Sử dụng thực phẩm chức năng thế nào cho đúng?

19:11 | 12/04/2022

|
Năm 2022, người Mỹ dự kiến ​​sẽ chi 35,6 tỷ USD cho thực phẩm chức năng. Tại Việt Nam, ít nhiều chúng ta đã nghe nói đến, có thể đã sử dụng và đã giới thiệu thực phẩm chức năng (thực phẩm bổ sung) cho bạn bè, người thân.
Tràn lan các sản phẩm tăng sức đề kháng mùa dịchTràn lan các sản phẩm tăng sức đề kháng mùa dịch
Thực phẩm chức năng, những điều bất cậpThực phẩm chức năng, những điều bất cập

Hiện nay, một số thực phẩm chức năng (TPCN) trên thị trường đã được hiểu rõ và chứng minh hiệu quả, nhưng cũng nhiều loại cần được nghiên cứu thêm. Chúng có thể có lợi nhưng việc sử dụng TPCN cũng có thể gây ra những rủi ro cho sức khỏe. Do đó, trước khi đưa ra quyết định có nên dùng thực phẩm bổ sung hay không, mọi người cần nói chuyện với chuyên gia hoặc y bác sĩ.

Thực phẩm chức năng không phải thuốc

TPCN bao gồm các thành phần như vitamin, khoáng chất, thảo mộc, a-xít amin và enzym, được bán trên thị trường ở các dạng như viên nén, viên nang, gel mềm, bột và chất lỏng. Một số sản phẩm bổ sung có thể giúp bạn nhận được đủ các chất quan trọng mà cơ thể cần để hoạt động, trong khi một số khác có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Nhưng thực phẩm bổ sung không nên thay thế các bữa ăn cần thiết cho một chế độ ăn uống lành mạnh cũng như không thể thay thế thuốc điều trị.

Sử dụng thực phẩm chức năng thế nào cho đúng?
Thực phẩm chức năng không thể thay thế chế độ ăn uống đủ dưỡng chất và lối sống lành mạnh - Ảnh: SHUTTLERSTOCK

Không giống như thuốc, TPCN không được phép bán trên thị trường với mục đích điều trị hoặc phòng ngừa bệnh. Điều đó có nghĩa là nhà sản xuất không được đưa ra các tuyên bố về bệnh tật, chẳng hạn như “ngăn ngừa cholesterol máu” hoặc “điều trị bệnh tim”. Hiện nay, nhiều người tin dùng các sản phẩm từ Mỹ, nhưng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không có thẩm quyền xem xét độ an toàn và hiệu quả của các sản phẩm TPCN trước khi đưa ra thị trường.

Các nhà sản xuất và phân phối TPCN có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm của họ an toàn trước khi đưa ra thị trường. Chỉ khi nào TPCN chứa một thành phần mới, các nhà sản xuất phải thông báo cho FDA về thành phần đó. Tuy nhiên, thông báo cũng chỉ được FDA xem xét về mức độ an toàn chứ không phải tính hiệu quả.

Đừng “bắt chước” người khác dùng thực phẩm chức năng

Đối với một số thực phẩm bổ sung, điều này là hiển nhiên. Bạn sẽ không cần một ly whey với hàm lượng calo cao, giàu protein sau buổi luyện tập nếu bạn không cố gắng xây dựng cơ bắp. Nhưng câu chuyện sẽ khác đi nhiều nếu nói đến vitamin và khoáng chất. Thực tế, mọi người đều cần vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng nhất định nhưng không phải mọi người đều cần cùng một lượng chất dinh dưỡng như nhau. Ví dụ, người ăn thuần chay có thể cần bổ sung B12 vì vitamin này được tìm thấy chủ yếu trong các sản phẩm động vật. Vậy nên nếu bạn ăn trứng, các sản phẩm từ sữa, thịt gà, hải sản hoặc thịt đỏ, bạn thường không cần bổ sung vitamin B12.

Việc sử dụng vitamin và chất bổ sung không thể thay thế một chế độ ăn uống lành mạnh. Một số TPCN chắc chắn có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa những gì bạn nhận được từ chế độ ăn uống và những gì bạn không có, nhưng sử dụng chúng như một cách để “sửa chữa” chế độ ăn uống kém là lựa chọn không hiệu quả. Ví dụ, uống vitamin tan trong chất béo nhưng không ăn chất béo trong chế độ ăn uống đồng nghĩa với việc cơ thể bạn không hấp thụ đầy đủ vitamin.

Tương tự, uống vitamin tổng hợp hằng ngày nhưng bỏ qua trái cây và rau có nghĩa là bạn không nhận được chất chống oxy hóa hoặc chất xơ có trong thực phẩm thực vật. Uống bột protein nhưng không ăn thịt có thể gây thiếu hụt vitamin B12 hoặc uống bổ sung vitamin D mà không nhận đủ can-xi có thể làm mất tác dụng có lợi đối với sức khỏe của xương.

Cẩn thận nguy cơ quá liều

Một lầm tưởng phổ biến về TPCN là “không bổ đầu này cũng bổ đầu kia” hóa ra lại rất nguy hiểm. Trên thực tế, bạn có thể dùng quá liều vitamin và các hoạt chất khác. Thuật ngữ “nhiễm độc vitamin” đang dần trở nên phổ biến và có thể xảy ra với bất kỳ loại vitamin nào. Lực lượng Đặc nhiệm dịch vụ dự phòng Mỹ (USPSTF) khuyến cáo mọi người không nên dùng các chất bổ sung beta-carotene hoặc vitamin E vì chúng có thể làm tăng nguy cơ ung thư hoặc bệnh tim.

Nghiên cứu cũng cho thấy nam giới tăng nguy cơ ung thư phổi sau khi dùng liều lượng lớn biotin (vitamin B7). Một số công trình khoa học phát hiện mối liên hệ giữa hàm lượng vitamin B12, B6 cao với việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư phổi và đại trực tràng. Hay vitamin K có thể làm giảm đông máu khi dùng chung với warfarin chống đông máu. Hội đồng Dược điển Mỹ (USP) cảnh báo chiết xuất trà xanh có thể chứa dư lượng dung môi, thuốc trừ sâu và các tạp chất khác có thể gây tổn thương gan ở những người nhạy cảm. Một hợp chất phổ biến trong trà xanh là EGCG cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh gan nếu bị lạm dụng.

Đau bụng thường là dấu hiệu đầu tiên cho thấy thực phẩm bổ sung không phù hợp với cơ thể, nặng hơn, bạn có thể bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học New England, thực phẩm giảm cân là lý do hàng đầu cho những ca cấp cứu liên quan đến TPCN vì chúng có thể gây ra các tác dụng phụ như làm tăng nhịp tim, nhịp tim không đều, chóng mặt hoặc tăng huyết áp. Tiến sĩ Pieter Cohen, phó giáo sư tại Trường Y Harvard (Mỹ), kết luận: “Trong khi một số người có thể cần các loại vitamin hoặc chất bổ sung cụ thể để giúp khắc phục sự thiếu hụt, thì đối với những người khỏe mạnh bình thường, tuân theo một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ cung cấp tất cả vitamin và khoáng chất cần thiết”

Nguồn: Sử dụng thực phẩm chức năng thế nào cho đúng?

Ngọc Hạ

phunuonline.com.vn