Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Từ tháng 4, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

10:37 | 03/04/2022

|
Techcombank lên kế hoạch lợi nhuận 27.000 tỷ, tiếp tục không chia cổ tức; Ngân hàng Nhà nước vừa liên tiếp “bơm” ròng; Quý 1/2022, nợ xấu ngân hàng giảm; HDBank dự kiến lãi gần 9.800 tỷ đồng trong năm 2022, kế hoạch chia cổ tức 25%...là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua
Tin ngân hàng ngày 2/4: Giải ngân gần 4.800 tỷ đồng cho vay trả lương, phục hồi sản xuất, kinh doanhTin ngân hàng ngày 2/4: Giải ngân gần 4.800 tỷ đồng cho vay trả lương, phục hồi sản xuất, kinh doanh
Tin ngân hàng ngày 1/4: Sacombank đã xử lý và thu hồi được gần 72.000 tỷ đồng nợ xấuTin ngân hàng ngày 1/4: Sacombank đã xử lý và thu hồi được gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu

Từ tháng 4, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

Nhiều ngân hàng mới đây đã công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ tháng 4/2022. Theo đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay đã thay đổi.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Từ tháng 4, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi
Từ tháng 4, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

Ngày 1/4, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) công bố biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến mới, trong đó tăng thêm 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, tại kỳ hạn 10-11 tháng, lãi suất tăng 0,3 điểm % lên 6,8%/năm. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 8 tháng tăng 0,2 điểm % lên 6,6%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1 điểm % lên 6,6%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của NamABank cũng tăng 0,3 điểm % lên 6,5%/năm.

Ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi online. Ngoài ra, kỳ hạn 12 tháng – 15 tháng cũng có lãi suất rất cao là 7,2%/năm.

NamABank vẫn giữ nguyên lãi suất đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, cao nhất là 6,7%/năm khi gửi kỳ hạn từ 18 tháng đến 23 tháng.

Trước đó, Techcombank cũng công bố biểu lãi suất áp dụng từ ngày 30/3/2022. Theo đó, ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng lên tới 7,8%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng cho khách hàng có tiền gửi từ 999 tỷ trở lên. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất được niêm yết hiện nay. Đối với khách hàng có số tiền gửi nhỏ hơn, sẽ được hưởng lãi suất 4,7-4,9%/năm, không thay đổi so với trước.

Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động từ ngày 29/3/2021 theo xu hướng tăng.

Cụ thể, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã lên 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng khi gửi tiết kiệm online, cao hơn 0,2%/năm so với trước. Đối với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cũng tăng 0,2% lên 6,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giữ nguyên mức 6,6%/năm.

Đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất của VietCapitalBank tăng 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tăng 01 điểm % lên 6,8%/năm. Tại kỳ hạn 18 tháng, 12 tháng đều tăng 0,2 điểm % lên lần lượt 6,8%/năm và 6,6%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay, huy động được các TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ 0,03-0,06 điểm phần trăm trong Quý II/2022 và 0,13-0,18 điểm phần trăm trong cả năm 2022, chủ yếu là dự kiến tăng lãi suất huy động.

Techcombank lên kế hoạch lợi nhuận 27.000 tỷ, tiếp tục không chia cổ tức

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

Theo đó, ngân hàng dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu thấp hơn 1,5%.

Để kịp thời chủ động triển khai kế hoạch kinh doanh, ngân hàng cũng đệ trình cổ đông chấp thuận cho HĐQT xem xét, quyết định thực hiện, bao gồm cả việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh trên nhằm phù hợp với giới hạn tăng trưởng tín dụng được phê duyệt và quy định của NHNN.

Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng cũng sẽ đề xuất với cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2021. Cụ thể, sau khi trích 2.408 tỷ đồng cho các quỹ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính và quỹ phúc lợi, lợi nhuận còn lại của năm 2021 là gần 13.394 tỷ đồng. Cộng với hơn 26.743 tỷ đồng chưa sử dụng của các năm trước, Techcombank sẽ có khoản lợi nhuận có thể phân phối lên tới gần 40.137 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngân hàng tiếp tục đề xuất với cổ đông không chia lợi nhuận để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Trong năm 2022, Techcombank chỉ có kế hoạch tăng vốn thêm hơn 63 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho người lao động. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên trên 35.172 tỷ đồng.

Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 sau khi được NHNN, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.

HĐQT Techcombank cho biết đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của ngân hàng. Do đó, ban lãnh đạo đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4724% thành 22,4595%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước vừa liên tiếp “bơm” ròng

Ngày 31/3, thời điểm chốt quý 1/2022, hoạt động thị trường mở (OMO) ghi nhận lượng "bơm" ròng đáng kể từ Ngân hàng Nhà nước.

Phiên chốt quý 1 này ghi nhận có 3 thành viên tham gia, với lượng trúng thầu 3.167,36 tỷ đồng - quy mô đáng kể nhất trong tháng 3 vừa qua. Kỳ hạn cung nguồn hỗ trợ này vẫn 14 ngày và lãi suất vẫn ở mức 2,5%/năm.

Sang ngày 01/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm thêm 122,19 tỷ đồng và chỉ có 1 thành viên tham gia.

Theo đó, tổng số dư nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước qua kênh này hiện đã lên gần 5.000 tỷ đồng, cũng đều ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%/năm. Suốt thời gian qua nhà điều hành đều chào thầu ở kỳ hạn này với quy mô chào 10.000 tỷ đồng/phiên.

Mặc dù chưa lớn, song Ngân hàng Nhà nước đang liên tiếp bơm ròng qua OMO để hỗ trợ cân đối nguồn ngắn hạn trong hệ thống. Trong khi thời điểm này năm ngoái toàn hệ thống không cần phải hỗ trợ.

Nhưng tại thời điểm chốt quý 1 và bước vào quý 2/2020, thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tiếp bơm ròng lượng lớn qua OMO để hỗ trợ nguồn cho hệ thống, có những phiên bơm lên tới trên 9.000 tỷ đồng. Song điểm khác biệt lớn khi đó là thời điểm lần đầu tiên cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh và các dòng tiền bị ảnh hưởng nhất định trong cân đối nguồn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Khác biệt nữa, ở cao điểm bơm ròng cuối quý 1 đầu quý 2/2020, lãi suất Ngân hàng Nhà nước còn áp tới 3,5%/năm thì nay lãi suất thấp hơn nhiều chỉ với 2,5%/năm.

Lãi suất Ngân hàng Nhà nước áp dụng trên OMO hiện nay cũng là một "chốt chặn" để góp phần bình ổn nhất định lãi suất trên các thị trường.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND đến cuối quý 1 đầu quý 2 này đã bình ổn trở lại dù đã cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021. Lãi suất qua đêm đã về sát mức 2%/năm, và đặc biệt đường cong lãi suất ở đây đã trở lại bình thường thay vì bị đảo ngược hồi đầu năm.

Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên và tiếp tục tăng thời gian gần đây, như qua đêm đã trên 0,3%/năm, mà tác động chính có từ quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ trung tuần tháng 3 vừa qua.

Quý 1/2022, nợ xấu ngân hàng giảm

Đây là kết quả cuộc điều tra được Ngân hàng Nhà nước tiến hành từ ngày 25/02/2021 đến ngày 10/3/2022, đối tượng là toàn bộ các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ trả lời đạt 94%.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2021 của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng được nhận định tiếp tục xu hướng tăng chậm lại và tương đối ổn định trong Quý I/2022 và Quý II/2022 so với quý trước.

Tính chung cả năm 2022, MBRR được kỳ vọng duy trì ổn định, ít thay đổi và có xu hướng cải thiện tích cực hơn so với diễn biến của năm 2021, trong đó, nhóm khách hàng cá nhân được dự báo đạt mức cải thiện tốt nhất về MBRR.

Trái với nhận định nợ xấu "tăng nhẹ" trong quý IV/2021 và đúng như kỳ vọng tại kỳ điều tra tháng 12/2021, nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý I/2022 được các TCTD nhận định có chiều hướng "giảm nhẹ" so với quý IV/2021 và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong quý II/2022.

Mặt bằng lãi suất cho vay-huy động được các TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ 0,03-0,06 điểm % trong Quý II/2022 và 0,13-0,18 điểm % trong cả năm 2022, chủ yếu là dự kiến tăng lãi suất huy động.

Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,6% trong quý II/2022 và tăng 11,4% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 12,1% tại kỳ điều tra trước.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1 % trong năm 2022, tương đương mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước

HDBank dự kiến lãi gần 9.800 tỷ đồng trong năm 2022, kế hoạch chia cổ tức 25%

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank – Mã: HDB) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Trong đó, ngân hàng đệ trình kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2021. Các tỷ lệ sinh lời ROA, ROE năm 2022 mục tiêu đạt lần lượt 1,92% và 22,2%.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Từ tháng 4, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi
HDBank dự kiến lãi gần 9.800 tỷ đồng trong năm 2022, kế hoạch chia cổ tức 25%

Tổng tài sản trong năm 2022 dự kiến tăng 18% lên 440.439 tỷ đồng, tổng huy động và dự nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 17% và 20%, tương ứng đạt 392.683 tỷ đồng và 256.060 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện tối đa không vượt quá chỉ tiêu tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dự kiến không vượt qua mức 2%.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận của các cổ đông thiểu số, lợi nhuận năn 2021 còn lại hơn là 5.054 tỷ đồng. Cộng với khoản lợi nhuận chưa chia của các năm trước, lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức của HDBank là gần 5.350 tỷ.

Trong năm 2022, ngân hàng đệ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm gần 5.231 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu.

Đợt 1, HDBank sẽ phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối tích lũy. Sau phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm hơn 5.031 tỷ đồng.

Đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tăng vốn thêm 200 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày phát hành.

Với số vốn tăng thêm, HDBank dự kiến sử dụng để cho vay trung dài hạn (4.000 tỷ). Phần còn lại sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho ngân hàng.

Sau hai đợt phát hành, vốn điều lệ ngân hàng vào cuối năm 2022 dự kiến đạt 25.503 tỷ đồng, tăng 27% so với hiện tại.

Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Từ tháng 4, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn