Tin nhanh ngân hàng ngày 6/12: Mua vé bus điện bằng thẻ chip ngân hàng

08:15 | 06/12/2021

|
Dàn cảnh cướp gần 1 tỉ đồng trước ngân hàng; Gia tăng tình trạng rút sổ BHXH rút một lần…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật
Tin nhanh ngân hàng ngày 5/12: MSB cho doanh nghiệp siêu nhỏ vay vốn không tài sản bảo đảmTin nhanh ngân hàng ngày 5/12: MSB cho doanh nghiệp siêu nhỏ vay vốn không tài sản bảo đảm
Tin nhanh ngân hàng ngày 4/12: TPBank được chấp thuận tăng 35% vốn điều lệTin nhanh ngân hàng ngày 4/12: TPBank được chấp thuận tăng 35% vốn điều lệ

Mua vé bus điện bằng thẻ chip ngân hàng

Ngày 2/12, tuyến bus điện của Vinbus chính thức lăn bánh trong nội thành Hà Nội, cho phép hành khách mua vé bằng thẻ chip contactless (không tiếp xúc) của ngân hàng thay vì dùng tiền mặt.

Tin nhanh ngân hàng ngày 6/12: Mua vé bus điện bằng thẻ chip ngân hàng
Mua vé bus điện bằng thẻ chip ngân hàng

Hành khách có thể trả tiền vé bằng cách chạm nhẹ thẻ ngân hàng vào thiết bị chấp nhận thẻ (Smart POS). Trong giai đoạn đầu, tính năng "chạm" thanh toán được áp dụng tại thẻ chip không tiếp xúc (contactless) của 7 ngân hàng TPBank, BIDV, Agribank, SHB, Ngân hàng Bản Việt, Viet Bank và SeABank.

Đại diện Napas, đơn vị cung cấp hạ tầng công nghệ và hỗ trợ phát hành thẻ chip, cho biết hiện có khoảng 21 triệu thẻ chip không tiếp xúc (contactless) trên tổng 100 triệu thẻ ngân hàng trên thị trường. Số thẻ chip không tiếp xúc sẽ còn tăng mạnh trong lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sắp tới.

Ngoài hạn chế rủi ro về ăn cắp và giả mạo thông tin với thẻ từ trước đây, thẻ chip có khả năng lưu trữ thông tin lớn và được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng có thể giúp Việt Nam ứng dụng vào các lĩnh vực khác như thanh toán trong bảo hiểm, giao thông, thanh toán các dịch vụ công... như ở một số nước phát triển.

Sau Vinus, dự kiến Napas triển khai dịch vụ thanh toán không chạm này với một đơn vị vận tải xe bus truyền thống khác và áp dụng tại nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, TP HCM.

Sắp tới, ngoài dùng thẻ chip không tiếp xúc, trên phương tiện công cộng, người dùng có thể thanh toán bằng quét mã QR.

Tuy nhiên, tiến độ mở rộng dịch vụ thanh toán online tại các đơn vị giao thông công cộng trên thực tế còn phụ thuộc vào mức độ đầu tư hệ thống, đặc biệt là mức độ sẵn sàng minh bạch hóa thông tin. Trong lĩnh vực giao thông vận tải công cộng, các đơn vị đang được trợ giá dựa trên lưu lượng hành khách và khối lượng tải, vì thế việc chuyển lên online có thể tạo nên rào cản tâm lý với các đơn vị này.

Dàn cảnh cướp gần 1 tỉ đồng trước ngân hàng

Chiều 4/12, tin từ Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 đối tượng để làm rõ hành vi cướp giật tài sản trước 1 chi nhánh ngân hàng trên đường Ngô Quyền, TP Buôn Ma Thuột.

Trước đó, ngày 30/11, chị Dương Thị Giang (trú huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) trình báo bị một nhóm đối tượng cướp gần 1 tỉ đồng trước ngân hàng.

Ngay sau khi nhận tin báo, Công an TP Buôn Ma Thuột đã khẩn trương vào cuộc điều tra, nhanh chóng làm rõ và bắt giữ 6 đối tượng, gồm: Trần Thế Anh (35 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột), Phan Thị Vực (29 tuổi, trú huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Thị Thanh Dung (36 tuổi, trú huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), Vương Văn Quân (26 tuổi, trú huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk), Văn Nguyễn Thành Đạt (21 tuổi, trú huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) và Nguyễn Văn Hùng (24 tuổi, trú huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk).

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận do biết thông tin chị Giang nhờ Trần Thế Anh (trong nhóm) đứng tên sở hữu lô đất tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk để làm thủ tục vay 1 tỉ đồng nên đã lên kế hoạch thực hiện vụ cướp.

Chiều 30/11, chị Giang và Trần Thế Anh đến ngân hàng để vay 1 tỉ đồng. Sau khi vay được tiền, chị Giang đã trả nợ 60 triệu đồng cho một người rồi đi về. Khi chị Giang vừa bước ra khỏi ngân hàng, lập tức nhóm đối tượng tiếp cận, dàn cảnh đòi nợ và giật túi tiền 940 triệu đồng của chị rồi tẩu thoát.

Sau đó, nhóm đối tượng chia nhau mỗi tên một ít tiền để tiêu xài, số còn lại 890 triệu đồng gửi vào tài khoản của một người khác để tránh bị công an phát hiện.

Gia tăng tình trạng rút sổ BHXH rút một lần

Theo TS. Phạm Đình Thành, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH, BHXH Việt Nam, có nhiều lý do khiến tình trạng rút BHXH tăng mạnh, trong đó, nguyên nhân nằm ở quy định, chính sách. Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần phải hiểu rõ lý do vì sao người dân đua nhau rút, từ đó, có hướng xử lý.

Tin nhanh ngân hàng ngày 6/12: Mua vé bus điện bằng thẻ chip ngân hàng
Gia tăng tình trạng rút sổ BHXH rút một lần

Theo các chuyên gia, việc hiểu biết hạn chế cùng những khó khăn từ dịch bệnh, nhu cầu cần tiền để trang trải, duy trì cuộc sống là những nguyên nhân cộng hưởng tạo nên làn sóng rút BHXH một lần tăng mạnh như hiện nay. Cùng với đó, quy định cho phép rút BHXH một lần chưa đủ chặt chẽ cũng là lý do khiến người dân đua nhau rút BHXH một lần.

Về hướng khắc phục, theo TS. Phạm Đình Thành, việc đầu tiên là phải có hướng hỗ trợ, giải quyết nhu cầu trước mắt cho người dân. Ví dụ, với những người có nguyện vọng rút BHXH một lần vì những lý do bất khả kháng như là lao động nước ngoài tại Việt Nam hoặc lao động Việt Nam chuyển đi nước ngoài, không có nhu cầu đóng bảo hiểm nữa thì phải giải quyết chế độ một lần cho họ.

Còn với những trường hợp rút BHXH một lần vì những khó khăn trước mắt như bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, không có tiền để trang trải, duy trì cuộc sống thì phải tính tới chính sách hỗ trợ tạm thời. Có thể xử lý theo hướng hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, coi sổ BHXH là tài sản thế chấp và giải quyết các thủ tục vay nhanh gọn cho người dân. Khi nhu cầu tài chính trước mắt được giải quyết người dân sẽ không còn muốn rút BHXH một lần nữa.

Về lâu dài, phải siết lại quy định cho rút BHXH một lần theo hướng đưa ra nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, điều kiện ràng buộc khắt khe hơn để người dân cân nhắc giữa lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài khi quyết định. Có thể là cho phép rút BHXH một lần nhưng chỉ được rút tương đương với phần người lao động đã đóng.

Nguồn: Tin nhanh ngân hàng ngày 6/12: Mua vé bus điện bằng thẻ chip ngân hàng

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn