Đồng Nai: Chờ chính sách mới với điện mặt trời

14:43 | 03/02/2023

|
Hết hiệu lực từ cuối năm 2020 song chính sách mới đối với dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đến nay vẫn chưa có.
Chờ chính sách mới với điện mặt trời
Hệ thống đấu nối điện mặt trời mái nhà tại một công ty ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.An

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp (DN), hộ dân gặp khó khăn trong khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

* Vướng quy trình, thủ tục

Trong số các loại hình năng lượng tái tạo, ĐMTMN là lĩnh vực Đồng Nai có lợi thế nhất. Bởi lẽ, bức xạ mặt trời và tổng số giờ nắng trung bình/năm của tỉnh cao hơn các tỉnh trong khu vực, hệ thống mái nhà, đặc biệt mái nhà xưởng ở các khu công nghiệp tập trung có sẵn, sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất công nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều quốc gia, tập đoàn kinh tế. Thế nhưng, việc đầu tư khai thác các lợi thế trên đang gặp khó khăn.

Năm 2022, Công ty CP TKG Taekwang Vina (chi nhánh tại Khu công nghiệp Agtex Long Bình) có kế hoạch đầu tư hệ thống ĐMTMN công suất khoảng 3.780kWp sử dụng nội bộ nhà máy, nhưng đến nay chưa thể triển khai.

Theo chia sẻ của DN này, sử dụng ĐMTMN là yêu cầu của đối tác và cũng là lĩnh vực Nhà nước khuyến khích. DN đã triển khai kế hoạch đầu tư dự án, có văn bản kiến nghị và được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai và Sở Công thương hướng dẫn, nhưng chưa thực hiện được vì có nhiều loại giấy phép.

Ngoài thủ tục phức tạp, dự án đầu tư sau năm 2020 còn không được đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải bỏ thêm tiền mua hệ thống các bình ắc quy lưu trữ điện, bộ chuyển đổi nguồn điện mới có thể sử dụng ĐMTMN. Vì vậy mà nhiều DN dù muốn nhưng chưa làm.

Đối với các dự án đã được đấu nối cũng gặp không ít vướng mắc. Đó là ngành điện thực hiện cắt giảm sản lượng huy động, tạm dừng thanh toán với lý do cần bổ sung đầy đủ thủ tục pháp lý.

Về phía đơn vị kinh doanh, Giám đốc Công ty TNHH Lộc Phát Đồng Nai (TP.Biên Hòa) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, 2 năm qua, chính sách hết hiệu lực, kèm theo đó dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn đến các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, đơn vị thi công lắp đặt ĐMTMN đều gặp khó khăn vì nhu cầu thấp.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong, quy trình, thủ tục là vướng mắc lớn đối với các dự án ĐMTMN. Nhiều dự án đã đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện nhưng không được thanh toán tiền vì thiếu giấy phép xây dựng, mà theo quy định không thể cấp phép xây dựng cho công trình đã hoàn thành. UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn nhưng chưa được phản hồi.

Nhiều DN có nhu cầu lắp đặt mới để dùng nhưng chưa có hướng dẫn quy trình, thủ tục đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia. Sở Công thương đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Công thương hướng dẫn cũng chưa nhận được phản hồi.

* Cần chính sách liền mạch

Được biết, Bộ Công thương đang trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư quy định về khung giá bán điện cho các loại hình phát điện và cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư trong các loại hình phát điện. Bộ cũng mới trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Khi cả 2 dự thảo này được ban hành sẽ có đủ cơ sở hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện gió, ĐMTMN.

Chờ chính sách mới với điện mặt trời
Người dân xã An Phước (H.Long Thành) lắp đặt điện mặt trời mái nhà để sử dụng và bán. Ảnh: L.An

Phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMTMN là định hướng đúng đắn và đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, để nguồn năng lượng này trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, cần pháp lý rõ ràng về điều kiện, trình tự thủ tục, tiêu chuẩn lắp đặt. Cùng với đó, có cơ chế thông thoáng để DN, hộ gia đình lắp đặt ĐMTMN tự sử dụng, góp phần đảm bảo nguồn an ninh năng lượng quốc gia.

Đại diện một đơn vị quản lý trên địa bàn tỉnh cho rằng, đây đã là lần thứ 2 chính sách ĐMTMN bị “trống” trong 3 năm qua. Điều này khiến nhà đầu tư bất an, thậm chí gặp rủi ro. Còn cơ quan quản lý nhà nước địa phương lúng túng và phải xin ý kiến các bộ, ngành đối với từng dự án. Một chính sách nhất quán, ổn định vừa tạo niềm tin với nhà đầu tư, vừa dễ cho cơ quan quản lý.

Giám đốc Công ty TNHH Lộc Phát Đồng Nai Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, 2 năm qua, rất ít DN đầu tư dự án ĐMTMN, kể cả tự dùng, vì phải tuân thủ các quy trình, quy chuẩn quản lý vận hành; quy định về điều kiện kỹ thuật, an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường, xây dựng…

Trước khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án ĐMTMN đã và sắp đầu tư, mới đây Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ban hành kế hoạch giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện giám sát dự kiến trong tháng 2 này. Trên cơ sở những vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách và kiến nghị của các đối tượng giám sát, Đoàn sẽ có các đề xuất, kiến nghị đến Quốc hội để tháo gỡ cho phát triển năng lượng.

Theo Sở Công thương, đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 5,9 ngàn dự án ĐMTMN được ký hợp đồng mua bán với ngành điện, trong đó có 4 ngàn dự án được thanh toán tiền. Từ năm 2021 đến nay, không có dự án mới được ký hợp đồng mua bán điện.

Nguồn: Chờ chính sách mới với điện mặt trời

Lê An

www.baodongnai.com.vn