An Giang phát triển thương mại nội địa

10:20 | 12/03/2024

|
An Giang là thị trường có sức mua lớn nhất vùng ĐBSCL, còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp (DN) cung ứng sản phẩm tiêu dùng nội địa. Từ An Giang, hàng hóa có thể kết nối, lan tỏa ra nhiều địa phương trong nước, cũng như xuất khẩu sang Vương quốc Campuchia.
An Giang: Những “tay lái lụa” trên đỉnh núi TôAn Giang: Những “tay lái lụa” trên đỉnh núi Tô
An Giang: Khai giảng lớp tập huấn tạo nguồn trống, kèn năm 2024An Giang: Khai giảng lớp tập huấn tạo nguồn trống, kèn năm 2024

Sức mua hàng hóa lớn

Năm 2023, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn An Giang tiếp tục tạo dấu ấn về quy mô tổ chức, sự hưởng ứng của người dân. Không chỉ DN trong tỉnh mà nhiều DN ngoài tỉnh thông qua chương trình đã mở rộng thị trường nông thôn, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam.

Sở Công Thương An Giang đã phối hợp Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc), Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn, Siêu thị MM Mega Market Long Xuyên và Winmart Long Xuyên tổ chức thành công 100 chuyến hàng Việt về nông thôn; kết nối sản phẩm nông sản của hợp tác xã (HTX) với đầu mối thu mua sản phẩm tại TP. Hồ Chí Minh.

“An Giang là thị trường có sức tiêu dùng lớn nhất vùng ĐBSCL, là một trong những thị trường bán lẻ lớn của cả nước. DN ở nhiều tỉnh, thành phố luôn có nhu cầu kết nối đưa hàng hóa về thị trường An Giang” - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn phân tích.

Không chỉ là thị trường tiêu dùng lớn, mà sức mua của người dân An Giang còn có sự phục hồi tốt so với nhiều địa phương. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm 2023 của tỉnh đạt 85.196 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ năm 2022, trong đó bán lẻ 58.392 tỷ đồng, tăng 16,51%; doanh thu dịch vụ 26.804 tỷ đồng, tăng 18,08%.

Thu hút doanh nghiệp tham gia

Theo Sở Công Thương, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, các kênh phân phối hiện đại và truyền thống được hình thành đan xen, phần lớn nguồn vốn đầu tư xây dựng từ DN, phù hợp với chủ trương xã hội hóa trong phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh.

Thời gian qua, Sở Công Thương An Giang đã chủ trì làm việc với Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Minh Anh (TP. Hà Nội) về đầu tư xây dựng các dự án trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn An Giang (DN đang phối hợp với địa phương tìm kiếm vị trí phù hợp để đầu tư); làm việc với Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Siêu thị Co.opmart Chợ Mới và 1 siêu thị tại huyện Chợ Mới, đầu tư xây dựng mới 3 chợ, nâng cấp cải tạo 9 chợ...

Các siêu thị, cửa hàng tiện ích ra đời đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về thực phẩm sạch, được người dân nông thôn đồng thuận cao. Bên cạnh chất lượng sản phẩm, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi còn được đầu tư hạ tầng khang trang; hình thức thanh toán hiện đại, có hóa đơn mua hàng, nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn...

Đến nay, An Giang có 2 trung tâm thương mại, 2 trung tâm mua sắm, 8 siêu thị, 89 cửa hàng tiện lợi và 186 chợ truyền thống (10 chợ hạng II, 176 chợ hạng III). Riêng 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới có 52 chợ (13 chợ biên giới), 3 siêu thị (Co.opmart Tân Châu; Co.opmart Châu Đốc; Siêu thị Tứ Sơn), 21 cửa hàng Bách Hóa Xanh và 6 cửa hàng Winmart+.

Sở Công Thương An Giang đã phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương đẩy mạnh mời gọi đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại và dịch vụ logistics, nhất là hạ tầng thương mại biên giới. Theo đó, đã mời gọi Tập đoàn DP World đến khảo sát thực tế Cảng Mỹ Thới và Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên để nghiên cứu đầu tư cảng, kho lạnh và kho ngoại quan tại An Giang (Tập đoàn DP World đang nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về các dự án đầu tư); khảo sát và làm việc với các DN có địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu ở Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình; thống nhất lựa chọn địa điểm dự kiến đầu tư bến bãi tập kết kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu đường sông...

Khai thác hiệu quả thị trường

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân cho biết, với tiềm năng thị trường lớn, ngành công thương đặt mục tiêu phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 đạt 101.740 tỷ đồng, tăng 19,42% so năm 2023.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm, tỉnh tăng cường mời gọi DN đầu tư xây dựng mới các công trình phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt quan tâm dành nguồn lực cho phát triển thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, với các loại hình bán lẻ, như: Chợ, siêu thị quy mô vừa, siêu thị mi-ni, cửa hàng tiện lợi... Tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam khảo sát, chọn vị trí thuận lợi để mở rộng hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh.

Cùng với tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tỉnh khuyến khích phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động quản lý và kinh doanh, thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, QRcode... Đồng thời, phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ qua điện thoại di động, qua các ứng dụng mạng xã hội, trang thương mại điện tử… nhằm đáp ứng xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.

Nguồn: An Giang phát triển thương mại nội địa

Hoàng Xuân

baoangiang.com.vn