Bến Tre: Doanh nghiệp quan tâm phát triển thương mại điện tử

04:10 | 02/09/2023

|
Thương mại điện tử đang được xem là bước tiến vượt trội, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển kinh doanh trên nền tảng online.
Bến Tre: Xuất khẩu lô hàng dừa uống nước sang MỹBến Tre: Xuất khẩu lô hàng dừa uống nước sang Mỹ
Bến Tre: Nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển cần khẩn trương khắc phụcBến Tre: Nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển cần khẩn trương khắc phục

Nhiều mặt hàng từ dừa của Bến Tre đã được bán trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada.

Nhiều mặt hàng từ dừa của Bến Tre đã được bán trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada.

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương (năm 2022), doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sự phát triển mạnh của TMĐT đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế số Việt Nam.

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm, trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng phát triển TMĐT và hỗ trợ các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng và tận dụng lợi thế mà lĩnh vực này mang lại. Năm 2023, Chỉ số TMĐT (gọi tắt là EBI) của tỉnh đứng thứ 34/58 trên cả nước, đứng thứ 4 khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển TMĐT và hỗ trợ DN chuyển đổi số (CĐS) thời gian tới, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách và các văn bản có liên quan đến hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT và CĐS trên các phương tiện thông tin đến rộng rãi cộng đồng DN trong tỉnh.

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và nhân rộng mô hình Chợ 4.0 với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho các chợ trên địa bàn tỉnh, hướng tới thực hiện “Chợ 4.0” trên các sàn TMĐT. Song song đó, tổ chức các lớp tập huấn CĐS trong lĩnh vực công nghiệp; tập huấn nhằm hỗ trợ, thúc đẩy DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng TMĐT, cách thức tham gia thị trường TMĐT và các công cụ tiếp thị kỹ thuật, tiếp thị trực tuyến, tiếp thị trên mạng xã hội, quảng bá hình ảnh sản phẩm, gia tăng cơ hội kết nối giao thương và góp phần hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tiếp cận với CĐS, nâng cao hiệu quả việc xúc tiến thông qua môi trường mạng…

Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ có điều kiện tập trung vào các hoạt động chuyên môn về CĐS do Bộ Công Thương triển khai các mục tiêu trung hạn và dài hạn, trọng tâm là triển khai đề án “Hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh quảng bá, xúc tiến bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT”. Kết quả dự kiến hỗ trợ 3 DN trên địa bàn tỉnh quảng bá, xúc tiến bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT trong nước và quốc tế. Nâng cấp và vận hành sàn TMĐT Đặc sản Bến Tre, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kết nối với sàn TMĐT của các tỉnh trong khu vực. Sở Công Thương cũng đã đề xuất và thực hiện xây dựng mô hình thí điểm xã TMĐT. Đến thời điểm này, đã nhận được 7 đề xuất triển khai thí điểm mô hình xã TMĐT của UBND các huyện, thành phố, triển khai bắt đầu từ đầu tháng 8-2023.

Cơ hội đầu ra sản phẩm

Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho hay: TMĐT xuyên biên giới như một cánh tay nối dài, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống, giúp các DN, hợp tác xã tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm tới các thị trường tiềm năng nhờ kết nối trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, quảng bá trực tiếp thương hiệu DN tại thị trường nhập khẩu.

Các sản phẩm dừa và OCOP từ dừa được bán tại Siêu thị Dừa Bến Tre.

Các sản phẩm dừa và OCOP từ dừa được bán tại Siêu thị Dừa Bến Tre.

Các chuyên gia đến từ Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, khi tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, kênh TMĐT xuyên biên giới như trên kênh Amazon sẽ giúp DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, giảm thiểu tối đa các chi phí mà hình thức xuất khẩu truyền thống đang phải gánh vác như chi phí marketing, lưu kho, tiếp cận khách hàng…

“Tham gia TMĐT xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các DN giao lưu, cọ xát thực tế, tiếp cận được với thị trường thế giới một cách chuyên nghiệp hơn, để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực DN và giá trị chất lượng hàng hóa, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới”, bà Đỗ Hồng Hạnh - Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong TMĐT đang là bước tiến mới của TMĐT, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và vận hành kinh doanh. Một số ứng dụng AI phổ biến trong lĩnh vực TMĐT hiện nay được sử dụng để phân tích hành vi mua hàng của người dùng và gợi ý các sản phẩm phù hợp. Hệ thống này có khả năng hiểu và học từ thông tin cá nhân của người dùng. Từ đó, đề xuất các sản phẩm tương tự hoặc liên quan mà người dùng có thể quan tâm.

AI được sử dụng để xây dựng chatbot thông minh, giúp khách hàng có thể tương tác với các công ty trực tuyến một cách tự nhiên và thuận tiện. Chatbot có khả năng hiểu câu hỏi của khách hàng, giải đáp các câu hỏi thông qua việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên và cung cấp hỗ trợ 24/7. AI có khả năng phân tích lượng lớn dữ liệu từ các giao dịch mua bán trực tuyến. Từ đó, giúp các DN dự đoán xu hướng mua sắm và thị trường. Theo dự báo của giới chuyên môn, dự kiến vào năm 2025, khoảng 60% DN TMĐT sẽ sử dụng các công nghệ AI.

Thời gian tới, hoạt động CĐS cho DN trên địa bàn tỉnh sẽ do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện trên cơ sở Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Nguồn: Doanh nghiệp quan tâm phát triển thương mại điện tử

Cẩm Trúc

baodongkhoi.vn