Gồng mình “gánh” giá, Quỹ bình ổn xăng dầu nguy cơ “bể”

16:25 | 27/10/2021

|
Trong khi giá xăng dầu thế giới từ đầu năm 2021 đã tăng đến 76% thì mức tăng ở thị trường trong nước vẫn “kìm” ở mức hơn 50%. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng tối đa, kỳ này tiếp tục chi quỹ để “kìm” mức tăng của thị trường nội địa. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lại lâm vào tình trạng âm quỹ.
Gồng mình “gánh” giá, Quỹ bình ổn xăng dầu nguy cơ “bể”
Ảnh minh họa

Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới đã tăng lên mức báo động, mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10/2021 như sau: 97,36 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 9,21 USD/thùng); 100,38 USD/thùng xăng RON95 (tăng 10,13 USD/thùng); 95,20 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 7,44 USD/thùng, tương đương tăng 8,48% so với kỳ trước).

Theo Bộ Công Thương, đây là mức tăng cao nhất trong khoảng giữa 2 kỳ điều hành giá xăng dầu kể từ khi thực hiện điều hành giá theo Nghị định 83.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu dùng để tính giá cơ sở cho giá xăng dầu nội địa đã tăng từ 59,08% đến 76,03%, trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.

Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, trong kỳ điều hành lần này, nếu không thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với xăng E5RON92 so với kỳ trước và xăng RON95 thì giá các mặt hàng xăng này sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.

Do đó, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, duy trì công cụ BOG để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, giữ nguyên mức chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, không chi Quỹ BOG đối với dầu mazut.

Hầu hết các quyết định điều hành điều chỉnh giá xăng dầu trong nước đều theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. Điều này lại khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lâm vào tình trạng lo… “bể” quỹ.

Theo thống kê ở thời điểm trước kỳ điều hành ngày 26/10, Quỹ BOG của 2 “ông lớn” ngành xăng dầu âm cao nhất với mức âm gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) có mức âm lớn nhất, lên đến âm hơn 700 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm khoảng 200 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác có các mức âm nhỏ hơn, dưới 60 tỷ đồng. Tổng cộng, Quỹ BOG ở 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn đã âm khoảng 1.500 tỷ đồng.

Báo cáo mới đây của Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho thấy, có 20 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trên cả nước hiện chưa bị âm quỹ tính đến ngày 20/10. Trong số các doanh nghiệp có số dư quỹ dương, Saigon Petro là đơn vị có mức dư cao nhất với 184 tỷ đồng.

Theo tính toán của cơ quan quản lý, nếu bù trừ số âm quỹ và số tiền còn lại của các doanh nghiệp đầu mối có quỹ dương, số quỹ còn lại trên cả nước chỉ còn gần 600 tỷ đồng. Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng như 3-4 kỳ điều hành gần đây thì nguy cơ “bể” quỹ trên toàn quốc hoàn toàn có thể xảy ra.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khẳng định vẫn sẽ tiếp tục “gồng mình gánh giá” bởi theo dự thảo Luật sửa đổi kinh doanh xăng dầu, số tiền lãi vay ngân hàng để “gánh giá” sẽ được Nhà nước bù. Nhưng vị này cho rằng, với những doanh nghiệp lớn có tiềm lực, việc “gánh giá” không gặp nhiều khó khăn nhưng với các đầu mối có tiềm lực nhỏ hơn, việc “gánh giá” này sẽ mang lại không ít hệ lụy.

Nguồn: Gồng mình “gánh” giá, Quỹ bình ổn xăng dầu nguy cơ “bể”

Nhật Thu

baophapluat.vn