Tin bất động sản ngày 9/7: Hà Nội chốt danh sách 9 cơ sở có vị trí "đất vàng" phải di dời khỏi nội đô

18:45 | 09/07/2022

|
Vì sao nút giao Đầm Nhà Mạc chậm bàn giao; UBND tỉnh Kon Tum thông tin về việc một số dự án lớn chậm triển khai; Sắp có trung tâm thương mại AEONMALL tại Huế… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 8/7: Bất động sản TP HCM sẽ không có đột biến trong nửa cuối năm 2022Tin bất động sản ngày 8/7: Bất động sản TP HCM sẽ không có đột biến trong nửa cuối năm 2022
Tin bất động sản ngày 7/7: CT Group đề xuất đầu tư 3 dự án, tổng vốn hơn 5.700 tỉ đồng tại Hà TĩnhTin bất động sản ngày 7/7: CT Group đề xuất đầu tư 3 dự án, tổng vốn hơn 5.700 tỉ đồng tại Hà Tĩnh

Hà Nội chốt danh sách 9 cơ sở có vị trí "đất vàng" phải di dời khỏi nội đô

Sáng 8/7, tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1).

Tin bất động sản ngày 9/7: Hà Nội chốt danh sách 9 cơ sở có vị trí "đất vàng" phải di dời khỏi nội đô
Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty Cổ phần Bia - rượu- nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám (Ngọc Hà, Ba Đình) phải di dời theo quy hoạch

Theo đó, trong vòng 5 năm tới, 9 cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.

Cụ thể, danh mục 9 cơ sở nhà, đất phải di dời gồm: Công ty In Báo Nhân Dân Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên In Báo Hànộimới; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long; Công ty TNHH một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Trước đó, trong tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội, Hà Nội đề xuất danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch ngoài những cơ sở nêu trên còn bao gồm cơ sở nhà đất tại 51 Hàng Bồ của Báo Lao động.

Tuy nhiên ngày 24/6/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội về phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất của Tổng Liên đoàn Lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP: Đề nghị xem xét, giữ nguyên hiện trạng nhà 51 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm để ổn định hoạt động của Báo Lao động.

Từ thực tế trên, UBND TP Hà Nội chưa tổng hợp đợt 1 danh mục di dời đối với cơ sở nhà, đất tại số 51 phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm của Báo Lao động.

Liên quan việc Hà Nội di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm, trước đó, Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, chủ trương di dời Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã nhiều lần được Hà Nội đề cập.

Tuy nhiên, trong các văn bản pháp lý về quy hoạch đường sắt đều khẳng định duy trì và phát triển cơ sở công nghiệp đường sắt này.

Gần đây nhất, trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt tại Quyết định 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đã định hướng giữ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và Nhà máy Xe lửa Dĩ An (Dĩ An, Bình Dương) là cơ sở công nghiệp đường sắt.

Quảng Ninh: Vì sao nút giao Đầm Nhà Mạc chậm bàn giao?

Khởi công từ tháng 9/2020, nút giao Đầm Nhà Mạc với nhiệm vụ kết nối không gian phía Tây tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 7/2022. Do nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như thực trạng thi công, dự án sẽ không thể đạt được tiến độ mong muốn.

Nút giao Đầm Nhà Mạc bao 8 nhánh rẽ có tổng chiều dài 8km, tổng mức đầu tư hơn 760 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, được triển khai trên diện tích 83,4ha. Đây cũng là điểm nối dự án đường ven sông Quảng Yên - Đông Triều với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại Km20+050.

Thời điểm tháng 6/2022, dự án mới đạt trên 40% khối lượng các hạng mục. Trong đó, đã hoàn thành công tác xử lý nền đất, hạng mục nền đường mới thi công đạt 80% khối lượng. Riêng hạng mục khó khăn nhất là xử lý bù lún, đất gia tải, bấc thấm cũng chỉ đạt 68%.

Về những khó khăn dự án gặp phải, do 80% diện tích dự án thi công trên hệ rừng ngập mặn, đầm của người dân địa phương nên dự án gặp nhiều khó khăn trong khâu thủ tục hành chính. Các thủ tục này kéo dài đến cuối năm 2021.

Đến tháng 1/2022, nhà thầu mới nhận đủ mặt bằng để tổ chức thi công đồng loạt. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 14 tháng tháng đầu, nhà thầu chỉ có thể thi công các hạng mục tại vị trí 20% mặt bằng đã có. Cùng với đó là nền đất thi công dự án yếu, dễ lún.

Dự án cần thêm nhiều thời gian để gia cố phần nền đất. Dự kiến đến tháng 4/2023 dự án mới có thể tiến hành dỡ tải để thi công các hạng mục tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc công tác hoàn thiện mặt đường trong tháng 7/2023.

Với điều kiện thực tế khó khăn và biện pháp thi công hiện tại, đặc biệt thời tiết cực đoan đã xuất hiện đầu mùa mưa khi mưa diễn ra nhiều ngày liên tiếp. Nút giao Đầm Nhà Mạc khó đảm bảo được tiến độ theo kế hoạch vào tháng 7/2022.

Chủ đầu tư và nhà thấu thể hiện mong muốn được các đơn vị, địa phương hỡ trợ giúp đỡ trong việc tháo gỡ khó khăn về nguồn đất đắp. Đơn vị thi công sẽ chủ động, lập lại biểu đồ tiến độ cụ thể cho từng hạng mục để thi công đồng loạt khi những khó khăn được tháo gỡ.

UBND tỉnh Kon Tum thông tin về việc một số dự án lớn chậm triển khai

Ngày 8/7/2022, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký Báo cáo số 193/BC-UBND về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về các nội dung UBND tỉnh trình tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XII.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đã giải trình ý kiến cho rằng, công tác thu hút đầu tư còn hạn chế, một số dự án lớn chậm triển khai.

UBND tỉnh Kon Tum cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 420 dự án (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 84.357 tỷ đồng.

Trong đó có 255 dự án đã hoàn thành với tổng vốn 38.008 tỷ đồng; 47 dự án đang đầu tư xây dựng với tổng vốn 25.048 tỷ đồng; 118 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lý với tổng vốn 21.300 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, qua rà soát, một số dự án triển khai chậm tiến độ, ngoài một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid 19, việc thực hiện các thủ tục pháp lý thì còn có nguyên nhân chủ quan là một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật của các nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư đối với 74 dự án trên địa bàn tỉnh để kịp thời xử lý theo quy định.

Đối với những dự án vi phạm, UBND tỉnh sẽ tiến hành thu hồi chủ trương đầu tư, chấm dứt hoạt động theo quy định.

Sắp có trung tâm thương mại AEONMALL tại Huế

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc AEONMALL Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki.

Tin bất động sản ngày 9/7: Hà Nội chốt danh sách 9 cơ sở có vị trí "đất vàng" phải di dời khỏi nội đô
Sắp có trung tâm thương mại AEONMALL tại Huế

Ông Nakagawa Tetsuyuki cho biết, từ nay đến 2025, AEON đặt ra mục tiêu xây dựng và đưa vào vận hành 16 Trung tâm thương mại tại Việt Nam, trong đó có Trung tâm thương mại AEONMALL Huế.

Về dự án Trung tâm thương mại AEONMALL Huế, vào ngày 1.5.2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương và Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam đã trao văn kiện thống nhất chủ trương chấp thuận để Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam thực hiện dự án Trung tâm thương mại AEONMALL Huế.

Hiện nay AEONMALL Việt Nam đang thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai dự án. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng gặp một số vướng mắc cần được Bộ Xây dựng cho ý kiến tháo gỡ.

Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra, rà soát hồ sơ dự án để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp dự án sau khi được rà soát đã đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên và các quy định pháp luật về đầu tư, về kinh doanh bất động sản, về xây dựng và pháp luật khác có liên quan để xem xét, giải quyết đề nghị theo đúng thẩm quyền và theo đúng quy định pháp luật.

AEON hiện là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản.

Tại Việt Nam, AEON chính thức bắt đầu hoạt động từ năm 2009 dưới hình thức Văn phòng Đại diện (1/12/2009 - 10/7/2012).

Tính đến hết năm 2020, tại Việt Nam, AEON Việt Nam đã khai trương và đưa vào vận hành toàn quốc 3 Trung tâm mua sắm gồm: Tân Phú Celadon, Bình Dương Canary, Bình Tân; 3 Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị tại Long Biên, Hà Đông (Hà Nội) và Hải Phòng Lê Chân.

AEON Việt Nam đặt kế hoạch sẽ mở thêm nhiều trung tâm mua sắm trong 10 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng tại Việt Nam, đặc biệt trong mảng kinh doanh bán lẻ.

Nguồn: Tin bất động sản ngày 9/7: Hà Nội chốt danh sách 9 cơ sở có vị trí "đất vàng" phải di dời khỏi nội đô

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn