“Báu vật sống” của làng Chăm Phú Nhuận

18:00 | 24/04/2025

|
Nghệ nhân Châu Thị Đông được cộng đồng dân cư làng Chăm Phú Nhuận (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) trân trọng gọi là “báu vật sống”. Bà vượt qua định kiến giới, nỗ lực tự học chữ Chăm, học ngâm diễn Ariya và trình diễn dân ca Chăm, trở thành người truyền cảm hứng trong hành trình gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình.
“Báu vật sống” của làng Chăm Phú Nhuận
Nghệ nhân Châu Thị Đông giới thiệu các Ariya do bà sưu tầm đóng tập làm tài liệu trình diễn và truyền dạy cho con cháu tộc họ

Chúng tôi đến thăm nhà bà Châu Thị Đông ở khu dân cư Xóm Mới cùng ông Dương Tấn Kiểm, Bí thư Chi bộ thôn Phú Nhuận. Ông Kiểm cho biết, bà Đông là người phụ nữ Chăm tiêu biểu, đi đầu trong vận động bà con hăng say lao động sản xuất, xây dựng đời sống ấm no, góp phần đưa địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên ở làng Phú Nhuận biết đọc, biết viết chữ Chăm, đồng thời tích cực nghiên cứu, truyền dạy nghệ thuật diễn ngâm Ariya cho các thành viên Câu lạc bộ Trầu Cau và thanh thiếu niên trong làng. Hiện, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đang lập hồ sơ đề nghị phong tặng bà danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Sinh năm 1949 (tuổi Kỷ Sửu), bà Châu Thị Đông lớn lên tại Boh Dăng - tên gọi tiếng Chăm của làng Phú Nhuận, nghĩa là “làng Trái Mun” (boh: trái, dăng: cây mun). Những năm 1960, dù người Chăm theo chế độ mẫu hệ, nhưng phụ nữ vẫn ít được coi trọng trong giáo dục. Phần lớn phụ nữ ở làng đều “mù chữ”, bởi phải gánh vác việc đồng áng lẫn nội trợ. Thế nhưng, bà Đông lại là người phụ nữ có học vấn cao nhất làng lúc bấy giờ, khi tốt nghiệp chương trình tiểu học - điều hiếm thấy trong cộng đồng Boh Dăng thời ấy.

“Báu vật sống” của làng Chăm Phú Nhuận
Ông Dương Tấn Kiểm, Bí thư Chi bộ thôn Phú Nhuận thăm hỏi, động viên Nghệ nhân Châu Thị Đông truyền dạy chữ Chăm và Ariya cho người dân địa phương

Là một phụ nữ Chăm tảo tần, bà cùng chồng khai khẩn hơn 3ha đất trồng bắp, đậu ván tại vùng Hòn Khô (xã Phước Vinh), ngoài 5 sào lúa hai vụ trên cánh đồng làng. Nhờ chăm chỉ, bà nuôi dạy 9 người con khôn lớn, trong đó có hai người là nghệ sĩ trụ cột của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh: Thập Văn Đa (nghệ danh Thập Ariya) và Thập Hữu Lưu.

Khi con cái trưởng thành, kinh tế ổn định, năm 1999, bà xin phép Hội Phụ nữ xã Phước Thuận thành lập Câu lạc bộ Trầu Cau, gồm 11 thành viên là những phụ nữ tiêu biểu của làng. Là Chủ nhiệm, bà phát huy hiệu quả vai trò dân vận, khuyến khích hội viên gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Với những đóng góp ấy, bà được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Dân vận khéo”.

Không ai nghĩ người phụ nữ ngoài 70 ấy lại có dáng đi nhanh nhẹn, giọng ngâm Ariya và tiếng hát dân ca Chăm đầy nội lực, lay động lòng người. Tác giả bài viết từng được nghe nhiều nghệ nhân Chăm trình diễn, nhưng hiếm ai truyền tải được cái hồn của lời thơ, điệu hát như bà Đông.

“Báu vật sống” của làng Chăm Phú Nhuận
Nghệ nhân Châu Thị Đông diễn ngâm trường ca Chăm-Bà ni

Sau khi thành lập Câu lạc bộ Trầu Cau, bà Đông trăn trở: “Vì sao phụ nữ Chăm lại không biết chữ Chăm?” Bà cho rằng, chữ Chăm tuy có hình dáng uốn lượn như rồng rắn, nhưng nếu đàn ông học được thì phụ nữ cũng có thể học. Với mong muốn đọc được sách ông bà để lại, bà quyết tâm học chữ. Các thành viên Câu lạc bộ đồng lòng mua bút vở, nhờ anh Thập Văn Đa - con trai bà, học trò của thầy giáo Thuận Ngọc Liêm đứng lớp. Thời gian đầu, vì sợ dị nghị, các bà giấu vở trong áo, đến nhà thầy mới dám lấy ra luyện viết.

Sau một thời gian học ban đêm, dù lớp học gián đoạn do thầy Thập Văn Đa phải đi lưu diễn, bà Đông vẫn kiên trì học. Nhờ lòng ham học, bà nhanh chóng nắm vững cách đọc, viết và ghép vần chữ Chăm. Từ học trò, bà trở thành người truyền dạy chữ cho 10 thành viên nữ trong Câu lạc bộ, đồng thời vận động thêm hai học viên nam là ông Đổng Hộ và ông Đạo Văn Linh cùng theo học. “Chữ ông bà như có hồn, có vía. Học rồi, mình yêu đến lạ lùng. Đi nhổ cỏ ruộng cũng học, đi gặt lúa cũng học, chữ Chăm theo tôi vào cả giấc ngủ”, bà Đông chia sẻ.

“Báu vật sống” của làng Chăm Phú Nhuận
Nghệ nhân Châu Thị Đông hướng dẫn xem lịch Chăm phục vụ hoạt động nghi lễ

Biết chữ, bà tiếp tục dấn thân vào việc sưu tầm, trình diễn Ariya và các làn điệu dân ca Chăm do nghệ nhân Đàng Thị Khóa và Đàng Tấn ở Phú Nhuận truyền dạy. Trong buổi sáng thanh bình ở làng, giữa hương lúa Đông Xuân phảng phất, chúng tôi được nghe bà Đông ngâm diễn trường ca Chăm-Bà ni trên văn bản chữ Chăm. Tác phẩm gồm 118 câu thơ lục bát, kể chuyện tình buồn giữa chàng trai Bà ni và cô gái Bàamôn, bị chia cắt bởi khác biệt tôn giáo. Câu chuyện kết thúc trong bi kịch khi chàng trai nhảy vào lửa chết cùng người mình yêu. Bà vừa ngâm Ariya, vừa dịch sang tiếng Việt để người nghe thấu cảm nỗi niềm trong từng câu chữ.

Không chỉ diễn ngâm sâu sắc, bà còn hát đầy cảm xúc các làn điệu dân ca như Chăm Bà ni, Thay mai (Ai kìa), Pé nhâm (Hái rau)... Bà mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ trong làng như Hứa Thập Thùy Nhiên, Đổng Dương Anh Tuấn, Hứa Minh Phùng…

“Báu vật sống” của làng Chăm Phú Nhuận
Nghệ nhân Châu Thị Đông truyền dạy Ariya và dân ca Chăm cho con cháu tộc họ

“Tôi yêu thích nội dung các tác phẩm Ariya, vì đó là kho tàng tri thức dân gian quý báu của người Chăm. Còn sức khỏe là tôi còn sưu tầm, còn tận tâm truyền dạy chữ Chăm và nghệ thuật diễn ngâm cho con cháu tộc họ, cho bà con đồng bào Chăm. Đó là tấm lòng tận hiến của người phụ nữ Chăm đối với việc gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc mình”, bà Đông bộc bạch.

Nguồn: “Báu vật sống” của làng Chăm Phú Nhuận

Thái Sơn Ngọc

baodantoc.vn