Đồng Nai: Nhiều ý kiến trái chiều về bảng giá đất ở

21:23 | 27/11/2022

|
Đồng Nai đang tiến hành lấy ý kiến các sở, ngành, hiệp hội, người dân về việc điều chỉnh bảng giá đất tỉnh giai đoạn 2020-2024. Trong đó, nhiều khu vực trong tỉnh giá đất sẽ tăng cao nên có những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Đồng Nai: Phát triển mạnh nghề nuôi thủy sảnĐồng Nai: Phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản
Đồng Nai: Thu hút FDI không dễ về đíchĐồng Nai: Thu hút FDI không dễ về đích
Đồng Nai: Nhiều ý kiến trái chiều về bảng giá đất ở
TP.Biên Hòa có hơn 10 tuyến đường điều chỉnh, bổ sung giá đất. Ảnh: H.Giang

Theo Sở TN-MT, về đất nông nghiệp, dự tính sẽ điều chỉnh tăng tại 6 khu vực thuộc địa bàn các huyện: Cẩm Mỹ, Long Thành và Vĩnh Cửu. Đất ở đô thị sẽ bổ sung điều chỉnh 30 tuyến đường và đất ở nông thôn bổ sung ở 90 tuyến đường. Tỉnh cũng dự tính tăng giá đất ở 23 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp.

* Mừng - lo chuyện giá đất tăng

Lâu nay, bảng giá đất trên địa bàn tỉnh được điều chỉnh tăng đều đem đến 2 luồng ý kiến trái chiều; người thì mừng, người lại lo lắng. Trong đó, những người dân có đất bị quy hoạch vào dự án phải thu hồi thì ủng hộ và mong giá đất sẽ được điều chỉnh tăng cao. Như vậy, họ sẽ nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ cao hơn khi thu hồi đất. Còn những người dân, doanh nghiệp (DN) đang có ý định chuyển mục đích sử dụng đất hoặc thuê đất lại không muốn giá đất tăng, vì tiền thuế, phí sẽ bị đội lên cao.

Về giá đất, sẽ luôn có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau; người dân những vùng không quy hoạch dự án và DN đều mong muốn giá đất ổn định lâu dài, không tăng để họ có thể chuyển đổi đầu tư các công trình, dự án phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các hộ dân trong vùng dự án lại mong giá đất tăng cao để hưởng tiền bồi thường, hỗ trợ nhiều hơn. Vì thế, việc xây dựng bảng giá đất nên hài hòa giữa việc đảm bảo quyền lợi của người dân và không “cản đường” các dự án đang, sắp triển khai.

Bà Trần Thị Quỳnh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Trảng Bom cho hay: “Người dân, DN trên địa bàn huyện rất quan tâm đến việc điều chỉnh tăng giá đất ở một số tuyến đường và KCN; bởi giá đất điều chỉnh tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những hộ gia đình, cá nhân, DN dự tính chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất, kinh doanh. Giá đất điều chỉnh tăng quá cao, người dân, DN khó đủ điều kiện để chuyển đổi, thuê đất. Vì vậy, việc tăng giá đất cần có lộ trình cho phù hợp để ít ảnh hưởng đến người dân, DN”.

Nhiều người dân ở TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… tỏ ra lo lắng khi bảng giá đất của tỉnh giai đoạn 2020-2024 sẽ điều chỉnh tăng từ đầu năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Hòa, ngụ xã Bình Sơn (H.Long Thành) bày tỏ: “Đường tỉnh 769 đoạn qua xã Bình Sơn tại vị trí 4 đất ở dự tính điều chỉnh tăng từ 1,1 triệu đồng/m2 lên 3 triệu đồng/m2. Như vậy, tôi muốn chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở để xây dựng nhà sẽ mất thêm vài trăm triệu đồng. Vợ chồng tôi sống bằng nghề nông, thu nhập thấp thì rất khó kiếm được số tiền trên để chuyển mục đích sử dụng đất”.

Thế nhưng, có nhiều hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh khi thấy bảng giá đất được điều chỉnh tăng lại rất mừng, vì đất của họ đang bị quy hoạch để triển khai các dự án.

Ông Trần Văn Hòa, ngụ xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 ngàn m2 đất quy hoạch dự án khu dân cư nên tôi mong bảng giá đất được điều chỉnh tăng để khi bồi thường đỡ bị thiệt thòi”.

* Cân nhắc kỹ để ít gây ảnh hưởng

Liên quan đến việc điều chỉnh giá đất tăng, nhiều địa phương, sở, ngành cho rằng cần phải tính toán kỹ để không ảnh hưởng quá lớn đến người dân và các dự án đang triển khai. Vì giá đất tăng cao, các dự án đang triển khai sẽ bị đội vốn lên cao, DN sẽ mất một thời gian điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước cho rằng, đơn vị soạn thảo giá đất phải lấy ý kiến người dân, các sở, ngành, địa phương, DN và tính toán cho phù hợp để không gây xáo trộn. Tăng giá đất tại tuyến đường hoặc khu vực nào phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, cân đối cho hài hòa để khi ban hành sẽ được người dân, DN đồng thuận. Đồng thời, chú ý giá đất tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến các dự án đang thu hồi đất và tổng vốn đầu tư dự án.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng giá đất tại vị trí 1, vị trí 2 và các tuyến đường có lợi thế tương đương nhau nhưng mức giá chênh lệch quá lớn, nên cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Tại TP.Biên Hòa, đất ở, đất nông nghiệp xen kẽ nhau và giá chênh nhau rất lớn, việc này gây khó khăn cho những hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cụ thể, có một số khu vực thuộc các phường: Long Bình Tân, Long Bình, Tân Phong, Hóa An, Tân Hạnh… người dân chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở sẽ tốn từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng. Do đó, nhiều hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện để chuyển đổi, nhưng lại cần nhà ở nên đành lén lút xây dựng, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý.

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho biết: “Giá đất sang nhượng không qua sàn giao dịch nên không xác định được dữ liệu về giá đất, dẫn đến định giá rất khó khăn và gây ảnh hưởng đến việc xây dựng bảng giá đất cho năm 2023. Tỉnh cũng biết giá đất vị trí 1, vị trí 2 chênh nhau khá nhiều, nhưng nếu thời điểm này điều chỉnh sẽ gây biến động rất lớn. Do đó, tỉnh sẽ không điều chỉnh mà đợi đến năm 2024, khi Luật Đất đai mới được ban hành sẽ xây dựng giá đất mới cho phù hợp hơn”.

Nguồn: Nhiều ý kiến trái chiều về bảng giá đất ở Đồng Nai

Hương Giang

baodongnai.com.vn