Tin ngân hàng ngày 1/6: Thanh tra đầu tư trái phiếu tại một số ngân hàng

16:56 | 01/06/2022

|
Ngân hàng OCB được tăng vốn lên gần 13.758 tỷ đồng; Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 chưa như kỳ vọng; Agribank tiếp tục bán đấu giá khoản nợ của Nông trường Sông Hậu… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 31/5: BIDV sắp đấu giá khoản nợ hơn 750 tỷ đồng của Công ty cổ phần Luyện cán thép Sóc SơnTin ngân hàng ngày 31/5: BIDV sắp đấu giá khoản nợ hơn 750 tỷ đồng của Công ty cổ phần Luyện cán thép Sóc Sơn
Tin ngân hàng ngày 30/5: Cuối tháng 5, nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy độngTin ngân hàng ngày 30/5: Cuối tháng 5, nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động

Thanh tra đầu tư trái phiếu tại ngân hàng Techcombank, TPBank, SHB…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 8857 CĐ-VPCP, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần trong đó có Techcombank, TPBank và SHB.

Tin ngân hàng ngày 1/6: Thanh tra đầu tư trái phiếu tại một số ngân hàng
Thanh tra đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại cổ phần trong đó có Techcombank

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đến thời điểm tháng 4/2022, Cơ quan TTGSNH đã tiến hành thanh tra tại các ngân hàng gồm: Ngân hàng Techcombank, TPBank, SHB, Đại chúng Việt Nam, Việt Nam Thương Tín, Đông Nam Á và Bảo Việt.

Riêng Ngân hàng Bảo Việt không thực hiện thanh tra với lý do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với ngân hàng này.

Trước đó, ngày 03/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đoàn Thanh tra đã báo cáo người ra quyết định thanh tra và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.

Gửi văn bản tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về xử lý các sai phạm liên quan đến sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.

Được biết, từ tháng 12/2021- 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021, Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 30/3/2022, Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022, Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 về tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các biện pháp ổn định thị trường).

Trái phiếu doanh nghiệp là một trong các chủ đề nóng trên thị trường hiện nay. Theo số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VMBA), tổng khối lượng phát hànhtrái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 đạt xấp xỉ 660.000 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 10% GDP. Trong đó, các ngân hàng và công ty chứng khoán là hai nhóm mua vào lớn nhất trên thị trường.

Theo báo cáo tài chính của 24 ngân hàng, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng đầu tư tính đến hết 31/3/2022 là hơn 344.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm trước đó.

Ngân hàng OCB được tăng vốn lên gần 13.758 tỷ đồng

Mới đây, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ thêm gần 59 tỷ đồng. Trong đó, tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (ngân hàng Aozora – Nhật Bản) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua.

ESOP là một trong những chính sách đãi mà OCB dành cho cán bộ nhân viên nhằm ghi nhận những đóng góp của nhân viên đối với sự phát triển của Ngân hàng. Theo phương án phát hành ESOP ngày 12/01/2022, OCB phát hành 5 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp. Cổ phần mới phát hành sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm sẽ được chuyển nhượng 25%.

Như vậy, sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 13.758 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 được tổ chức hồi cuối tháng 4, OCB cũng thông qua việc phát hành 413 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30%. Nguồn vốn thực hiện chia thưởng được trích từ các nguồn thuộc vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán tại ngày 31/12/2021. Thời gian thực hiện đợt phát hành này trong năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu OCB từ đầu năm đến nay giảm theo đà chung của thị trường. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5 đến nay đã hồi phục, tăng 15%, hiện đang được giao dịch quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 31/5 ở mức 19.900 đồng/cổ phiếu). Cũng trong giai đoạn này, thanh khoản của cổ phiếu OCB duy trì tích cực, bình quân đạt 1,7 triệu đơn vị/phiên.

Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 chưa như kỳ vọng

Theo báo cáo, một số vị đại biểu cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của việc triển khai thực hiện cũng như việc xây dựng kế hoạch thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Nghị quyết số 42 và pháp luật về xử lý nợ xấu đúng thời hạn.

Nghị quyết số 42 đã quy định rõ việc giao Chính phủ trình Quốc hội đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, tức là ngay trước khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, nhằm tránh tạo khoảng trống trong hệ thống pháp luật. Đồng thời Chính phủ đã có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42, được Ủy ban Kinh tế đánh giá, thẩm tra và báo cáo Quốc hội vào năm 2020.

Tuy nhiên, đến thời điểm phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới phần nào hoàn thành hồ sơ trình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42, như vậy là còn chậm.

Nghị quyết số 42 mới cho phép thí điểm thực hiện một số chính sách đặc thù riêng để xử lý nợ xấu, quá trình xây dựng Nghị quyết năm 2017 còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến cơ chế thu giữ TSBĐ, đến nay thời gian thí điểm sắp hết (15/8/2022) nhưng trong Báo cáo tổng kết chủ yếu tập trung vào đánh giá quá trình xây dựng Nghị quyết và nêu về tình trạng nợ xấu, trong khi quá trình tổng kết thí điểm cần phải được đánh giá kỹ hơn đối với từng chính sách (ưu điểm, nhược điểm, vướng mắc từng chính sách) để làm cơ sở hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu.

Về kết quả, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến cho rằng việc thi hành Nghị quyết số 42 đã mang lại chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, kết quả xử lý nợ xấu đạt hơn 70% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017, có hiệu quả khi so sánh với thời điểm chưa ban hành Nghị quyết số 42, duy trì được tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%; giúp khơi thông nguồn vốn và đưa vốn ứ đọng luân chuyển vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế.

Nhưng, cũng có một số ý kiến cho rằng kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 vẫn chưa đạt được như kỳ vọng; tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao, kết quả xử lý nợ xấu chưa thật bền vững ở một số lĩnh vực, như: bất động sản, cho vay tiêu dùng vẫn còn nhiều rủi ro.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để xảy ra nợ xấu, nhất là nợ xấu trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan nhằm ngăn ngừa rủi ro từ sớm, từ xa; đánh giá nguyên nhân của nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đến nay còn hơn 6%.

Agribank tiếp tục bán đấu giá khoản nợ của Nông trường Sông Hậu, giá khởi điểm còn 98,5 tỷ đồng

Agribank thông báo bán đấu giá toàn bộ nợ của Nông trường Sông Hậu thành phố Cần Thơ (Nông trường Sông Hậu). Tiền lãi tiếp tục phát sinh từ ngày 30/3/2021 đến khi Nông Trường Sông Hậu thanh toán hết nợ gốc tiền vay.

Tin ngân hàng ngày 1/6: Thanh tra đầu tư trái phiếu tại một số ngân hàng
Agribank tiếp tục bán đấu giá khoản nợ của Nông trường Sông Hậu

Phía nhà băng cho biết khoản vay có tài sản bảo đảm của Nông Trường Sông Hậu tại Agribank chi nhánh Thành phố Cần Thơ theo 4 hợp đồng cấp tín dụng được ký vào các năm 2000, 2001, 2003 giữa Agribank và Nông Trường Sông Hậu.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ gồm hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp tài sản ký giữa Agribank chi nhánh TP Cần Thơ và Nông Trường Sông Hậu. Tài sản đảm bảo cũng gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Cần Thơ cấp ngày 24/3/1999 và quyết định số 710 về việc giao đất và cấp quyền sử dụng đất cho Nông Trường Sông Hậu ngày 23/3/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, cùng một số các văn bản, tài liệu có liên quan khác.

Agribank chào giá khoản nợ với khởi điểm 98,5 tỷ đồng, tương đương 28% giá trị khoản nợ. Từ cuối tháng 4/2022, Agribank đã nhiều lần đưa khoản nợ này ra đấu giá nhưng không thành công. Sau nhiều lần được đấu giá, giá khởi điểm của khoản nợ hạ từ 348,8 tỷ đồng trong lần đầu tiên, xuống 228,9 tỷ trong các lần tiếp theo và hiện giảm xuống còn 98,5 tỷ đồng.

Nông trường Sông Hậu được thành lập vào tháng 4/1979, đây từng được xem là mô hình điểm trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của cả nước. Đến năm 1992, UBND tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ) quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước Nông trường Sông Hậu với 100% vốn nhà nước.

Năm 2019, UBND TP Cần Thơ quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của nông trường sang mô hình Công ty TNHH hai thành viên để tháo gỡ những khó khăn tài chính kéo dài nhiều năm của Nông trường Sông Hậu.

Đầu năm 2021, UBND TP Cần Thơ cũng có đã có công văn gửi Agribank xem xét có quyết định miễn lãi vay cho Nông trường Sông Hậu để đơn vị này tiếp tục hoàn thiện phương án tài chính, phương án sản xuất kinh doanh và phương án chuyển đổi Nông trường.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 1/6: Thanh tra đầu tư trái phiếu tại một số ngân hàng

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn