Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng chuẩn bị có biến động lớn về nhân sự cấp cao

10:01 | 20/03/2022

|
Kho bạc Nhà nước liên tiếp chào mua lượng lớn ngoại tệ; Nhiều ngân hàng đã dự kiến lãi lớn trong quý I; Fed tăng lãi suất lần đầu kể từ năm 2018; VIB triển khai kế hoạch chia thưởng năm 2022, tỷ lệ tới 35%...là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua
Tin ngân hàng ngày 19/3: BIDV, ngân hàng đầu tiên hoãn thu phí phân tầng đối với dịch vụ biến động số dư qua SMS BankingTin ngân hàng ngày 19/3: BIDV, ngân hàng đầu tiên hoãn thu phí phân tầng đối với dịch vụ biến động số dư qua SMS Banking
Tin ngân hàng ngày 18/3: 8 ngân hàng cấp 35 nghìn tỷ đồng cho dự án gang thép lớn nhất của Hòa Phát tại Dung QuấtTin ngân hàng ngày 18/3: 8 ngân hàng cấp 35 nghìn tỷ đồng cho dự án gang thép lớn nhất của Hòa Phát tại Dung Quất

Nhiều ngân hàng chuẩn bị có biến động lớn về nhân sự cấp cao

Tháng 4 này, ngân hàng SHB sẽ tiến hành tổ chức Đại hội cổ đông thường niên. Và trong lần này, SHB sẽ thực hiện bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2022 - 2026. Ông Đỗ Quang Hiển, đang là chủ tịch HĐQT của SHB và kiêm Chủ tịch Tập đoàn T&T, do vậy theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, ông Hiển phải đưa ra quyết định chỉ đảm nhiệm vị trí chủ tịch ở 1 trong 2 nơi.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng chuẩn bị có biến động lớn về nhân sự cấp cao
Nhiều ngân hàng chuẩn bị có biến động lớn về nhân sự cấp cao

HDBank cũng vừa gửi đi thông báo cho các cổ đông về việc bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022-2027. Theo đó, HĐQT của HDBank trong nhiệm kỳ mới sẽ bao gồm 9 thành viên, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập. Tượng tự như trường hợp của SHB, Chủ tịch HĐQT HDBank bà Lê Thị Băng Tâm cũng đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Công ty Vinamilk, nên khả năng trong kỳ đại hội lần này, bà Tâm sẽ phải đưa ra lựa chọn.

Sacombank cũng sẽ bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2022-2026 tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên sắp tới. Hiện HĐQT nhà băng này có 7 thành viên gồm ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT), ông Phạm Văn Phong, ông Nguyễn Miên Tuấn, ông Nguyễn Xuân Vũ, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm (kiêm Tổng giám đốc), bà Lê Thị Hoa và ông Nguyễn Văn Huynh là hai thành viên độc lập. 4 thành viên Ban Kiểm soát gồm ông Trần Minh Triết, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, ông Hà Tôn Trung Hạnh, ông Lê Văn Tòng.

Mới đây tại ABBank, ông Lê Hải đã thôi vị trí Tổng Giám đốc sau gần 2 năm đảm nhiệm. Đồng thời, HĐQT nhà băng này đã bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng Giám đốc thường trực đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng. Quyết định bổ nhiệm chính thức có hiệu lực từ ngày 3/3. Trước đó trong tháng 2/2022 Hội đồng quản trị đã điều chỉnh cơ cấu tổ chức và giá trị cốt lõi để hướng tới các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 – 2025.

ACB vừa qua đã bổ nhiệm ông Từ Tiến Phát làm Tổng Giám đốc ACB nhiệm kỳ 2022-2025. Trên cương vị mới, Tổng Giám Đốc ACB, ông Từ Tiến Phát khẳng định: "ACB sẽ tiếp tục kiên định thực hiện chiến lược kinh doanh đề ra, hướng đến hoàn thành các mục tiêu để luôn làm chủ các xu hướng vận động, phát triển liên tục của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số.

Techcombank cũng đã có sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp. Theo đó, ông Trịnh Bằng đã rời vị trí Giám đốc Tài chính, thay thế là một người nước ngoài, từng có nhiều năm gắn bó với ngân hàng HSBC. Cụ thể, Hội đồng Quản trị Techcombank vừa thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Giám đốc Tài chính Tập đoàn (CFO) đối với ông Trịnh Bằng từ ngày 11/1/2022. Đồng thời bổ nhiệm ông Alexandre Charles Emmanuel Macaire làm người thay thế.

Kho bạc Nhà nước liên tiếp chào mua lượng lớn ngoại tệ

Kho bạc Nhà nước đã có giao dịch mua 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại trong nước, giao dịch đầu tiên của năm 2022.

Tuần này (thanh toán vào ngày 16/3), Kho bạc Nhà nước tiếp tục có giao dịch chào mua đợt 02 của năm 2022, với khối lượng tăng lên 250 triệu USD.

Các giao dịch trên, cũng như trong năm 2021, đều thực hiện theo loại hình giao dịch là giao ngay.

Như vậy, tổng lượng chào mua của Kho bạc Nhà nước từ đầu năm đến nay là 350 triệu USD, ứng với khoảng 8.000 tỷ đồng đối ứng được "bơm" ra thị trường qua kênh này khi giao dịch thành công.

Trước đó, ở kênh dữ liệu của một tổ chức nghiên cứu thị trường mà BizLIVE tiếp cận, ước tính trong năm qua Kho bạc Nhà nước cũng đã mua vào khoảng 1,7 tỷ USD, ứng với gần 39.000 tỷ đồng.

Như vậy, cùng với Ngân hàng Nhà nước, thị trường đã khẳng định một kênh mua vào ngoại tệ khá đều với các ngân hàng thương mại là Kho bạc Nhà nước. Ngày 9/3 vừa qua, lần đầu tiên Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức lễ ký Quy chế mua, bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước và dự trữ ngoại hối nhà nước, trong đó trọng tâm là chuẩn hóa quy trình mua, bán ngoại tệ.

Nhiều ngân hàng đã dự kiến lãi lớn trong quý I/2022

Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) năm 2022 diễn ra ngày 16/3 vừa qua, ông Hồ Vân Long, Phó Tổng Giám đốc VIB cho biết, lãi quý I/2022 của ngân hàng ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm, với tăng trưởng tín dụng trên 5%.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng chuẩn bị có biến động lớn về nhân sự cấp cao
Nhiều ngân hàng đã dự kiến lãi lớn trong quý I/2022

Hiện tại VIB đã có lãi trên 1.000 tỷ đồng mỗi tháng và đặt mục tiêu lãi tỷ USD trong 5 năm tới. Riêng năm 2022, ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về Tổng tài sản, Tổng dư nợ tín dụng và Huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng.

Trước đó, tại Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư chiều ngày 15/3, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MB cũng tiết lộ lợi nhuận hợp nhất quý I của ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỷ đồng; và con số thực hiện trong 2 tháng đầu năm đã bám sát mục tiêu này.

Trong 5 năm tới, MB phấn đấu đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng (tương đương tăng 24%/năm) và lợi nhuận 45.000 tỷ đồng (tương đương tăng 21%/năm) vào năm 2026.

Còn tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích vào tháng 2, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc tài chính MSB đã tiết lộ về kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 1/2022 với con số khởi đầu khả quan. Cụ thể, CASA ngân hàng đã tăng 2.350 tỷ đồng so với cuối năm 2021 và lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 577 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo MSB cho biết, ngân hàng đang ký kết thỏa thuận bán 100% vốn công ty con FCCom cho đối tác nước ngoài, dự kiến thương vụ này mang về khoảng 1.800 tỷ - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận cho MSB trong năm nay.

Trong năm 2022, MSB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 30%, đạt 6.800 tỷ đồng. Tổng tài sản kế hoạch tăng thêm 15%, đạt 230.000 tỷ đồng; tín dụng kỳ vọng tăng 25%, tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và dự kiến mức chia cổ tức tỷ lệ 30%.

Fed tăng lãi suất lần đầu kể từ năm 2018

Fed tăng lãi suất tham chiếu thêm 0,25%, nhằm chặn lại dòng xoáy lạm phát mà không kéo tụt tăng trưởng kinh tế.

Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 16/3 thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản, lên quanh 0,25% - 0,5%. Đây là lần đầu tiên họ nâng lãi sau hơn 3 năm, nhằm chặn lại dòng xoáy lạm phát mà không kéo tụt tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất tham chiếu đã được duy trì quanh 0% từ đầu năm 2020 để đối phó đại dịch. Việc nâng lãi sẽ khiến hàng loạt lãi suất cho vay khác tăng lên. Quan chức Fed ám chỉ quá trình nâng lãi năm nay sẽ khiến kinh tế chậm hơn.

Fed có thể nâng lãi thêm 6 lần nữa trong năm nay, kéo lãi suất tham chiếu lên 1,9% cuối năm. Sang năm 2023, số lần tăng sẽ là 3, sau đó dừng lại trong năm 2024.

"Chúng tôi cảm thấy nền kinh tế hiện rất mạnh và đủ khả năng chống chịu khi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn", Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong họp báo.

Giá cả tại Mỹ đã tăng vọt trong năm qua, đẩy lạm phát vượt xa mục tiêu dài hạn của Fed là 2%. Tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 7,9%. Giá đã đi lên từ trong đại dịch, do nhu cầu cao, chuỗi cung ứng gián đoạn và nhiên liệu đắt đỏ hơn.

Powell cho biết những yếu tố kìm hãm lạm phát, như chuỗi cung ứng bớt tắc nghẽn hay tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng lên, đã không diễn ra. Vì thế, Fed buộc phải hành động. Nhiệm vụ của họ là giữ giá cả ổn định và giúp nhiều người có việc làm nhất có thể.

Lần gần nhất Fed nâng lãi là tháng 12/2018. Sau đó, họ phải hạ lãi suất trong tháng 7/2019 và bắt đầu quá trình giảm liên tục.

VIB triển khai kế hoạch chia thưởng năm 2022, tỷ lệ tới 35%

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.545 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng chuẩn bị có biến động lớn về nhân sự cấp cao
VIB triển khai kế hoạch chia thưởng năm 2022, tỷ lệ tới 35%

Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 554,5 triệu cổ phiếu để chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng lên trên 21.000 tỷ đồng.

Đây là năm thứ ba liên tiếp VIB trả cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu. Trước đó, ngân hàng đã chi trả cổ tức với tỷ lệ 20% và 40% trong năm 2020 và 2021.

Đáng chú ý, quyết định của HĐQT VIB được đưa ra chỉ sau hai ngày kể từ Đại hội cổ đông thường niên 2022 (16/3). Tại đại hội, phương án tăng vốn này đã được cổ đông VIB thông qua.

Bên cạnh kế hoạch chia cổ tức, cổ đông ngân hàng cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm với lợi nhuận mục tiêu 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với kết quả đạt được trong năm 2021.

Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng chuẩn bị có biến động lớn về nhân sự cấp cao

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn