An Giang: Canh tác lúa thân thiện môi trường

17:15 | 09/11/2023

|
Là địa phương được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn thực hiện Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường, An Giang đã triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục vận động, tuyên truyền nông dân tham gia canh tác lúa thân thiện với môi trường, nhằm giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận.
An Giang phát triển mới các sản phẩm du lịchAn Giang phát triển mới các sản phẩm du lịch
An Giang: Du lịch thông minh góp phần thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số của tỉnhAn Giang: Du lịch thông minh góp phần thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số của tỉnh

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nông dân. Bên cạnh, tập quán sản xuất truyền thống của nông dân thường xuyên lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã tạo điều kiện cho dịch hại gia tăng, làm giảm năng suất, chất lượng nông sản, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường. Do đó, việc tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện môi trường để thích nghi với điều kiện khí hậu là mục tiêu quan trọng.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết: “Khi Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn An Giang là một trong 24 địa phương trong cả nước thực hiện dự án, chúng tôi đã tham mưu và trình UBND tỉnh triển khai dự án trên địa bàn 4 xã: Vọng Đông, Tây Phú (huyện Thoại Sơn) và An Thạnh Trung, Hòa An (huyện Chợ Mới).

Trong đó, chúng tôi chú trọng vào các mục tiêu: Nâng cao kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân; nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường…”.

An Giang là một trong 24 địa phương trong cả nước thực hiện Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nhiên, nông dân đã được tỉnh hỗ trợ mở các lớp tập huấn tổng quan về canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ thuật ướt khô xen kẽ, giảm phân hóa học, xử lý rơm rạ. Xây dựng 4 mô hình trình diễn với diện tích 0,1 - 0,2ha để đối chứng hiệu quả mô hình.

Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến cáo nhằm thúc đẩy nông dân thay đổi phương pháp sản xuất truyền thống sang canh tác lúa thân thiện môi trường. Đồng thời, thường xuyên phối hợp các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật để hỗ trợ trực tiếp tại đồng ruộng cho nông dân. Từ đó, đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nông dân có tư duy sản xuất tiến bộ tham gia dự án.

Ông Trần Thanh Vân (nông dân xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) cho hay: “Sau khi được tập huấn về canh tác lúa thân thiện với môi trường, tôi đã thực hiện mô hình trình diễn trên diện tích 1.000m2 và ô đối chứng 1.000m2. Kết quả so sánh ô trình diễn và ô đối chứng, tôi nhận thấy phân bón hóa học giảm từ 5 - 8kg, giảm được 2 lần bơm nước trong cả vụ, việc xử lý rơm rạ làm nấm rơm, sử dụng phụ phẩm làm phân hữu cơ cũng mang lại lợi nhuận. Tính ra, tôi có thêm lợi nhuận trên 1,9 triệu đồng/ha”.

Với kết quả thu được trong quá trình thực hiện canh tác lúa thân thiện với môi trường, ông Vân đề xuất Hội Nông dân tỉnh cần phổ biến, nhân rộng cho nông dân toàn tỉnh áp dụng, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tiến tới nền nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường vẫn gặp khó khăn nhất định, nhất là tư duy sản xuất truyền thống của nông dân chưa thay đổi được. Bên cạnh, thời tiết không thuận lợi cũng ảnh hưởng đến việc triển khai và xây dựng mô hình...

Nông dân An Giang thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường

Trên cơ sở đó, Hội Nông dân tỉnh An Giang đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả của dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường trong thời gian tới. Cụ thể, cần tiếp tục tuyên truyền nhân rộng để thay đổi hành vi, nhận thức của người nông dân trong áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, đẩy mạnh thực hiện tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân.

Để quản lý tốt ruộng lúa của mình, tổ chức hội nông dân các cấp phải cùng nông dân từng bước khắc phục các tiêu chí khó, như: Kế hoạch mùa vụ, quản lý dịch hại, quản lý rơm rạ, hướng dẫn an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… nhằm đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa thân thiện với môi trường.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân về dự án và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa từ khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái (drone) vào sản xuất với quy mô lớn, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất. Đồng thời, cũng giúp kiểm soát, quản lý tốt đồng ruộng, tạo vùng nguyên liệu lúa gạo lớn, thu hút doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn. Nếu thực hiện được các mục tiêu này, sẽ ngày càng thu hút nông dân áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, giảm chi phí sản xuất, tăng nguồn thu để cải thiện đời sống” - ông Nguyễn Văn Nhiên phân tích.

“Bên cạnh lợi ích về giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp, kết hợp trồng hoa sinh thái, quản lý nước ngập khô xen kẽ, áp dụng cơ giới hóa, bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả theo dự án còn góp phần giảm công lao động, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến sản xuất bền vững” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên khẳng định.

Nguồn: Canh tác lúa thân thiện môi trường

Thanh Tiến

baoangiang.com.vn