm”. Tại buổi tọa đàm này, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, để nâng cao giá trị chuỗi nông sản, các bên có liên quan trong từng chuỗi ngành hàng cần tăng cường liên kết, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thực hiện sản xuất đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và từng thị trường xuất khẩu. Chú ý sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng cường chế biến sâu, mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như khai thác tốt các phụ phẩm để gia tăng thêm giá trị. Ðặc biệt, các nông hộ và HTX cần mở rộng các mối liên kết với nhiều đơn vị, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa nhằm đảm bảo tiêu thụ hết các chủng loại nông sản với mức giá tốt nhất…

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ NN&PTNT, hiện nước ta có khoảng 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, trong có khoảng 150 nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, năng lực các nhà máy chế biến mới đáp ứng chế biến khoảng 8-10% lượng rau quả, còn lại khoảng 90% phải tiêu thụ tươi. Do vậy, Bộ NN&PTNT cùng các cấp, các ngành chức năng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các nhà máy chế biến nông sản. Việc phát triển chế biến giúp chúng ta kiểm soát, ổn định giá bán nhờ điều tiết sản lượng khi vào các mùa thu hoạch rộ. Ðồng thời, có thể giúp tăng giá trị nông sản lên gấp 3-4 lần, thậm chí cao hơn, cũng như tăng thời gian bảo quản. Một số loại rau quả chế biến có thể bảo quản trong thời gian rất lâu, lên đến 2-3 năm.

Thời gian qua, có tình trạng trái cây được nhà vườn xử lý cho ra hoa trái vụ và bán được giá cao vào một thời điểm hay tháng nào đó trong năm này thì năm sau nhiều bà con đồng loạt canh để xử lý cây cho trái vào tháng đó mà thiếu sự thông tin và liên kết với nhau. Từ đó, nhiều vùng trồng cây ăn trái cho thu hoạch trái vào cùng thời điểm nên trái cây bị rớt giá. Do vậy, việc liên kết và nắm bắt thông tin là rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, nông dân cần quan tâm nắm bắt thông tin được cung cấp từ Sở NN&PTNT cùng ngành chức năng các địa phương, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành Trung ương. Ðồng thời, cần có sự phối giữa nông dân và các địa phương điều tiết sản lượng trái cây và các loại nông sản một cách phù hợp theo từng thời điểm trong năm. Ðặc biệt, để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và ổn định đầu ra, nông dân cần liên kết hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn gắn với doanh nghiệp. Nông dân cần chú ý mở rộng mối liên kết với nhiều doanh nghiệp và đối tác chứ không chỉ liên kết với một doanh nghiệp duy nhất. Bởi trái cây trong vườn của bà con thường phân ra rất nhiều loại khác nhau. Việc tạo được liên kết đa tầng với nhiều doanh nghiệp, nông dân không chỉ bán được loại trái cây tươi loại 1, loại 2…với giá cao phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước mà các loại trái còn lại cũng được tiêu thụ thuận lợi thông qua các doanh nghiệp thu mua chế biến. Nông dân và doanh nghiệp cần chia sẻ lợi ích và bảo vệ nhau, trong đó nông dân cần chú ý giữ mối liên kết bền chặt lâu dài với doanh nghiệp, còn doanh nghiệp kịp thời thông tin về nhu cầu sản phẩm và yêu cầu của các thị trường để nông dân có điều chỉnh sản xuất phù hợp.

Ðể tăng giá trị chuỗi nông sản, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh, cần chú ý sản xuất tốt đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường và có chi phí giảm. Quan tâm vấn đề thị trường, thực hiện sản xuất gắn với tiêu thụ, định hướng sản xuất từng loại nông sản gắn với các thị trường và nơi tiêu thụ cụ thể ở trong nước và xuất khẩu. Củng cố, phát triển các HTX để có quy mô sản xuất lớn và đáp ứng được các yêu cầu và đơn đặt hàng của các doanh nghiệp… Sở NN&PTNT thành phố cần quan tâm cung cấp thông tin và tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thành phố và Trung ương trong liên kết sản xuất, tiêu thụ, đầu tư chế biến sâu cho nông sản...

Nguồn: Liên kết để nâng cao chuỗi giá trị nông sản

Khánh Trung

baocantho.com.vn