Tại sao nhiều người mua vàng ngày Vía Thần Tài bất chấp nguy cơ thua lỗ?

03:19 | 08/02/2022

|
Nhiều người đến nay thường có thói quen đi mua vàng vào ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm) để thể hiện mong muốn được “buôn may bán đắt”.
Tại sao nhiều người mua vàng ngày Vía Thần Tài bất chấp nguy cơ thua lỗ?
Một người dân chờ mua vàng vào ngày Vía Thần tài năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Phan Anh

Ý nghĩa của ngày Vía Thần Tài

Theo những sự tích và lưu truyền lại từ xưa, Thần Tài là vị Thần cai quản tiền tài, quan lộc ở trên trời, được coi là một vị Thần có danh tiếng ngút trời.

Chuyện kể rằng, trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian. Khi Thần Tài vào nhà nào xin ăn thì nhà đó giàu có, buôn may bán đắt… Đến ngày mùng 10 tháng Giêng thì Thần Tài bay về trời.

Để tưởng nhớ ngài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần Tài để thờ cúng vật phẩm và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm, đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh, buôn bán.

Dù chỉ là những câu chuyện truyền miệng, tuy nhiên với những người làm kinh doanh, buôn bán rất coi trọng thờ thần tài, đặc biệt là ngày Vía Thần Tài.

Tại sao nhiều người mua vàng ngày Vía Thần Tài bất chấp nguy cơ thua lỗ?
Tại sao nhiều người mua vàng ngày Vía Thần Tài bất chấp nguy cơ thua lỗ?

Tại sao nhiều người mua vàng trong ngày Vía Thần Tài?

Trong năm, ngày này không chỉ đơn thuần là ngày để tạ ơn và tưởng nhớ đến vị Thần Tài đã mang lại tài lộc cho gia chủ trong một năm vừa qua; ngày vía Thần Tài còn là ngày với mong muốn được “đổi vía” – khi có vía của vị Thần Tài lộc sẽ đem đến cho gia chủ một năm mới đến thật sung túc và bình an.

Vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, mọi nhà sẽ rộn ràng đi sắm đồ lễ cúng với mong muốn lấy vía Thần Tài để cầu làm ăn buôn bán, kinh doanh được thuận lợi, suôn sẻ.

Một trong những thói quen tồn tại bấy lâu này của người dân Việt mỗi khi đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch chính là đi mua vàng để thể hiện mong muốn được “buôn may bán đắt”.

Việc mua vàng trong ngày này dần trở thành thói quen của nhiều người. Với họ việc mùa vàng và cất trữ vàng vào két sắt, ví hoặc những nơi mang theo người sẽ mang đến điều may mắn, tài lộc sung túc cả năm.

Nguy cơ thua lỗ

Tuy người dân mua vàng ngày Vía Thần tài để cầu tài lộc, mong muốn buôn may bán đắt nhưng theo giới chuyên gia, giá kim loại quý này thường bị đẩy lên rất cao.

Không ít đơn vị kinh doanh vàng trong nước liên tục đẩy giá, nới rộng chênh lệch mua vào - bán ra dịp này khiến người mua hứng chịu nguy cơ thua lỗ nặng nề.

Hiện tại giá vàng trong nước đang có dấu hiện tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sau kỳ nghỉ dài, giá vàng tại Tập đoàn Doji điều chỉnh tăng mạnh hai chiều mua vào - bán ra lên ngưỡng 62,1-63,0 triệu đồng/lượng (tăng 350.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra).

Chênh lệch mua vào - bán ra cũng vì thế mà tăng từ 750.000 đồng/lượng lên ngưỡng 900.000 đồng/lượng.

Tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC, giá vàng vẫn chưa được điều chỉnh so với kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên nhiều người cho rằng, từ phiên đầu tuần sau (7.2), giá vàng nói chung và vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC sẽ được điều chỉnh tăng mạnh.

Chia sẻ với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu mua vàng để đầu tư, làm của hồi môn... thì người dân cần tránh ngày vía Thần Tài. Mức chênh lệch mua vào - bán ra an toàn là dưới 300.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên trên thực tế các đơn vị kinh doanh trong nước thường điều chỉnh mức chênh này rất cao, đẩy rủi ro về phía người mua.

Nguồn: Tại sao nhiều người mua vàng ngày Vía Thần Tài bất chấp nguy cơ thua lỗ

Khương Duy

Lao Động