Đồng Nai: Thị trường thủy sản khủng hoảng đầu ra

04:15 | 24/05/2023

|
Khoảng 3 tháng trở lại đây, giá tôm, cá liên tục giảm và đang ở mức thấp kỷ lục do cả thị trường xuất khẩu và nội địa đều giảm sức mua.
Đồng Nai định hình các khu kinh tế động lựcĐồng Nai định hình các khu kinh tế động lực
Đồng Nai: Rực rỡ muồng đào trong vườn quốc giaĐồng Nai: Rực rỡ muồng đào trong vườn quốc gia
Đồng Nai: Thị trường thủy sản khủng hoảng đầu ra
Vùng nuôi tôm nước lợ của HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công, xã Phước An, H.Nhơn Trạch. Ảnh: B.Nguyên

Giá tôm, cá thương phẩm giảm sâu trong khi nhiều chi phí đầu tư lại tăng khiến người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh e dè vào vụ mới.

* Giá giảm sâu, tiêu thụ chậm

Từ sau Tết Nguyên đán năm 2023, giá tôm, cá liên tục lao dốc. Đến nay, giá tôm thẻ loại 30 con/kg bán ra ở mức 125 ngàn đồng/kg, giảm 50-60 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân giá tôm giảm mạnh suốt 3 tháng qua là do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt trên 2,6 tỷ USD, giảm hơn 36% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm mạnh: xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ giảm trên 57%; xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 37%... Nguyên nhân do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Tình trạng này cũng xảy ra tại thị trường nội địa khi từ đầu năm đến nay, sức tiêu thụ chậm hơn hẳn so với mọi năm.

Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT, năm 2023, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn Đồng Nai là 8.672ha, giảm 63ha so với năm 2022.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công (xã Phước An, H.Nhơn Trạch) Nguyễn Huy Bình cho biết, giá tôm đang giảm sâu nhưng tại địa phương, nguồn tôm đến lứa cần thu hoạch vẫn chưa bán được còn cả trăm tấn do doanh nghiệp xuất khẩu không thu mua, thị trường nội địa tiêu thụ chậm hơn so với trước.

Theo thông tin từ Phòng NN-PTNT H.Định Quán, trước cao điểm mùa khô, các bè nuôi cá trên địa bàn huyện đều chủ động thu hoạch và bán cá để hạn chế rủi ro cá chết vào giai đoạn giao mùa. Tuy nhiên, hiện một số bè cá đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa xuất bán được do thị trường tiêu thụ chậm. Trong đó, cá chép có sản lượng còn tồn lớn nhất với khoảng 1,5 ngàn tấn. Hiện các bè cá này đều đã di dời vào các khu vực nước sâu trên hồ Trị An để hạn chế rủi ro cá chết khi khu vực sông ở cầu La Ngà bị cạn nước.

Ông Bùi Văn Vũ, người nuôi cá bè tại H.Định Quán cho biết, nhiều tháng nay, người nuôi cá bè rất khó khăn khi giá cá nước ngọt bán ra ở mức thấp. Giá rẻ nhưng nhiều bè cá đến kỳ thu hoạch vẫn chưa xuất bán được. Thương lái chỉ mua nhỏ giọt do thị trường tiêu thụ chậm. Cá càng chậm thu hoạch, người nuôi càng lỗ vốn.

* E ngại đầu tư vụ mới

Mùa khô mọi năm, đến cuối tháng 4, nguồn nước lòng hồ Trị An vẫn dồi dào nên người nuôi cá bè trên hồ Trị An vẫn thả cá giống theo kiểu gối đầu. Năm nay, hồ Trị An cạn nước, hầu như các hộ nuôi cá bè chưa nghĩ đến việc thả lứa giống mới. Người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa sẵn sàng vào vụ mới vì e ngại rủi ro.

Đồng Nai: Thị trường thủy sản khủng hoảng đầu ra
Các hộ nuôi cá bè tại khu vực xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu

Theo nông dân nuôi tôm trên địa bàn H.Nhơn Trạch, đầu tư nuôi tôm gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi ngay từ đầu năm, thức ăn thủy sản thêm đợt tăng giá mới. Các chi phí khác như: con giống, nhân công… đều tăng. Trong khi đó, giá tôm thương phẩm giảm mạnh khiến người nuôi thận trọng hơn trong việc thả lứa giống mới.

Đa số người nuôi tính toán thu nhỏ quy mô nuôi để hạn chế rủi ro. Ông Nguyễn Huy Bình chia sẻ thêm, dự báo thị trường xuất khẩu và tiêu thụ con tôm trong năm 2023 rất khó khởi sắc vì kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn. Nhiều hộ nuôi e dè đầu tư vào vụ mới. Gia đình ông Bình dự tính giảm khoảng 30-40% công suất ao nuôi, chủ yếu nuôi duy trì để giữ công nhân chứ không mong sẽ đạt lợi nhuận trong vụ nuôi mới.

Cùng quan điểm, Giám đốc HTX Thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) Vũ Đình Đàm chia sẻ, từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, các loại cá nước ngọt bán ra có giá thấp, thị trường tiêu thụ chậm là nguyên nhân chính khiến người nuôi cá bè tại TP.Biên Hòa giảm mạnh quy mô nuôi, thậm chí chỉ thả nuôi cầm chừng vì lo càng nuôi càng lỗ.

Nguồn: Thị trường thủy sản khủng hoảng đầu ra

Bình Nguyên

baodongnai.com.vn